"Khoảng 70% người đứng đơn là phụ nữ... Các chị em đơn giản nghĩ rằng, cuộc đời ngắn ngủi, không phải cứ chịu đựng được mãi".
Ly hôn: 70% phụ nữ đứng đơn vì... không chịu được
Trong xã hội hiện đại ngày nay, nhiều người nói ly hôn đang “nhan nhản” khắp nơi. Từ góc độ của nhà tâm lý cũng như một người dân bình thường, chuyên gia có nhận thấy điều này?
Tôi thấy tình trạng ly hôn đúng là rất nhiều, số liệu thống kê cách đây mấy năm cho thấy, tỷ lệ ly hôn so với kết hôn 25%, có nghĩa trong 4 đôi đi đăng ký kết hôn thì 1 đôi ra tòa. Trước đây, nhiều người vẫn quan niệm, ly hôn thường xảy ra ở các cặp vợ chồng trẻ nhưng cuộc sống xã hội ngày nay xuất hiện tình trạng “trẻ nết na, già hư hỏng”. Nhiều đôi vợ chồng già sống qua thời bao cấp đùm bọc, hòa thuận nhưng đã lên ông lên bà, con cái khôn lớn trưởng thành thì khó hòa hợp vẫn dẫn đến ly hôn.
Ly hôn không còn chỉ có phổ biến trong giới trẻ mà người già cũng ra tòa vì không thể hòa hợp. Liệu tình trạng ly hôn như hiện nay có đáng lo ngại?
Cái gì cũng có hai mặt, ly hôn nhiều nhưng chưa chắc đã đáng sợ. Trước đây, nhiều người lớn tuổi vẫn nói, thời xưa ít ly hôn, gia đình êm ấm, bây giờ cuộc sống sung túc hơn, đám cưới rình rang, đi trăng mật… nhưng nhiều đôi vẫn ly hôn. Điều đó không có nghĩa là thời xưa các cặp vợ chồng đều sống hạnh phúc mà không ít người nghiến răng chịu đựng, chẳng ai nghĩ đến chuyện ly hôn vì sợ mang tiếng dị nghị bởi quan niệm về vấn đề này khá nặng nề. Hiện nay, nhiều người ý thức được quyền cá nhân, mỗi con người có một cuộc đời không phải sinh ra để chịu đựng quá mức. Khi mọi thứ đã vượt qua sức chịu đựng, không hàn gắn được thì sẵn sàng ly hôn để giải thoát.
Chuyên gia tâm lý học Đinh Đoàn
Theo chuyên gia, nguyên nhân hàng đầu dẫn đến sự đổ vỡ của nhiều mái ấm gia đình là do đâu?
Người ta vẫn đánh giá người phụ nữ dựa trên tứ đức “công, dung, ngôn, hạnh”. Còn hiện nay, các chị em đánh giá người đàn ông dựa trên “chung, nghệ, lịch, trách”. Không phải vô cớ người phụ nữ đặt yếu tố chung thủy lên hàng đầu. Với nhiều người, có thể chồng làm ăn có lúc thất bại nhưng không thể chấp nhận được sự lăng nhăng, bồ bịch… Nguyên nhân hàng đầu trong ly hôn, theo đánh giá và thông qua các cuộc điện thoại tư vấn thì cặp bồ, ngoại tình là nguyên nhân hàng đầu.
Nguyên nhân thứ hai là do bạo lực gia đình. Có những ông chồng thiếu trách nhiệm, đánh đập, rượu chè, bê tha, còn người phụ nữ giám sát chặt chẽ quá cũng làm ảnh hưởng hạnh phúc gia đình.
Lẻ tẻ một số nguyên nhân dẫn đến ly hôn là do mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu, mẹ chồng quá khắt khe trong khi người chồng không biết cách để làm vừa lòng hai bên. Trong xã hội hiện đại, sự chịu đựng của người phụ nữ cũng có giới hạn nhất định, chứ không như trước đây. Dễ yêu, dễ cưới nên dễ bỏ.
Cách đây vài chục năm, chuyện ly hôn là điều gì đó rất nặng nề trong suy nghĩ của nhiều người. Phải chăng sự chịu đựng kém đi khiến cho nhiều gia đình đổ vỡ, thưa chuyên gia?
Mọi người sống hối hả hơn, việc bắt buộc chịu đựng hay cam chịu là khó hơn. Thực tế cũng có những cặp vợ chồng chấp nhận xa cách để đi xuất khẩu lao động. Người vợ đi làm ăn xa, chồng ở nhà nhận được tiền vợ gửi về thì nảy sinh đánh bài bạc, rượu chè… Cũng có những người chồng đi làm ăn xa, trước khi đi cũng phải vay mượn, nhưng khi về vợ đã cưới người đàn ông khác.
Cuộc sống gia đình đôi khi không chỉ có sự vui vẻ mà còn cần sự nhẫn nhịn, chịu đựng. Hiện nay, nhiều bạn trẻ dễ yêu, dễ bỏ, còn trước đây để tán tỉnh được ai đó phải khá kỳ công. Cho nên, cái gì không vất vả để đạt được thì thường không được trân trọng. Việc yêu dễ nên dẫn đến có suy nghĩ không thích nữa thì bỏ hoặc đã cưới nhau mà không hợp thì ly hôn.
Một thực tế là hiện nay nhiều người cởi mở hơn về chuyện tình dục nên điều này cũng dẫn đến ly hôn nếu không được đáp ứng đầy đủ?
Đây là điều mừng, được thỏa mãn nhu cầu tình dục là chính đáng, điều này giúp gắn kết tình cảm vợ chồng. Trước đây, người ta lấy vợ, lấy chồng đặt mục tiêu là sinh con đẻ cái. Cho nên, vấn đề nhu cầu thỏa mãn tình dục không được quan tâm. Nhưng hiện nay, người phụ nữ cũng đòi hỏi hơn. Ý thức người phụ nữ được nâng cao hơn, thậm chí dám thẳng thừng chê chồng yếu sinh lý. Và khi nhu cầu tình dục không được đáp ứng đầy đủ, cũng có người đòi ly hôn để tìm một hạnh phúc khác trọn vẹn hơn.
Vậy, theo chuyên gia, nam hay nữ thường là người đứng ra ly hôn khi cuộc sống không đúng như kỳ vọng?
Thông thường bạo lực, ngoại tình, thiếu trách nhiệm bắt nguồn do đàn ông. Tuy nhiên, tâm lý đàn ông là dù có bất hạnh thì cũng ngại thay đổi hay nói cách khác là rất ngại đứng đơn ra tòa để đòi ly hôn. Thậm chí, đàn ông có suy nghĩ, mình thiếu trách nhiệm hay rượu chè, bê tha rồi không lẽ lại bỏ luôn người bạn đời. Cũng có trường hợp, người vợ muốn nộp đơn ly hôn nhưng chồng lại níu kéo, cản trở để giữ hạnh phúc gia đình.
Cho nên, khoảng 70% người đứng đơn là phụ nữ. Khi người phụ nữ ý thức được quyền của mình, sẽ sẵn sàng đứng ra ly hôn nếu cuộc sống hôn nhân không hạnh phúc. Các chị em đơn giản nghĩ rằng, cuộc đời ngắn ngủi, không phải cứ chịu đựng được mãi. Dù sự chịu đựng của người phụ nữ Việt Nam là hơn hẳn so với nước ngoài nhưng cái gì cũng có giới hạn của nó.
Nhiều người khi ly hôn vẫn nói “ly hôn là sự giải thoát”. Theo chuyên gia, liệu ly hôn có phải là sự giải thoát thực sự?
Không có công thức chung về điều này, với người phụ nữ chung sống cùng người chồng bạo lực, sống trong sợ hãi đề phòng do sợ không biết chồng đánh đập lúc nào thì ly hôn là cuộc giải thoát. Trong cuộc sống, đôi khi có những mâu thuẫn là chuyện bình thường, nên phải học tập kỹ năng hóa giải mâu thuẫn, ứng xử mềm mại và khéo léo một chút. Nhiều người nghĩ rằng ly hôn thì sẽ cưới người khác nhưng cuộc sống không đơn giản như vậy. Mỗi một lần yêu, lấy vợ lấy chồng để lại một vết xước dù có lên da non cũng khó trở lại như ban đầu. Thậm chí, sau ly hôn, nhiều người không đi bước nữa vì đã trải qua cú sốc về tinh thần.
Một vấn đề đặt ra hiện nay là ngoài chuyện ly hôn còn có vấn đề hậu ly hôn, đôi khi nhiều người lâm vào khủng hoảng. Vì đâu nên nỗi theo chuyên gia?
Hậu ly hôn, có người vội lấy vợ hoặc lấy chồng ngay để chứng minh bản thân với người cũ. Sự vội vàng đó là do cay cú, cốt là chứng tỏ mình không yếu kém. Tuy nhiên, điều này là sai lầm, quyết định tiến tới hôn nhân cần sự suy nghĩ. Bởi vì, một lần vấp ngã rồi nếu thêm một lần vấp ngã nữa sẽ lâm vào vòng luẩn quẩn.
Thậm chí, có người vội vàng cưới chồng hoặc vợ hai nhưng chưa kịp vui thì nhận ra người mới không bằng người cũ. Đôi khi nảy sinh tình huống gặp lại nhau và khá nhiều trường hợp quay lại ngoại tình với vợ hoặc chồng cũ. Dù sao ở với nhau một thời gian cũng có sự gắn bó, cuộc hôn nhân đầu tiên bao giờ cũng hoành tráng, có tìm hiểu và yêu 2-3 năm, thậm chí có cả con cái…
Sau cuộc ly hôn, cũng có người sống khép mình, cảnh giác hơn. Thậm chí, sự cảnh giác và thiếu tin tưởng đó khiến bỏ qua những cơ hội xây dựng lại hạnh phúc với một người tử tế.
Ly hôn có thể để lại những chấn thương tâm lý cho con trẻ (Ảnh minh họa)
Quá mộng mơ về hôn nhân dễ bị sốc
Nói đến khởi phát của ly hôn hiện nay, không ít người cho rằng đó là do sự thiếu kỹ năng sống, chuyên gia có đồng ý với quan điểm này?
Xây dựng gia đình đòi hỏi sự sáng tạo, kiên trì của cả hai phía. Đó không phải là một trò đùa vui. Trong xã hội chúng ta, đôi khi cưới được nhau đã cảm thấy quá hạnh phúc nên dùng những cách nói như lương duyên trời định, trái tim hòa một nhịp… quá lãng mạn. Còn ở nhiều nước khác, các lớp tiền hôn nhân dạy cho mỗi cặp uyên ương những thực tế đối mặt khi cưới xong. Tức là chuẩn bị được tâm lý về sự thay đổi mọi thứ khi chính thức bước vào cuộc sống vợ chồng so với khi còn yêu, tìm hiểu nhau.
Cuộc sống sau hôn nhân khác hẳn so với khi còn yêu nhau, phải chăng cú sốc về tâm lý khiến người ta dễ dàng đi tới quyết định ly hôn?
Điều này thường rơi vào những cô gái trẻ, quá mộng mơ. Nhiều cô gái có ảo tưởng một chút về cuộc sống vợ chồng, cảm thấy bước lên xe hoa là chạm tới niềm hạnh phúc vô bờ bến. Nhưng, khi sống với nhau, nảy sinh nhiều điều mà trước đó chưa biết tới. Người phụ nữ trở nên càu nhàu, tra khảo chồng. Sự thất vọng là như nhau, với nam giới thấy vợ luộm thuộm hơn, ít chăm lo nhan sắc như hồi đang yêu nên cảm thấy chán.
Liệu học những lớp tiền hôn nhân có giải quyết được điều này?
Thực ra học là suốt đời, lớp tiền hôn nhân, trong hôn nhân cũng chỉ là một phần, Mõi người cần có ý thức học trong sách vở, mạng Internet…Thậm chí, nhiều phụ nữ có thời gian rảnh lại chơi điện tử hoặc buôn dưa lê nhưng lại không tìm hiểu các kiến thức, cách ứng xử trong đời sống vợ chồng. Sách vở, báo chí đôi khi là chung chung, có thể không áp dụng được cho tất mọi người. Tuy nhiên, qua đó có thể sẽ chắt lọc được những điều phù hợp cho mỗi người.
Hợp hay không hợp là do chính mình
Có người vẫn quan niệm ly hôn là điều gì đó rất kinh khủng nên sống cam chịu. Sự cam chịu đó có lẽ cũng có nguyên nhân của nó?
Vẫn còn quan niệm, đứa con sinh ra trong gia đình có bố mẹ ly hôn thì sau này gia đình có thể “đi lại vết xe đổ”. Tuy nhiên, điều này dần dần chắc chắn sẽ không còn nặng nề. Hiện nay, có rất nhiều người không nghĩ đến chuyện ly hôn và sẵn sàng cam chịu. Lý do vì sĩ diện, hai vợ chồng chấp nhận sống ly thân ngay trong gia đình nhưng bên ngoài vẫn tỏ ra còn tình cảm. Sĩ diện lấn át vì sợ sự dị nghị và ảnh hưởng đến vị trí công việc.Sự cam chịu không dám ly hôn có thể do vấn đề kinh tế, không lo được cho bản thân hoặc nuôi con cái…
Sự cam chịu của một số người không quyết định ly hôn vì sợ để lại những chấn thương tâm lý cho con cái. Theo chuyên gia, liệu con cái bị ảnh hưởng thế nào, khi bố mẹ đứt gánh giữa đường?
Điều này phụ thuộc vào tuổi của con, với đứa đứa trẻ dưới 3-4 tuổi thì việc ly hôn của bố mẹ không ảnh hưởng nhiều do thời gian chăm sóc của mẹ là chủ yếu. Còn với trẻ đã 8-9 tuổi, khi mà ý thức cá nhân đã có, ly hôn của bố mẹ sẽ khiến trẻ suy nghĩ, tổn thương nhiều hơn. Với một số người, khi quyết định ly hôn, họ đã chuẩn bị tâm lý cả cho con cái. Tuy nhiên, dù thế nào đi chăng nữa, khi vợ chồng ly hôn cũng đừng làm chia rẽ tình cảm con cái với bố mẹ. Đừng đứng ở phía này để nói xấu chồng và ngược lại.
Một số bạn trẻ coi chuyện ly hôn đơn giản và câu cửa miệng là “không hợp thì ly hôn’. Nếu cứ quan niệm không hợp mà chia tay sẽ dẫn tới hệ quả như thế nào?
Hợp hay không là do mình, con người ta không phải như ổ khóa cứ cho chìa vào là được. Có những cặp vợ chồng, khi cưới cảm thấy không hề hợp nhau nhưng qua thời gian gắn kết với nhau. Bên cạnh đó, cũng có những cặp đôi, khi yêu hết lòng với nhau nhưng vẫn chia tay vì thời gian làm thay đổi bản chất hoặc tính cách. Nếu cứ nói “không hợp thì lỳ hôn”, có lẽ cuộc đời này sẽ ly hôn rất nhiều lần.
Theo dự đoán của chuyên gia, vấn đề ly hôn trong thời gian tới sẽ như thế nào?
Cách đây khoảng 10 năm, đầu năm 2000, một số nghiên cứu cho rằng, hôn nhân rồi đến hồi tan vỡ, con người sẽ sống một mình. Thế nhưng, hiện nay, xu thế này không đáng lo ngại. Thực tế, con người ta không thích sống cô đơn, một mình. Cuộc đời mà không có ai ràng buộc hay níu kéo sẽ mất đi sự thú vị. Đến một lúc nào đó, con người muốn có một người để ý, níu mình lại. Tôi nghĩ rằng, cùng với sự giáo dục và thông qua truyền thông thì ly hôn sẽ dần giảm xuống.
Vậy, chuyên gia có thể đưa ra các giải pháp như thế nào cho cá nhân các cặp vợ chồng và xã hội để tình trạng ly hôn giảm xuống?
Về cá nhân, trước hết các cặp vợ chồng cần học tập để hiểu được hôn nhân là chuyện nghiêm túc, đừng tưởng cứ chia tay là cưới ngay được ngay khác. Thực ra, cái áo cái quần chật còn có thể cơi nới, còn vợ chồng mà không hợp là chia tay thì không chấp nhận được. Bản thân mình tự điều chỉnh để hạnh phúc gia đình được trọn vẹn. Không nên để ý những điều quá vặt vãnh, chỉ cần chí thú làm ăn, không nghiện hút, cờ bạc, rượu chè, bê tha, sống có trách nhiệm là có thể chấp nhận được.
Về xã hội, vai trò của truyền thông rất quan trọng để giúp mọi người hiểu ly hôn không quá xấu nhưng cũng không phải là điều quá dễ dàng.
Cảm ơn chuyên gia tâm lý học Đinh Đoàn đã chia sẻ!