Sau khi cầm quyết định ly hôn của tòa án, những tưởng được “tự do”, nhưng nhiều người đã không thể thoát được cuộc hôn nhân cũ.
Hay nói đúng hơn là không thoát khỏi người vợ hoặc chồng cũ!
Hết duyện còn nợ
Chỉ tính riêng năm 2012, Báo Phụ Nữ đã tiếp nhận hàng chục lá đơn kêu cứu của những trường hợp dù ly hôn rồi vẫn còn bị vợ cũ theo dõi, phá bĩnh hay bị chồng cũ đánh đập, lăng nhục. Nguyên nhân hầu hết là để tranh đoạt tài sản.
Tiếp chúng tôi trong căn phòng trọ nóng như nung ở xã Tân Xuân, huyện Hóc Môn, chị L.T.T., SN 1965, nói trong nước mắt: “17 năm chung sống, từ tay trắng, vợ chồng đã cùng tạo lập được một xưởng dệt với hàng ngàn mét vuông đất ở Củ Chi, vậy mà, ngay từ lúc chưa ly hôn, anh ta chửi mắng, đuổi thẳng ba mẹ con tôi khỏi nhà, đưa người phụ nữ khác về chung sống. Vì con, tôi phải nghỉ làm, chuyển trường về nơi mới để giúp con ổn định lại tinh thần sau cú sốc ba phản bội mẹ. Tòa xử anh ta phải chia lại tôi một phần tài sản trị giá hơn một tỷ đồng, nhưng anh ta không thi hành án. Tháng 12/2012, sau hai năm mòn mỏi khiếu kiện, tôi được anh ta thông báo về Củ Chi nhận phần tài sản của mình thì mới biết toàn bộ nhà xưởng ở đây đã cháy rụi, dù bán đổ tháo cũng chưa đủ trả nợ khoản vay ngân hàng mà anh ta từng mang xưởng này đi thế chấp! Từ ngày giao cho tôi đống nợ, anh ta bỏ đi Bình Dương sống cùng người mới. Tôi hết duyên mà vẫn còn mang nợ!”.
Ly hôn từ năm 2007, chờ suốt sáu tháng, chẳng những không được cấp dưỡng nuôi con, mà còn bị chồng đuổi khỏi nhà cùng con trai, chị L.T.U.N. ở Q.2 đã khởi kiện tranh chấp tài sản chung.
Cũng vì tranh chấp tài sản với chồng cũ, chị N.T.T.L., ngụ ở Q.11, rơi vào tình trạng ly mà không thoát. (ảnh minh họa)
Tính từ ngày khởi kiện đến nay đã sáu năm, chị U.N. vẫn mòn mỏi chờ. Sau khi vụ kiện sơ thẩm ở Q.2 kết thúc, không đồng ý với phán quyết đầy bất công của tòa, chị kiện lên Tòa phúc thẩm. Sau khi thụ lý, TAND TP.HCM quyết định hủy toàn bộ bản án cũ, cho tiến hành điều tra lại vì TAND quận sai nhiều thủ tục tố tụng. Từ lúc trả đơn về Q.2 đến nay hơn hai năm, chị U.N. tiếp tục chờ… Trong khi đó, trên mảnh đất được xác nhận là tài sản chung hiện có 43 phòng trọ, một nhà kho và một quán ăn do anh N. quản lý thu được huê lợi mỗi tháng vài chục triệu đồng. Chị U.N. bức xúc: “Bao giờ tòa mới đưa vụ việc ra xét xử? Trong khi những khoản tiền vay nợ chung từ ngân hàng phát sinh lãi quá hạn ông N. không đóng và cũng không chia tiền để tôi đóng.
Lúc ly hôn, con trai tôi chỉ 16 tuổi, quyết định ông N. cấp dưỡng mỗi tháng bốn triệu đồng nuôi con, ông ấy cũng không thi hành. Nay cháu 22 tuổi, tôi kiện như thế nào để truy lãnh tiền đó cho con? Năm 2008, sau khi đe dọa tôi vì tranh chấp tài sản, ông N. đã đánh tôi gãy tay, giờ tôi mất khả năng lao động. Của cải trên danh nghĩa có hàng chục phòng trọ và một căn biệt thự nhưng tôi lại đang phải đi ở trọ!”.
Thảm họa chung nhà
Cũng vì tranh chấp tài sản với chồng cũ, chị N.T.T.L., ngụ ở Q.11, rơi vào tình trạng ly mà không thoát. Anh chị chung sống hơn 18 năm, chung tay cất được ngôi nhà ba tấm khang trang. Nhà xây xong thì chị L., phát hiện anh T.V.X., chồng chị, có bồ và đã có một đứa con rơi, là con trai, trong khi chị L. sinh một lèo ba cô con gái. Vì thế, anh X. dẫn ngay người mới về nhà, chiếm trọn tầng trệt và tầng một làm tổ uyên ương. Chị L. làm dữ, anh X. chìa ra lá đơn ly hôn. Sau khi tòa chia đôi tài sản cho chị: một nửa căn nhà và một nửa số nợ gần 400 triệu đồng, chị không biết làm sao lấy nhà cũng chẳng biết làm sao trả nợ. Anh X. và người vợ mới khẳng định không có tiền “thối” lại cho chị ra khỏi nhà, còn thách thức: “Có giỏi thì đi kiện, chúng tôi đi hầu”. Vậy là suốt bốn năm qua, chị phải ra vào chung một nhà với những người lẽ ra “không đội trời chung”.
Một mình làm công nhân ở xí nghiệp in, chị lo cho con ăn học được đã là may. Trong khi lấy trọn mặt bằng tầng trệt, anh X. và vợ mới sống ung dung, nhàn hạ. Chị L. bật khóc: “Đôi lúc thấy các con nghe mùi thức ăn nhà dưới xộc lên, len lén nuốt nước miếng mà xót cả lòng. Nhưng, nếu ra khỏi ngôi nhà ấy, coi như mấy mẹ con mất trắng. Mà đi thì cũng chẳng biết đi đâu vì tiền lương của tôi chỉ hơn năm triệu đồng, nếu gánh thêm tiền thuê nhà, sống sao nổi?”.
Chưa có vợ mới, nhưng người chồng cũ sống chung nhà với chị L.T.N.B., ở Thủ Đức lại liên tục cưỡng bức, bạo hành chị. Cứ cách hai ba đêm, anh ta lại mò vào phòng chị một lần. Ban đầu, do hai con còn quá nhỏ, chị B. không dám kêu cứu. Biết điểm yếu của chị, anh chồng cũ ngày càng lấn tới. Khi chị quyết liệt chống cự, anh ta đánh đập chị không thương tiếc. Cuối cùng, sau hai năm chịu đựng, B. bế hai con bỏ trốn về quê ở Quảng Ngãi.
Vấn nạn chồng cũ là một nỗi nhức nhối không chỉ riêng của người phụ nữ rơi vào hoàn cảnh đó mà còn là bi kịch cho những đứa trẻ lỡ sinh trong gia đình có người chồng, người cha tệ bạc, cạn tàu ráo máng. N.T.N., sinh viên năm thứ tư, giờ phải ở trọ trên tầng bốn của tòa nhà sáu tầng do cha mẹ mình từng là đồng sở hữu (giờ đã thành tổ ấm mới, là cơ sở kinh doanh làm ra tiền tỷ của cha) cay đắng nói: “Luật pháp đã không bảo vệ quyền lợi của mẹ con tôi. Lẽ ra, việc cha tôi phản bội mẹ, vi phạm Luật HNGĐ khi đưa người phụ nữ khác về chung sống, phải là một yếu tố để quy lỗi, bắt ông phải để phần tài sản nhiều hơn cho mẹ tôi nhưng luật chỉ yêu cầu chia đôi bình thường. Người gây lỗi là cha tôi, do có hộ khẩu ở căn nhà đó, đã ngang nhiên đuổi mẹ con tôi ra khỏi căn nhà chung. Tôi thật không biết phải kêu cứu ở đâu để giúp mẹ lấy lại công bằng”.