“Hãy trân trọng từng phút giây”: Câu chuyện khó quên về cụ ông ung thư của bác sĩ trẻ

Ngày 13/10/2019 00:08 AM (GMT+7)

“Người ta chỉ hối hận vì những điều mình chưa làm chứ hiếm ai tiếc nuối vì những điều đã trải qua. Do đó, hãy trân trọng từng phút giây, từng cơ hội được sống để yêu thương”, bác sĩ trẻ tâm niệm.

Là người cận kề và chứng kiến nhiều số phận ở những cột mốc quyết định của cuộc đời, câu chuyện về những bệnh nhân luôn để lại cho bác sĩ trẻ Nguyễn Tiến Châu (cựu sinh viên trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch) nhiều suy ngẫm. Mới đây, bác sĩ này vừa chia sẻ câu chuyện trong đợt thực tập tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM của mình trên Cộng đồng Ruy băng tím (Cộng đồng chung tay phòng chống ung thư, nơi có nhiều bệnh nhân đang điều trị căn bệnh này - PV). Bài viết đã nhận được nhiều đồng cảm.

Cụ thể, đây là cuộc trò chuyện của bác sĩ Châu với một cụ ông 92 tuổi, đang được điều trị ung thư tại Bệnh viện Ung bướu. Sống gần hết cuộc đời, trải qua nhiều biến cố của số phận, đến cuối cùng, cứ tưởng rằng người đàn ông dày dặn sương gió ấy chẳng còn sợ điều gì nữa, nhưng hóa ra, ông sợ cô đơn.

“Không chỉ riêng người già hay người bệnh, mà bất kì ai trong cuộc đời cũng cần sự yêu thương. Đặc biệt đối với những bệnh nhân ung thư, khi ám ảnh của cái chết vẫn luôn thường trực bên trong họ thì tình yêu thương và sự quan tâm của gia đình được xem là một trong những liệu pháp hiệu quả điều trị bệnh bên cạnh dùng thuốc”, bác sĩ Châu tâm sự.

“Hãy trân trọng từng phút giây”: Câu chuyện khó quên về cụ ông ung thư của bác sĩ trẻ - 1

Đối với những bệnh nhân ung thư, niềm vui và sự quan tâm là một trong những liệu pháp cần thiết bên cạnh việc dùng thuốc để điều trị bệnh. Ảnh minh họa

Dưới đây là nguyên văn câu chuyện được bác sĩ Nguyễn Tiến Châu chia sẻ:

" - Cụ ơi ra đánh cờ với các cụ khác cho vui!

- Thôi tau chẳng chơi với đám trẻ ranh đó đâu!

Tôi ngẩn tò te rồi quay đi tủm tỉm cười không dám bật thành tiếng vì sợ thất lễ. À nhỉ đúng rồi. Cụ năm nay đã 92 tuổi. Ở độ tuổi Thượng Thượng Thọ đang tiến tới Đại Thọ thì các cụ chỉ vừa ngoài 60 mới Đáo Tuế (hết một vòng lục thập hoa giáp 60 năm) đúng là còn quá "trẻ". Thuở cụ ngoài 30 vợ con đề huề thì các sư đệ ngoài kia mới chào đời. Haha "trẻ ranh" so với cụ thật chẳng trật đi đâu.

Trên người cụ chằng chịt những vết sẹo do bom đạn, những hình xăm bằng mực Tàu lom lem đánh dấu còn sống sót ngày về. Tay trái cụ vẫn đủ ngón nhưng chẳng đủ đốt. Ngón áp út 2 đốt ấy vẫn còn chiếc nhẫn đã xỉn màu với người vợ giáo viên quá cố mà cụ đã phải giả mù chữ để được tiếp cận cưa cẩm.

Thỉnh thoảng cụ vẫn bị hành những lúc trái gió trở trời nên con cháu đưa cụ vào Nam chăm sóc cũng như để tránh cái thời tiết khắc nghiệt của miền Bắc. Có lẽ cụ đã quen với căn nhà, luống rau, con gà, con Nu (Lu) - nơi gắn bó với hình ảnh người đầu ấp tay gối cùng những đứa con thời thơ dại. Nơi mà có những kỉ niệm và hoài niệm hồi xanh tóc đỏ da. Cụ hay kể... Vì nhớ!

Tôi biết cụ không ra chơi cờ vì cũng đang gần 5 giờ chiều, cụ đang ngóng gia đình thằng cả cùng đứa cháu đích tôn ghé chơi với cụ. Người đàn ông đã sống gần 100 mùa xuân ở cõi hồng trần này, trải qua những lần thập tử nhất sinh ấy, tưởng chừng chẳng còn gì làm "chàng trai" này có thể nao núng, dù có bệnh tật hay đau đớn tôi vẫn thấy "anh ấy" rất thong thả tuân thủ điều trị.

“Hãy trân trọng từng phút giây”: Câu chuyện khó quên về cụ ông ung thư của bác sĩ trẻ - 2

Hãy luôn yêu thương và trân trọng từng phút giây! 

Tôi thấy được sự điềm tĩnh trong ánh mắt vẫn còn đầy sự nhanh nhẹn dưới hàng chân mày rậm rạp muối nhiều tiêu ít đã rụng hết chỉ sau vài đợt trị liệu, dẫu có là tin vui tới mức nào - vẫn là sự bình thản đó.

Ấy thế mà người đàn ông thâm của thâm niên này có thể làm mặt dỗi khi chắt trai mê đồ chơi hơn mà quên hôn cụ trước khi về. Cũng là người đàn ông ấy kể về thuở yêu nhau với người vợ quá cố của mình bằng chất giọng "gia trưởng" đầy tương tư mỗi khi rủ tôi ra cà phê sau bệnh viện "bắn bi thuốc lào với tôi không bác".

Ngay cái lúc mà tôi không còn thấy sự điềm tĩnh ngự trị do bản lĩnh của một người từng trải kiểm soát. Toàn bộ cơ mặt và các cơ vùng cơ thể như giãn ra. Làn da nhợt nhạt dưới ánh nắng khi nãy như đang rạng rỡ lên cùng nụ cười hạnh phúc khi tôi trêu cụ về sự hờn dỗi với đứa chắt khi nãy. Hay như lúc còn lén "hẹn bả ở cầu ao hôm có gánh hát về làng".

Ngay cái lúc ấy tôi đã nhận ra, tình yêu gia đình mới là chính sức mạnh tôi đã thấy ở cụ hay ở những "chiến binh" khác. Sự đồng hành của những điều xuất phát từ trái tim đó, có lẽ vẫn là điều mà những nhà khoa học sẽ đồng lòng công nhận chứ khó lòng nghiên cứu chứng minh được sự kì diệu này. Cho tới cuối cùng những điều tốt đẹp nhất sẽ lại tìm tới chúng ta như cái cách mà sự sống đã xuất hiện.

Hãy luôn yêu thương và trân trọng từng phút giây".

Có bé ra đi ngay lúc tay vẫn còn cắm kim, nhìn cảnh đó, vợ tôi cứ khóc nấc lên
Xuất thân từ nhiều tầng lớp, mỗi mảnh đời là mỗi số phận khác nhau, nhưng điểm chung ở những con người ấy là nỗi ám ảnh thường trực về cái chết, là...
YẾN NHI
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Những câu chuyện cảm động