Đó là một ngày khai trường, khi cô Thompson đứng trước các em học sinh lớp Năm của mình, nhìn chúng âu yếm và nói một câu mà các giáo viên vẫn thường nói: "Cô sẽ yêu thương tất cả các em như nhau". Thế nhưng trong lòng cô hiểu rằng bản thân mình khó có thể làm được điều đó.
Đây là câu chuyện về một cô giáo tên Jean Thompson. Chuyện đã xảy ra từ nhiều năm trước, lúc cô đang dạy ở trường tiểu học trong một thị trấn nhỏ của Hoa Kỳ.
Đó là một ngày khai trường, khi cô Thompson đứng trước các em học sinh lớp Năm của mình, nhìn chúng âu yếm và nói một câu mà các giáo viên vẫn thường nói: "Cô sẽ yêu thương tất cả các em như nhau". Thế nhưng trong lòng cô hiểu rằng bản thân mình khó có thể làm được điều đó. Cô vừa nhìn thấy cậu học sinh tên Teddy Stoddard ngồi ngay ở hàng ghế thứ ba.
Cô đã từng gặp Teddy trong trường 1 năm trước và nhận thấy cậu bé này không hề chơi đùa vui vẻ với bạn bè, áo quần thì lôi thôi lếch thếch, người ngợm bẩn thỉu hôi hám. Cậu bé khiến cô Thompson cảm thấy không thoải mái chút nào. Mấy tháng sau đó, khi chấm bài tập của học sinh, cô đã không ngần ngại dùng bút đỏ gạch những nét đậm vào bài tập của Teddy và đặt lên chữ "F" (xếp hạng kém nhất).
Theo quy tắc của trường, đầu mỗi năm học các giáo viên sẽ phải xem lại học bạ của từng học sinh trong lớp mình. Cô Thompson đã để học bạ của cậu học sinh không mấy thiện cảm xuống dưới cùng và đến khi mở ra coi, cô đã không khỏi sửng sốt trước những lời ghi trong đó.
Cô giáo lớp Một của Teddy nhận xét: "Teddy là một đứa trẻ thông minh, dễ mến, rất hay cười đùa. Con luôn hoàn thành tốt mọi việc được giao và cư xử rất dễ mến với. Mọi người đều cảm thấy vui vẻ khi ở bên con”.
Giáo viên lớp Hai ghi: "Teddy là một học sinh xuất sắc, được bạn bè yêu mến. Căn bệnh nan y của mẹ đã khiến con có những xáo trộn và gặp không ít vất vả trong cuộc sống”.
Giáo viên lớp Ba của cậu ghi: "Cái chết của mẹ đã tác động mạnh đến Teddy. Con đã cố gắng làm hết sức mình nhưng cha lại không quan tâm đến điều đó và cuộc sống gia đình chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến con nếu con không nhận được sự giúp đỡ".
Giáo viên lớp Bốn nhận xét: "Teddy tỏ ra lãnh đạm và không thích thú với việc học. Con không có nhiều bạn và hay ngủ gật trong lớp".
Đọc tới những dòng này, cô Thompson chợt hiểu ra nhiều điều và cảm thấy rất xấu hổ về chính bản thân mình.
Một ngày trước khi nghỉ lễ Giáng Sinh, các học sinh lớp Năm đem tới tặng cô những món quà được gói giấy màu và gắn nơ rất đẹp, ngoại trừ món quà của Teddy. Cậu học trò này mang tặng cô một món quà gói vụng về bằng loại giấy dày màu nâu xỉn vẫn hay dùng để gói hàng ngoài chợ thực phẩm.
Mở món quà đặc biệt của Teddy trước mặt cả lớp, cô Thompson không tránh khỏi cảm thấy ái ngại. Một vài học sinh trong lớp cười khúc khích khi thấy cô giáo lấy ra một chiếc vòng đeo tay bằng hột xoàn giả đã bị rơi mất vài hột và một chai nước hoa chỉ còn chưa đầy một phần tư.
Cô lập tức át đi tiếng cười của lũ học trò bằng việc khen ngợi chiếc vòng thật xinh xắn. Cô đeo chiếc vòng vào tay mình và xịt ít nước hoa còn trong chai lên cổ tay.
Hôm đó, Teddy đã ở lại sau cùng để nói với cô:
"Thưa cô, hôm nay cô có mùi thơm như mẹ em ngày xưa vậy".
Sau khi tất cả học sinh trong lớp ra về, cô Thompson đã ngồi khóc cả giờ đồng hồ. Đó cũng là lúc cô quyết định thay đổi lớn trong cách dạy học của mình. Cô thấy việc mình cần làm không chỉ là chú trọng đến việc dạy các em tập đọc, tập viết và làm toán mà còn là chăm sóc học trò nhiều hơn trước.
Cô dành sự quan tâm đặc biệt đến Teddy. Mỗi khi tới bàn Teddy để chỉ dẫn thêm, cô thấy rõ tinh thần của cậu học trò nhỏ có vẻ phấn chấn lên nhiều. Càng nhận được sự khuyến khích, Teddy càng tiến bộ nhanh và đến cuối năm, Teddy đã trở thành một trong những học sinh giỏi nhất lớp. Bất chấp lời nói dối của mình đầu năm học, rằng cô sẽ yêu thương các học trò như nhau, Teddy là học trò mà cô yêu thương nhất.
Một năm sau, cô Thompson nhận được một mẩu thư nhét qua khe cửa từ Teddy. Cậu bé viết: "Cô là cô giáo tuyệt vời nhất của em".
6 năm sau, cô lại nhận được một lá thư ngắn từ Teddy. Teddy khi này đã tốt nghiệp Trung học, xếp hạng 3 và vẫn luôn coi: "Cô là cô giáo tuyệt vời nhất của đời em".
4 năm sau, cô Thompson một lần nữa nhận được thư của học trò cũ. Teddy chia sẻ dù hoàn cảnh có lúc rất khó khăn, thậm chí gần như bế tắc, cậu vẫn nỗ lực, quyết tâm học và tốt nghiệp Đại học với tấm bằng xuất sắc. Với cậu, "Cô vẫn là người giáo viên tuyệt vời và đáng kính nhất".
Rồi 4 năm nữa trôi qua, cô nhận được lá thư của Teddy, trong đó nói cậu đã trở thành tiến sĩ và quyết định học lên tiếp. "Cô vẫn luôn là người thầy tuyệt vời nhất trong đời em". Giờ đây, phần ký tên của cậu đã dài hơn, đó là Tiến sĩ Y khoa Theodore F. Stoddard.
Câu chuyện vẫn chưa kết thúc ở đó. Mùa xuân năm ấy, một lá thư nữa của Teddy được được gửi đến nhà cô Thompson. Trong thư, cậu học trò nhỏ ngày nào tâm sự sắp làm đám cưới và cha của cậu đã mất cách đây vài năm nên Teddy mong cô Thompson có thể tới dự lễ cưới và ngồi ở vị trí vốn thường dành cho mẹ chú rể.
Bạn đoán xem điều gì đã xảy ra?
Hôm đó, cô Thompson đã đeo chiếc vòng hột xoàn giả bị khuyết mất vài hột mà Teddy đã tặng cô năm xưa, dùng chai nước hoa mà Teddy nói là mẹ em đã dùng vào dịp Giáng Sinh cuối cùng trước khi bà qua đời.
Cô trò gặp nhau, ôm chầm lấy một cách mừng rỡ. Tiến sĩ Theodore Stoddard thì thầm vào tai cô giáo: "Cảm ơn cô đã tin tưởng em. Cảm ơn cô rất nhiều vì đã cho em cảm cảm thấy mình quan trọng và cho em niềm tin là em có thể tạo ra những thay đổi".
Cô Thompson khi ấy đáp lời trong nước mắt:
"Teddy ơi, em nói sai rồi! Chính em mới là người đã dạy cô rằng cô có thể tạo ra những thay đổi. Cô chưa từng biết thế nào là dạy dỗ học trò, cho tới khi cô gặp được em".