Lý giải sự thật về phong tục cướp lộc chúng sinh trong ngày cúng lễ Vu Lan

Ngày 04/09/2017 13:15 PM (GMT+7)

Với quan niệm “có lộc” sẽ may mắn, nên nhiều khóa lễ cúng Vu lan, cúng chúng sinh ở chùa thường có nhiều người tranh nhau cướp lộc. Sự thực thì cướp lộc sẽ may mắn hay ngược lại?

Lý giải sự thật về phong tục cướp lộc chúng sinh trong ngày cúng lễ Vu Lan - 1

(Ảnh minh họa)

Sư thầy chưa tuyên hoàn mãn lễ, người dân đã tranh nhau cướp lộc

Tháng xá tội vong nhân, nhiều chùa thường lập các đàn lễ cúng Vu lan báo hiếu cha mẹ, cúng chúng sinh cho những vong hồn còn lang bạt nơi trần gian, chưa được bắc cầu siêu độ. Mâm cúng gồm vàng mã, hoa quả, bỏng ngô, khoai, ngô luộc, sắn luộc, kẹo bánh, gạo muối, nước mía… và cháo loãng.

Với quan niệm “có lộc” sẽ may mắn, nên gần đây tình trạng người dân chen nhau giẫm đạp, ẩu đả để giành giật hoa quả, bánh trái... sau khóa lễ ở chùa diễn ra nhiều. Thậm chí cướp lộc xảy ra cả chùa lớn, khi nhạc chưa dứt, sư thầy chủ đàn chưa tuyên hoàn mãn lễ thì nhiều Phật tử đã bỏ chỗ đi nhặt lễ vật cho vào túi riêng.

Rồi thanh niên, trung niên, người già, trẻ nhỏ đua nhau chen lấn, mạnh ai nấy nhặt, vơ cả thùng xốp đồ lễ để gom lộc khiến hoa quả giành được tróc vỏ, bẹp vì tranh giành. 

“Một miếng lộc Thánh bằng gánh lộc trần"?

Lý giải sự thật về phong tục cướp lộc chúng sinh trong ngày cúng lễ Vu Lan - 2

Một miếng lộc Thánh bằng gánh lộc trần. (Ảnh minh họa)

Có nhiều tài liệu Hán Nôm ghi lại từ thời Lê, Trịnh, Nguyễn đã có đàn Lục Thủy cúng thí thực, nhằm bảo dương hộ âm cho tướng sĩ bại vong, nhưng chưa thấy tài liệu nói sau các buổi lễ cúng thí thực có tục xin lộc, cướp lộc.

Tục này có thể do các quan niệm dân gian lưu truyền, coi đó là sự may mắn. Nhưng việc cướp lộc xưa không hỗn loạn, tranh cướp như bây giờ, nhất là ở chốn chùa chiền.

Nhiều nhà văn hóa, tâm linh cho rằng, lộc có được là do nhân duyên nghiệp báo, không phải đi giành giật mà có. Ai đi lễ cũng muốn có lộc, nhất là lộc Phật trong ngày lễ lớn. Những người đi lễ cần được hướng dẫn cách thức lễ, xin lộc có văn hóa. Ngay cả khi việc xin lộc, cướp lộc đã là tập quán lâu đời thì cách thức xin lộc cũng cần thực hiện có văn hóa và an toàn.

Ông Vũ Thế Khanh, Tổng Giám đốc Liên hiệp Khoa học công nghệ tin học ứng dụng UIA cho rằng, tập khí của người dân và các chúng sinh là tham sân si, vì vậy họ mới đến chùa để nghe sự chỉ dạy tận tình của các bậc tu hành Chánh pháp. Nếu đến chùa mà họ không được nghe giảng Chánh pháp, mà chỉ nghe tuyên truyền “một miếng lộc Thánh bằng gánh lộc trần” thì tham sân si trỗi dậy, dẫn đến hành vi cướp lộc. 

Lý giải sự thật về phong tục cướp lộc chúng sinh trong ngày cúng lễ Vu Lan - 3

Lễ cúng chúng sinh của mỗi nhà hàng năm. (Ảnh minh họa)

Việc suy nghĩ các thứ cúng kiếng là lộc Phật, lộc Thánh, lộc Trời cũng nảy sinh cướp lộc. Ban lộc bằng cách nghi thức tung lên cho mọi người – cũng khơi dậy sự tranh cướp, lòng tham sân si. 

Theo Thượng tọa Thích Thọ Lạc, Trưởng ban Văn hóa Giáo hội Phật giáo Việt Nam, việc tranh cướp lộc cho thấy các Phật tử chưa ý thức được ý nghĩa của đàn lễ. Các sư thầy cần hướng dẫn phổ thí cho chúng sinh trong lễ đó.

Ai cướp lộc, ngạ quỷ sẽ theo về?

Theo Phật tử Phú Đạt (đạo tràng chùa Thiên Niên), các đạo tràng nơi chùa chiền được các sư thầy hướng dẫn rõ là lộc Phật là ở trong tâm, tâm tốt ắt có lộc, một tí cũng là lộc nên họ đón nhận lộc rất tuần tự, không có sự tranh giành nhau. Hàng trăm, thậm chí hàng ngàn người họ cũng ngồi chờ, hoặc xếp hàng để đến lượt sư thầy ban lộc.

Lý giải sự thật về phong tục cướp lộc chúng sinh trong ngày cúng lễ Vu Lan - 4

Cướp lộc sẽ khiến ngạ quỷ theo về. (Ảnh minh họa)

Tại các đàn lễ lớn, cuối buổi lễ tất cả Phật tử được Ban tổ chức hướng dẫn ngồi tại chỗ, có người đem mâm lộc tới phát cho từng người. Mỗi người nhận một cái bánh, hay kẹo, hộp sữa... ăn thường để lại một tí rồi bỏ tập trung vào mâm, đem ra ngoài cho chim chóc, kiến bọ… là các chúng sinh cùng hưởng.

Cũng theo ông Vũ Thế Khanh, lộc Phật có cả thực vị và pháp vị. Thực vị là các đồ thực phẩm mang đến. Pháp vị là các lời cầu nguyện, trì chú của các thầy. Lộc Phật là lộc “giác ngộ”, là trí tuệ được tăng trưởng, là đạo lực được viên thông. Lộc là do bản thân tu dưỡng đạo đức, tâm địa lương thiện, sống tốt những người xung quanh. Người có tâm tốt, hành động đẹp ắt gặp nhiều may mắn.

Những thứ cúng kiếng xuất phát không phải là "lộc Phật", mà là "lộc chúng sinh", là lộc phàm do chúng sinh dâng cúng. Đi lễ chùa mà chỉ hướng về lộc phàm – thì sẽ không tốt vì những thứ do cướp giật mà có không thể là lộc Phật, lộc Thánh, mà chỉ là lộc của quỷ đói, nên ai cướp giật thì ngạ quỷ sẽ theo về.

Trước kia đêm Giao thừa là mọi người đến chùa "hái lộc" làm trơ trọi cả các cây trong chùa, chẳng ai ngăn họ được.

Nhưng khi các nhà tâm linh, báo chí, truyền thông nói cho dân biết rằng: "Đêm Giao thừa, các cô hồn, ngạ quỷ thường về chùa, bám vào các cành cây. Nếu hái cành lộc về thì ngạ quỷ về theo, ấy là chưa kể việc vặt trụi các lộc non của cây là làm cụt lộc…” - thì chẳng ai dám "hái lộc" mang về nữa.

Ông Vũ Thế Khanh

(Tổng Giám đốc Liên hiệp Khoa học công nghệ tin học ứng dụng UIA)

Theo Uyển Hương – Phương Thuận
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Những phong tục xưa