Làm đẹp mất tướng vận: Có nên không?

Ngày 05/11/2013 10:58 AM (GMT+7)

Chuyên gia nghiên cứu văn hóa, PGS.TS Phạm Ngọc Trung cho rằng, nhiều người không quan tâm chuyện mất vận mà chỉ suy nghĩ đến mục đích của làm đẹp.

Nói về chuyện phẫu thuật thẩm mỹ, làm đẹp, thật còn quá nhiều nhức nhối. Con người luôn khát khao vươn tới cái đẹp nên có thể làm mọi cách mà không lường đến hậu quả. Không biết bao nhiêu vụ làm đẹp, phẫu thuật thẩm mỹ đã cướp đi tính mạng của người xung quanh họ, vậy mà người ta vẫn cứ liều, cứ cố và hi vọng vào một kết quả mĩ mãn như mơ.

Vụ một cô người mẫu Trung Quốc vì đi gọt hàm mà bị tử vong đã gây xôn xao dư luận không ít ngày. Chuyện anh chàng tên H. tại TPHCM, vì sợ người yêu chê mình quá gầy, không dám đưa về ra mắt mà đi độn ngực, độn mông và mất đi tính mạng của mình mới cách đây gần 2 tháng khiến nhiều người hoảng hốt. Và chắc hẳn, sẽ không có ai là không biết đến trường hợp thẩm mỹ viện Cát Tường, phẫu thuật làm chết người rồi ném xác xuống sông. Rồi còn rất rất nhiều những con người đang sống mà chịu đau đớn, dằn vặt vì di chứng của phẫu thuật làm đẹp... Ấy vậy mà những chuyện đó dù quá là sợ hãi, quá là nghiêm trọng nhưng những người ham làm đẹp dường như vẫn chưa được cảnh tỉnh.

Đó là một chuyện, nhiều người còn tin rằng, phẫu thuật thẩm mỹ, làm đẹp sẽ giúp họ thay đổi tướng vận, số phận của mình và họ đã trở thành người 'cuồng phẫu thuật". Nhưng thực hư của chuyện này thế nào, vẫn chưa có lời giải đáp. Chúng tôi đã có buổi nói chuyện và trao đổi với PGS.TS Phạm Ngọc Trung (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) về vấn đề này.

Khi không có tiền, đẹp do phẫu thuật cũng mất đi

Thưa PGS.TS, ở góc độ văn hóa dân tộc, xin ông cho biết, quan niệm làm đẹp từ xa xưa của người Việt như thế nào?

Người Việt nói riêng và nhân loại nói chung đã có xu hướng làm đẹp từ rất lâu. Cách làm đẹp của con người nói chung, càng ngược dòng lịch sử chúng ta càng thấy rằng, họ cũng chỉ mượn những hiện vật ở bên ngoài để trang trí cho cơ thể, ví dụ như đeo thêm hoa tai, cắm thêm lông chim lên mũ, lên đầu hoặc lên người để múa, cũng có thể là bôi đất lên người, xăm trổ. Thời kỳ Đông Sơn ở Việt Nam đã phát hiện rất nhiều đồ trang sức như vòng tay, hoa tai, gương bằng đồng, luc lạc hay xà tich bằng đồng, gắn với cơ thể con người và đa phần những đồ trang sức thì thường gắn nhiều hơn với những người phụ nữ.

Đến thời hiện đại, khi các loại kim loại quý xuất hiện như vàng bạc, kim cương thì chúng trở thành những hiện vật trang trí rất phổ biến và được yêu thích. Đặc biệt, trong thời đại ngày nay, những đồ trang sức còn có thể mở rộng hơn nữa, nó không chỉ là những đồ mang theo trên người ý nghĩa thực dụng mà nó còn tôn lên vẻ đẹp trên người, thay cho những đồ trang sức, ví dụ như đồng hồ, túi, son phấn... Cách làm đẹp của con người hiện đại vô cùng phong phú, đa dạng từ đầu tóc, trang phục cho đến những vật dụng mang theo, thậm chí là những đồ trang sức có tính chất thuần túy.

Làm đẹp mất tướng vận: Có nên không? - 1

PGS.TS Phạm Ngọc Trung

Theo PGS, trong thời hiện đại ngày nay, làm đẹp có điều gì khác biệt so với ông cha ta từ xa xưa?

Trong thời hiện đại, ở Việt Nam chúng ta trong khoảng 20 năm nay rộ lên phong trào làm đẹp theo hướng không phải chỉ là trang trí bên ngoài mà đi tới thay đổi cả cấu trúc hay bộ phận trong cơ thể, ví dụ như hàm răng, gò má hay xăm trổ thêm ở lông mày, lông mi... Họ can thiệp sâu hơn để làm thay đổi đi hoàn toàn so với hình dáng và cốt cách ban đầu của mình. Đó là xu hướng làm đẹp của thời hiện đại, như phẫu thuật thẩm mỹ chẳng hạn.

Làm đẹp là mong muốn chính đáng nhưng có người chấp nhận phẫu thuật thẩm mỹ bằng mọi giá, một cách thái quá. Vậy PGS nhìn nhận về điều này như thế nào?

Những gì thái quá đều không tốt. Trong lĩnh vực làm đẹp, thái quá còn làm nguy hiểm đến tính mạng, do đó chúng ta không nên khuyến khích. Chính vì một số người không hiểu biết sâu, kể cả những người có cơ sở làm đẹp, họ cũng không hiểu hết được ý nghĩa nhân văn của lĩnh vực đó nên một số nơi dưới sức ép của khách hàng, dù họ chưa tiếp cận được kĩ thuật công nghệ đó nhưng họ vẫn cố tình làm, quá với khả năng của mình.

Có một số thanh niên đặc biệt là các bạn nữ rất thích làm đẹp, kể cả phải chịu đựng đau đớn, sẵn sàng tốn rất nhiều tiền để khắc phục hạn chế của mình. Thậm chí, đến mức nhiều người qua phẫu thuật thẩm mỹ, họ không còn là họ nữa. Hình ảnh trên chứng minh thư trước và sau khi làm thẩm mỹ, có nhiều trường hợp không nhận thể nhận ra vì khuôn mặt, tất cả mọi thứ trên cơ thể khác đi, thậm chí thay đổi hẳn. Nhìn bên ngoài mọi thứ đều đẹp nhưng hậu quả của quá trình làm đẹp, dù là đúng bài bản cũng để lại những hậu quả đáng tiếc, vì nó không lâu dài, đòi hỏi số tiền lớn để chăm sóc thường xuyên, thậm chí còn gây ra những biến chứng, hậu quả không tốt cho sức khỏe. Rất nhiều người khi có điều kiện thì giữ được vẻ đẹp cân đối nhưng khi sức khỏe và kinh tế suy giảm, lúc đó cơ thể bị tàn phá rất ghê gớm.

“Làm đẹp mất tướng vận không đúng khoa học”

Từ xưa ông cha đã đưa ra những đúc kết về sự liên quan giữa hình dáng, mặt, mũi, lông mày… đến số vận, tính cách của con người. Từ góc độ của nhà nghiên cứu văn hóa, PGS nhìn nhận điều này như thế nào?

Hiện nay, Việt Nam chưa nghiên cứu nhiều về vấn đề này. Thực ra thì những quan niệm đó có thể dừng lại ở việc tham khảo. Có thể thấy các nhận xét đó được đúc kết từ không phải từ 1 người mà là hàng nghìn người, cụ thể như rậm râu, sâu mắt là những người bản tính rất mạnh mẽ nhưng cũng rất tàn bạo, hay mắt trắng môi thâm là bạc ác. Tùy mỗi người tin hay không, có thể không tin 100% nhưng phần nào cũng có thể tham khảo. Tuy nhiên, hiện nay, can thiệp của thẩm mỹ hiện đại có thể làm mất đi những cái xấu đó, khắc phục những nét mà theo quan niệm của người xưa cho là không được tốt, như làm môi thâm thành môi đỏ, cắt tỉa lông mày cho bớt rậm. Vì vậy, theo tôi nghĩ, số phận con người là do nhiều yếu tố quyết định như đạo đức, trí tuệ chứ hình dáng không quyết định được.

Cách khái quát số phận con người qua những hình dáng, vẻ mặt… không đúng hoàn toàn, có thể chỉ đúng với một số trường hợp chứ không phải tất cả. Hiện tại,chưa có công trình nghiên cứu nào chắc chắn về điều này.

Làm đẹp mất tướng vận: Có nên không? - 2

Phẫu thuật thẩm mỹ không liên quan đến số vận con người (ảnh minh họa)

Hiện nay, có một số người muốn làm đẹp nhưng sợ làm mất đi tướng vận như tẩy nốt ruồi sợ mất đi giàu có chẳng hạn. PGS suy nghĩ như thế nào về nỗi lo này?

Theo tôi nghĩ rằng, để làm đẹp thì nhiều người vẫn chấp nhận bỏ qua những suy nghĩ đó. Bên cạnh đó, có những người không dám, vì chỉ cần tẩy nốt ruồi có thể để lại hậu quả, làm cho vị trí đã tẩy cứ sùi lên hay dẫn đến bệnh khác. Tuy nhiên, hiện nay, thanh niên ít người quan tâm đến làm đẹp và đánh mất vận số hay gì cả. Vì điều mà họ mong muốn nhất là đẹp lên trong mắt mọi người, khắc phục những khuyết điểm trên khuôn mặt, hình dáng…

Tuy nhiên, liệu có chuyện mất đi tướng vận khi phẫu thuật thẩm mỹ hay làm đẹp như nhều người nghĩ không, thưa PGS?

Về mặt khoa học thì không đúng, như tôi đã nói những người có nhu cầu làm đẹp ít quan tâm đến vận số, mà chú ý hơn đến việc sau khi làm đẹp họ sẽ được điều gì. Chính những người có nhu cầu làm đẹp hay phẫu thuật thẩm mỹ mà lo lắng mất đi vận số thì đã không dám thay đổi.

Bên cạnh đó lại có một số người ở châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng lại quan niệm đi làm đẹp hay phẫu thuật thẩm mỹ để vận số may mắn hơn, điều này liệu có đúng như suy nghĩ?

Đây chỉ là giải pháp tinh thần của từng cá nhân, còn nếu có chuyện tướng vận thật sự như nhiều người nghĩ thì việc thay đổi cũng rất khó. Ví dụ như một cô gái sinh vào ngày, tháng cụ thể, nếu nhờ sự can thiệp của thẩm mỹ cũng chỉ là tác động bên ngoài chứ không làm thay đổi được cấu trúc cơ thể. Tuy nhiên, sự thay đổi đó làm cho người đó tự tin hơn, khắc phục những khuyết điểm.Người đời không còn mặc cảm với họ nhiều như trước nữa.

Khắc phục những khuyết điểm, làm cho mọi người nhìn về người đó khác đi vì không có những khiếm khuyết trên khuôn mặt hay hình dáng nữa, phải chăng đó là một ‘cú lừa”?

Nếu nói "lừa" thì hơi quá, coi làm đẹp hay phẫu thuật thẩm mỹ đó là tôn vinh vẻ đẹp, trở thành cái tích cực cho xã hội thì đó là điều tốt. Còn nếu làm đẹp hơn để cố gắng đạt được mục đích nào đó không có đạo đức thì lại trở thành cái xấu. Cái xấu, tốt là do ứng xử của con người sử dụng vẻ đẹp đó như thế nào. Xét cặn kẽ thì làm đẹp hay phẫu thuật thẩm mỹ không phải là điều xấu, xét cặn kẽ thì không có tội nếu đó là nguyện vọng chính đáng của con người.

Với những người đang mong muốn làm đẹp hay nuôi ước mơ phẫu thuật thẩm mỹ, PGS-TS Phạm Ngọc Trung cho rằng:

- Làm đẹp là điều tốt, không đáng phê phán, còn nếu làm đẹp bằng mọi giá là không nên. Bởi,có thể xảy ra những hậu quả không tốt cho bản thân,

- Người mong muốn làm đẹp hay phẫu thuật thẩm mỹ nên tìm hiểu về cơ thể mình, thông qua tư vấn của bác sĩ, tìm hiểu về cơ sở thẩm mỹ có đúng chuyên môn, thiết bị thế nào, tay nghề ra sao.

- Bản thân người làm trong lĩnh vực phẫu thuật thẩm mỹ cũng phải xác định được trách nhiệm khi hành nghề.

- Cơ quan quản lý không thể thờ ơ với lĩnh vực này, cần có thanh kiểm tra thường xuyên.

Phẫu thuật và tướng vận

Sau hàng loạt các tại nạn nguy hiểm do PTTM, bạn có ý định đi thẩm mỹ làm đẹp nữa không?



Anh Minh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Bạn đọc