Cái tin chị và anh chuẩn bị ly hôn đến giống như sét đánh ngang tai. Mẹ chị - người đàn bà cả đời cực khổ, cam chịu bảo có chuyện gì vợ chồng không giải quyết được phải dắt díu nhau ra tòa cho mang tiếng với làng xóm, họ hàng, rồi con cái mỗi đứa mỗi nơi.
Chị nhìn mẹ vừa thương, vừa giận, vừa hờn trách.
Cả đời mẹ là chuỗi ngày dài sống lầm lũi, lén gạt nước mắt, mòn mỏi đợi chồng về dọc những chuyến đi dài biền biệt. Nhà có đàn ông mà ngỡ như không vì cha hay để vương vấn dọc đường đôi mối tình, sâu nặng có, chơi bời thoáng qua có. Mẹ giấu nỗi đau đàn bà, vờ không biết, giữ cho chị em chị một gia đình. Nhưng sau này, lớn lên chị hiểu, gia đình chị chẳng bao giờ trọn vẹn, đã nham nhở vết rạn, chị ôm những đổ vỡ, tổn thương trong lòng mà lớn lên.
Chị cũng đã từng nghĩ sẽ sống như mẹ, sẽ cam chịu đến hết đời, tự tô vẽ hạnh phúc, ảo tưởng huyễn hoặc bản thân. Người đàn bà qua thời xuân sắc, nách 2 con thơ, mấy ai dễ dàng buông bỏ người đàn ông đầu gối tay ấp từng đồng cam cộng khổ với mình. Chị cũng nghĩ, đời người ngắn ngủi lắm, chớp mắt mấy cái là đến dốc cuộc đời, đau khổ cũng qua, vì con chị hy sinh, nhẫn nhịn được hết…
Chị cố gắng phơi bày cho thiên hạ thấy gia đình chị hạnh phúc, với vợ hiền, dâu thảo, đảm đang, hai đứa con đủ nếp đủ tẻ ngoan ngoãn, học giỏi, chồng thành danh. Nhưng khi tình cảm vợ chồng không còn, chút tình nghĩa bao năm anh cũng đang tâm vứt bỏ như bát nước hắt đổ đi. Sống khổ, sống sở trói buộc nhau bằng tờ giấy kết hôn, bằng trách nhiệm nặng trên vai, bằng cái danh với thiên hạ làm chị mệt mỏi, đuối sức, không sao cam tâm cho được…
Lần đầu tiên chị can đảm nghĩ đến chuyện dứt khoát ly hôn, nghĩ đến xé toang cái lớp vỏ hạnh phúc giả tạo chị phải giữ gìn vá víu bao năm qua
Tính chị dịu dàng, nhẫn nhịn, có lẽ ảnh hưởng một phần từ sự cam chịu của mẹ, ai cũng bảo lấy được chị là phước của anh. Chị từ bỏ sự nghiệp ở nhà chăm sóc con nhỏ, chăm sóc bố mẹ chồng già cả nay ốm mai đau, vun vén nhà cửa, nghĩ sự hy sinh của chị sẽ nhận được sự thấu hiểu nơi anh. Chị chấp nhận lùi lại phía sau cho anh tiến bước, thỏa chí tang bồng xây nghiệp lớn, như đại bàng tung cánh trời cao. Người ta chẳng nói sau người đàn ông thành công có bóng dáng hy sinh của người đàn bà hay sao. Lâu dần chị quên mình cũng từng có khát khao tuổi trẻ…
Nhưng khi anh có công danh, có tiền bạc, có sự nghiệp vững chãi trong tay, một bước lên xuống xe có người đưa kẻ rước, người đón, kẻ chào thì anh phụ nghĩa tào khang. Anh vội mang theo mùi nước hoa đàn bà về vương vãi căn phòng ngủ hai vợ chồng, hay những khi vài ba sợi tóc mỏng manh vô tình lả lơi bám lại trên vai, trên cổ áo anh làm chị chết lặng…
Nước mắt chảy ngược vào trong, bi kịch gia đình chị bắt đầu. Sau những dằn vặt, đau khổ, chị ngậm ngùi tha thứ cho anh, bởi nghĩ đàn ông thường tham lam, đi mỏi gối chùn chân, làm xót đau lòng vợ, cuối cùng vẫn phải quay về với gia đình. Như bố chị cả đời tuổi trẻ đi miết, già phải về bên mẹ đấy thôi. Anh cũng tỏ vẻ hối lỗi, buông lời thề thốt hứa hẹn chấm dứt với nhân tình…
Đàn bà vốn dĩ hay cả tin, nên chị nào dám dự liệu rằng sau những lời thề thốt ấy là dối trá. Anh chấm dứt với cuộc tình thứ nhất để dọn đường cho cuộc tình thứ hai, thứ ba… Cảm giác đau dần trở nên chai sạn khi chị cảm thấy tình yêu, sự tôn trọng dành cho chồng đã hết. Vợ chồng còn sống chung chẳng qua còn là vì trách nhiệm với bố mẹ hai bên, với con cái, với miệng lưỡi người đời…
Chị gồng mình lên chịu đựng giữ lấy cái vỏ bọc hạnh phúc, chị sợ ánh mắt soi mói, cùng lời đàm tiếu cay nghiệt của thiên hạ rằng cả đời sống hy sinh vì chồng mà bị phụ bạc, ruồng rẫy, sợ mẹ chị đau lòng, sợ con chị thiếu cha… Nhiều nỗi sợ chị chẳng thể bước qua, đành ngậm ngùi cay đắng mà sống. Mẹ chị xưa cũng giấu những tiếng thở dài não nề sau bậu cửa, sau xó bếp… rồi mẹ bảo sinh ra làm kiếp đàn bà là chấp nhận khổ rồi…
Nhưng sao chị thấy cuộc sống ngày càng mệt mỏi, nặng nề. Chị ngẫm nghĩ về đời mẹ, liệu có ngày nào là hạnh phúc không? Chị cố vá víu, níu giữ thứ hạnh phúc giả tạo này để hào nhoáng với người đời, nhưng lòng chị thì xót đau. Đàn bà khi không hạnh phúc thì phấn son trang sức cũng chỉ đủ mặc sức phủ bên ngoài, nào có thể che dấu được nỗi đau tâm can. Chị có quyền được sống, được mưu cầu hạnh phúc cho riêng mình, hà cớ gì cứ để anh chà đạp lên lòng tự trọng của chị…
Đời người thật ra dài, rộng lắm, chẳng ngắn ngủi như cái chớp mắt chị từng nghĩ. Nó dài dằng dặc qua từng đêm thâu vò võ ôm gối chiếc, nước mắt lưng tròng, con thạch sùng trên trần nhà tặc lưỡi xót thương. Như số phận người đàn bà chị đọc báo tối qua, bị người chồng nghiện rượu, cờ bạc thường xuyên đánh đập nhưng không biết bảo vệ mình, không dám dứt khoát ly hôn. Chị ngẫm cho cùng thân mình, thịt da mình mà không xót, không thương thì hỏi có ai xót xa thay nữa không? Chị chợt bừng tỉnh, đàn bà khổ không phải vì là đàn bà, mà bởi suy nghĩ chấp nhận cam chịu, biết khổ mà không dám bước ra…
Có thể khi chị ly hôn, bi kịch hôn nhân của bố mẹ để lại trong lòng con những vết thương. Nhưng nếu tiếp tục sống như vậy, con chị lớn lên sẽ dần hiểu chuyện, làm sao che giấu mãi, làm sao xây mái ấm gia đình bằng một tay chị. Khi đó biết đâu chúng cũng hờn trách chị, như chị từng hờn trách mẹ. Che giấu sống dối trá cũng sẽ để lại trong lòng con những vết thương không kém phần sâu sắc như vết thương chúng đang mang…Còn người đời ư, họ có sống thay được cuộc sống của chị không?
Lần đầu tiên chị can đảm nghĩ đến chuyện dứt khoát ly hôn, nghĩ đến xé toang cái lớp vỏ hạnh phúc giả tạo chị phải giữ gìn vá víu bao năm qua bằng nước mắt, tổn thương, đau buồn để bước ra. Lòng chị chợt thấy chút bình yên qua bao ngày sóng gió…