Chị bảo, chồng hách dịch, hay mắng chửi nhưng chưa bao giờ đánh vợ. Thế nên chị nhẫn nhịn để giữ gia đình.
Cứ tưởng rằng những ông chồng trí thức cao sẽ biết cách “đối nhân xử thế” nhưng ai ngờ có những ông chồng học hàm học vị đầy mình mà vẫn giữ thói gia trưởng, coi thường vợ con.
Hơn chồng mọi thứ vẫn phải răm rắp nghe lời.
Bên cạnh công việc giảng dạy, bà Hoàng Thị Kim Thanh (Chủ nhiệm bộ môn Văn hóa gia đình, Khoa Văn hóa học, ĐH Văn hóa Hà Nội) từng làm tư vấn tâm lý trong một thời gian dài. Bà đã nghe kể về biết bao câu chuyện đau lòng về thói gia trưởng của các ông chồng. Ngay cả những ông chồng trí thức vẫn có tư tưởng coi thường phụ nữ. Có ông chồng là nghiên cứu sinh ở nước ngoài, tiếp xúc với nhiều tư tưởng tiến bộ nhưng về nhà vẫn coi vợ như osin, chỉ muốn vợ phục tùng.
Ngay cả những người phụ nữ thành đạt ngoài xã hội, về nhà vẫn “lép vế” trước chồng. Bà Thanh kể: “Đồng nghiệp của tôi học vị hơn chồng, kiếm tiền giỏi hơn chồng nhưng vẫn phải răm rắp nghe lời, nếu không là “rách việc”. Hàng xóm của tôi muốn đi du lịch cùng nhóm bạn thời phổ thông, chồng không cho phép, đành lỗi hẹn với bạn, chẳng dám trái ý chồng. Bạn thân của tôi, bàn với chồng chuyện gia đình, chồng cho nói thoái mái, nhưng người quyết định cuối cùng bao giờ cũng là anh ta. Em gái tôi vẫn phải “nhìn mặt chồng để lựa” mỗi khi chồng đi làm về”. Bà Thanh cho rằng trong một xã hội, khi người đàn ông được sinh ra cho đến khi trưởng thành, họ được gia đình và xã hội dạy để trở thành “Trụ cột”, trở thành người ra quyết định thì thói gia trường của đàn ông không xa lạ gì, nó ở đâu đó rất gần chúng ta.
Thói gia trưởng không phụ thuộc vào việc có học hay không có học. Chuyện những ông chồng gia trưởng, coi thường vợ trong gia đình trí thức không phải chuyện hiếm. Bởi nó là “căn bệnh” di truyền.
“Ngay từ khi chế độ phụ quyền được xác lập, người đàn ông đã giành vị trí thống trị trị của họ trong xã hội và gia đình. Như vậy thói gia trưởng của đàn ông đã được hình thành từ xa xưa và truyền từ đời này sang đời khác trở thành thói quen, thành nếp sống của những người đàn ông Việt”, bà Thanh phân tích.
Thói gia trưởng không phụ thuộc vào việc có học hay không có học. Chuyện những ông chồng gia trưởng, coi thường vợ trong gia đình trí thức không phải chuyện hiếm.
(ảnh minh họa)
Ra ngoài phóng khoáng, về nhà hành vợ
Lấy được một ông chồng thành đạt, kiếm tiền giỏi, lại có học hàm học vị, ai cũng khen chị Q. Trang (Chùa Láng, Đống Đa) tốt số. Nhưng ở trong chăn mới biết chăn có rận, ít ai ngờ rằng chị phải chịu đựng một ông chồng gia trưởng, coi thường vợ con.
Vừa lấy nhau là chồng bắt chị chuyển việc nhàn hơn để tiện về nhà cơm nước. Hễ không vừa ý chuyện gì là chồng cáu gắt, mắng chửi chị thậm tệ: “Ăn gì mà ngu thế? Mày thích hỗn à? Mày muốn trèo lên đầu tao à?”.
Chị không biết chồng kiếm được bao nhiêu tiền, chỉ biết rằng mỗi tháng anh đưa cho chị một khoản để chi tiêu sinh hoạt. Còn mua sắm đồ đạc trong nhà một mình anh tự quyết.
“Đi làm về là chồng đi tập thể dục, về tắm rửa rồi ngồi đọc báo chờ ăn cơm. Hôm nào mình đi làm về muộn, chồng về chưa có cơm ăn thì lại kêu mình nghỉ việc đi, ở nhà cơm nước. Hôm nào gọi xuống ăn cơm mà chưa dọn ra bàn là kêu mất thời gian chờ”, chị xót xa kể lại.
Ở nhà hách dịch là vậy, nhưng ra ngoài chồng chị lại được khen là phóng khoáng, sống có trước có sau. Hễ anh em, bạn bè có chuyện là xắn tay áo hỏi han, giúp đỡ. Nói chuyện với đồng nghiệp, hàng xóm giọng nhẹ tựa lông hồng. Thế nên ai cũng khen chị có phúc mới lấy được người chồng như thế.
Chị bảo, chồng hách dịch, hay mắng chửi nhưng chưa bao giờ đánh vợ. Thế nên chị nhẫn nhịn để giữ gia đình.
“Giờ hiểu tính chồng rồi nên mình tránh những cái làm anh không hài lòng ra. Những lúc nóng giận thường là mình nhịn. Toàn tự động viên mình là chồng vẫn yêu gia đình, không gái gú gì. Nhưng nhiều khi nghĩ mà đắng lòng”, chị chia sẻ.