Mèo dạy hổ võ, nhưng học được rồi hổ lại có ý định ăn thịt mèo. Lòng tin đúng là thứ đắt giá nhất trên đời này, để có được nó cần rất nhiều thời gian, nhưng để đánh mất nó thì chỉ cần vài giây ngắn ngủi.
Sách giáo khoa Tiếng Việt lớp Một có cổ tích mèo dạy hổ võ nghệ. Mèo xưa kia là thầy của hổ, nhỏ nhưng có võ! Hổ nhận mèo làm thầy, xin học võ. Đến khi tưởng chừng đã tinh thông mọi bài học của thầy, hổ đã có ý định vồ mèo ăn thịt. Nhưng kết cục, hổ vẫn hậm hực vì biết rằng còn bài học trèo cây mà mèo chưa dạy mình, đó là bài học giúp mèo thoát thân.
Câu chuyện có thể kể gọn trong vài dòng kẻ ô li. Các nhà giáo dục có mục đích cả khi lấy câu chuyện này làm bài học đầu tiên cho học sinh lớp Một. Các thầy cô giúp các em rút ra bài học vĩ đại “uống nước nhớ nguồn”, “tôn sư trọng đạo”. Nhưng còn bài học nữa thiết thực hơn trong cuộc đời, mà có lẽ họ e dè không dám nói, gói gọn trong hai chữ “lòng tin”.
Rằng suy cho cùng, mèo vẫn không tin hổ 100% và chính sự nghi ngờ đó đã cứu mèo 1 bàn thua trông thấy. À, hóa ra, ở đời, xin đừng tin ai nhiều đến rút ruột rút gan.
Ảnh minh họa
Ai ra đời rồi, khi đọc lại cổ tích của học sinh lớp Một cũng phải thốt lên: “Ở đời, đừng nên tin ai quá nhiều”.
Các cô nàng trẻ trung ngày nay thường yêu điên cuồng như sóng dữ trong những cuộc tình đầu. Nhưng rồi bị người phụ, phản bội, thất tình, các cô truyền nhau cái câu, “đừng tin yêu ai đó hết lòng, phải chừa đường thoát thân cho mình”.
Các cô rồi cũng như mèo, biết chừa một đường thoát thân cho mình, chẳng cô nào muốn như Mỵ Châu “trái tim lẫm lỡ để trên đầu”. Tôi lấy ví dụ nho nhỏ về tình yêu, cuộc đời còn nhiều ví dụ khác mà các bạn có thể tự đưa ra.
Ảnh minh họa
“Đừng tin ai trọn vẹn 100%” là bài học kinh nghiệm để tránh tổn thương, hụt hẫng, thiệt thòi cho chính mình về sau. Kể từ khi tinh khôn thì loài người đã hơn loài vật mọi thứ. Nhưng tốt hơn hay xấu hơn thì tôi không dám nói. Xã hội loài người đâu đâu cũng thấy lừa gạt, dối gian, trộm cướp,…
Ảnh minh họa
Những nhà giáo dục, trong đó có người thầy, người cô, người cha, người mẹ vì không muốn con em bị sốc khi thấy sự khác biệt giữa trang sách và cuộc đời nên gượng gạo tô vẽ vào đầu óc lũ trẻ những lời lẽ màu hồng. Chúng ta dạy chúng đừng nói dối, phải biết tin tưởng người lớn trong nhà, nhưng chúng ta là những người lớn dối gian siêu đẳng.
Lòng tin là thứ chỉ có ở loài người, nhưng lại xa xỉ vô cùng.
Hẳn có nhiều người là đệ tử chân truyền của Tào Tháo, mang quan niệm sống: “Ta thà phụ thiên hạ chứ không để thiên hạ phụ ta”. Cứ mươi người thì có vài người như vậy, còn biết tin vào đâu?
Người ta ngoài mặt vẫn nói tin nhau nhưng sau lưng cũng như thầy mèo, luôn dành cho mình con đường thoát thân, thậm chí, còn sẵn sàng găm sẵn con dao sau lưng để đề phòng bị phản bội. Đó là điều tốt hay xấu, không ai có thể phân định được rõ ràng, mạch lạc.
Thôi thì, đó chính là cuộc sống hiện thực chứ không phải thế giới màu hồng của các thiên sứ. Và mỗi người, trước mắt hãy tự vạch cho mình một lối thoát, dù chỉ là "trèo lên cây để trốn" như thầy mèo trong chuyện. Bởi chữ "ngờ" luôn là bài học đắt giá trong mỗi cuộc đời.