Một người chồng giàu mà chi một đồng cho vợ cũng phải nâng lên đặt xuống là khi họ coi đồng tiền quan trọng hơn vợ. Ở trong hoàn cảnh đó, bất cứ người vợ nào cũng thấy ngột ngạt, nặng nề.
Một người cha khuyên con gái mình thế này: Có một số người phù hợp nhưng con không yêu, một số người yêu con nhưng lại không phù hợp. Muốn biết yêu hay không yêu, đừng nghe bằng tai mà hãy nhìn bằng mắt. Xem cậu ta cố gắng bao nhiêu.
Mà muốn biết có phù hợp với con hay không, đừng hỏi cậu ta có những gì, mà hãy hỏi nụ cười và nước mắt của con. Một người cứ luôn khiến con rơi nước mắt, điều kiện có tốt đến đâu cũng chớ có cần.
Một người luôn làm con cười, cho dù phải chịu khổ cũng đáng. Thà cười tươi chịu khổ còn hơn hưởng thụ trong nước mắt.”
Thực tế, tiền bạc là vấn đề vô cùng quan trọng trong hôn nhân gia đình. Một người chồng có khả năng đảm bảo đời sống kinh tế cho gia đình vẫn luôn là mơ ước của mọi chị em phụ nữ. Tuy nhiên trên thực tế không phải ai lấy chồng giàu thì cũng đều sụng sướng, hạnh phúc.
Bởi như ta đã thấy, một người chồng giàu mà chi một đồng cho vợ cũng phải nâng lên đặt xuống là khi mối quan hệ vợ chồng đó đã chứa đựng sự mệt mỏi, nặng nề. Lúc này người chồng thường coi trọng tiền bạc hơn vợ mình. Tình yêu không còn thì hạnh phúc cũng sẽ lặng im trong mối quan hệ của họ.
Tuấn ở Biên Hòa, Đồng Nai là một ví dụ điển hình. Điều kỳ lạ mà người thân trong gia đình cũng như bạn bè không thể hiểu nổi đó là Tuấn rất keo kiệt với vợ. Hương, vợ Tuấn quê ở Nghệ An, vào Biên Hòa làm công nhân. Tuấn là kỹ sư tin học. Gia đình Tuấn khá giàu có bề thế ở Biên Hòa.
Ngày Hương mới lấy chồng, bố mẹ Hương sung sướng hạnh phúc lắm vì nghĩ con mình may mắn lấy được người chồng có học, giàu có. Thế nhưng lấy nhau chưa được 2 năm thì Hương đã ôm con ra khỏi nhà chồng vì không thể chịu đựng được sự hà khắc, áp đặt và khinh khi của mẹ chồng và em gái của chồng.
Tuấn, chồng Hương dường như ngoảnh mặt làm ngơ trước nỗi tủi cực của vợ. Mỗi lần thấy vợ khóc, Tuấn không những không an ủi mà còn đổ lỗi tại Hương không biết ứng xử. Trước cảnh bị nhà chồng và chồng ghẻ lạnh, Hương đã ôm con ra khỏi nhà.
“Tức chí, bấm chí”, Hương đã vay mượn tiền bạc của anh em bà con họ hàng để mua một mảnh đất thuộc “vùng sâu vùng xa” ở Biên Hòa. Sau đó Hương đã mua xi măng, gạch đá về nhờ em trai và mình tự xây nên một ngôi nhà cấp 4 để ở.
Khổ sở trăm bề nhưng Hương quyết tâm không đầu hàng số phận. Vì hoàn cảnh con còn nhỏ, Hương đã tìm một công việc đầu bếp tại một trường mầm non ở Biên Hòa, vừa kiếm tiền vừa gửi con ở đó.
Thấy vợ nhất quyết bỏ nhà cao cửa rộng ra ngoài gây dựng cơ đồ bằng hai bàn tay trắng, Tuấn lúc này mới cảm thấy chột dạ. Anh đã xin lỗi vợ nhưng Hương nhất quyết không về sống chung với nhà chồng. Cuối cùng, trước sự quyết liệt của Hương, Tuấn đã phải theo vợ “bỏ nhà” ra ở riêng cùng với vợ con của mình.
Hiện nay vợ chồng Hương đã có với nhau 2 đứa con. Họ vẫn ở riêng trong ngôi nhà mà Hương đã dựng lên hồi mới bỏ nhà chồng ra ngoài. Tuy nhiên, ngôi nhà thuộc diện vùng sâu vùng xa ngày nào Hương mua chỉ vài chục triệu, nay đã lên đến hơn tỷ bạc.
Bố mẹ và em chồng Hương giờ không còn dám khinh thường cô là gái nhà quê, là công nhân, là “đũa mốc mà đòi mâm son” như xưa nữa. Nghị lực của Hương đã khiến cho họ phải thay đổi suy nghĩ.
Việc một cô gái chân quê phải rời bỏ gia đình chồng bề thế giàu sang ra ngoài lăn lộn với cuộc sống tự lập đủ để thấy rằng, những thứ không phải của mình thì mãi mãi không thuộc về mình. Và, không có niềm vui sướng nào bằng niềm vui sướng được thụ hưởng từ chính thành quả lao động của mình.
Khi người phụ nữ tự chủ về kinh tế, họ sẽ tự quyết định cuộc sống của mình. Và khi đã tự chủ về cuộc đời mình thì chị em sẽ chẳng còn sợ bất cứ điều gì, kể cả điều xấu nhất đó là hôn nhân tan vỡ.