Mối quan hệ dù thân thiết đến đâu cũng phải chú ý đến chừng mực. Duy trì một khoảng cách thích hợp luôn là cách bảo vệ mối quan hệ tốt đẹp.
-
Tốc độ phátChuẩn
-
Giọng đọc
Sự khởi đầu của một mối quan hệ luôn đơn giản. Đó có thể là một chương trình truyền hình mà chúng ta cùng nhau thích, một ngôi sao chúng ta cùng hâm mộ, hoặc nơi chúng ta luôn ước được đến một ngày không xa... Những điều tưởng chừng rất bình thường đó có thể nhanh chóng kéo những con người xa lạ đến gần nhau hơn.
Tuy nhiên, không ít người khi thân thiết hơn lại không biết đến hai chữ chừng mực. Họ thản nhiên coi mối quan hệ thân thiết là phải như vậy, có thể làm bất cứ điều gì mình muốn mà không màng đến cảm xúc của đối phương. Đúng là hai bên đã quen nhau, không cần khách sáo quá. Nhưng điều đó cũng không có nghĩa là thản nhiên vượt quá giới hạn, không có chừng mực.
1. Đừng thô lỗ với bạn bè
Hòa đồng với bạn bè là điều tốt, thân thiện là điều nên làm nhưng điều quan trọng cần chú ý là không vượt quá giới hạn.
Hoa và Linh là hai người bạn cùng phòng. Linh là người thân thiện, dễ gần nhưng cũng gây ra không ít tình huống khó xử vì sự vô tư đó.
Những ngày mới dọn đến ở ghép cùng nhau, Hoa không khỏi bất ngờ khi Linh vô tư đến mức có thể thoải mái gắp thức ăn trong suất của mình. Cô cho thẳng đũa trực tiếp vào phần cơm của Hoa, khuấy tìm cho đến khi thấy miếng ưng ý, mặc cho thái độ của Hoa có không thoải mái.
Nhiều lần Hoa mua đồ ăn về, Linh chẳng ngại cầm lên ăn không cần mời mọc. Thậm chí cô còn mang đồ của Hoa đi mời người khác, tự ý phân phát như đồ của mình.
Một hôm, Hoa về giường nằm thì phát hiện có thứ gì đó không ổn. Ngồi dậy bật đèn để kiểm tra kỹ hơn, cô phát hiện hóa ra bạn cùng phòng đã cắt móng tay trên chiếc giường của tôi và không hề dọn dẹp phần móng rơi trên ga trải giường.
Như giọt nước tràn ly, Hoa tìm đến Linh để nói chuyện. Hoa hy vọng Linh tôn trọng quyền riêng tư của mình, để hai người có thể tiếp tục mối quan hệ tốt đẹp. Tuy nhiên Linh lại không hiểu ra vấn đề, thậm chí còn bù lu bù loa lên rồi nói một câu trước khi quay mặt đi: "Tôi không cần người bạn xét nét như cậu".
Có lẽ trong mắt Linh, bạn tốt nên thân như vậy. Nhưng ngay cả giữa những người bạn thân nhất vẫn cần có chừng mực nhất định. Mỗi người đều có không gian riêng tư của mình và một mối quan hệ tốt đẹp không có nghĩa là bạn có thể hết lần này đến lần khác thử thách sức chịu đựng của đối phương, bỏ qua cảm xúc của họ.
Bạn bè dù tốt đến đâu cũng phải nhớ tôn trọng nhau và có ý thức về ranh giới. Nếu không, hành vi của bạn có thể trở thành điều xâm phạm đời tư của người khác, khiến họ khó chịu.
2. Đừng coi tình thương là lẽ dĩ nhiên
Cô gái nọ sau buổi đến nhà gặp gỡ bố mẹ bạn trai về nhất quyết đòi chia tay. Hai người họ khá đẹp đôi, bên nhau cũng đã lâu nên ai nấy đều bất ngờ trước quyết định này. Bạn bè không ngừng can ngăn nhưng đến khi biết được câu chuyện tại nhà bạn trai cô hôm đấy, mọi người cũng hiểu được phần nào.
Chuyện là hôm đó đến nhà, bố mẹ bạn trai cô nhất định không để cô vào bếp, nói rằng muốn tự tay vào bếp chuẩn bị vài món đặc trưng của địa phương. Thấy cô ái ngại, bạn trai liền nói: "Người nhà cả, có gì đâu mà ngại".
Một lúc sau, tiếng vỡ choang phát ra từ phòng bếp. Cô nhanh chân chạy vào thì biết là một chiếc cốc bị vỡ. Điều bất ngờ là khi cô và mẹ bạn trai đang dọn chỗ cốc vỡ, bạn trai cô đã đứng từ xa mà nói rằng:
"Bố mẹ làm vậy có quá không? Bố mẹ không muốn làm cũng đừng đập cốc như thế".
Lúc sau chỉ có 2 người, cô nói lại với bạn trai chuyện lúc đó thì anh chỉ đáp gọn lỏn: "Người thân cả, có gì nói nấy thôi, sao phải ngại".
Để hiểu về một người, hãy nhìn cách họ đối xử với người thân. Người không đối xử tốt với cha mẹ thì đừng nói đến chuyện yêu thương vợ con sau này. Trước mặt những người thân yêu, có thể bạn không cần phải quá lịch sự giữ kẽ như với người ngoài nhưng đừng bao giờ coi tình thương họ dành cho bạn là lẽ dĩ nhiên rồi không coi trọng. Cha mẹ có thể không trách bạn nhưng những lời nói đó đã khiến trái tim họ tổn thương. Không phải họ không cảm thấy đau mà là họ chịu đựng nỗi đau và chôn chặt trong tim mình.
3. Đừng bỏ mặc nửa kia của bạn
Chồng của Dung làm việc trong ngành dịch vụ nên mỗi ngày đều phải đối mặt với áp lực đến từ khách hàng. Vì công việc, anh phải luôn giữ khuôn mặt vui vẻ, tươi cười rồi trở về nhà với sự bực tức, cáu kỉnh.
Thời gian đầu, Dung rất hiểu khó khăn của chồng và bao dung anh. Thế giới ngoài kia thật khó khăn biết bao, có thể thấu hiểu và bao dung một chút cũng là san sẻ gánh nặng với chồng. Tuy nhiên, điều cô không nhờ đến là chồng cô không những không hiểu mà còn ngày càng quá quắt hơn. Anh thậm chí không ngại trút sự tức giận lên cơ thể vợ.
Một ngày, Dung thực sự không thể chịu đựng được những lời mắng mỏ, trận đòn roi vô cớ của chồng nữa liền kháng cự:
"Vì sao anh luôn trút những bực dọc trong công việc lên em? Anh chào đón người ngoài bằng những nụ cười vui vẻ nhưng lại không thể dành điều đó cho em?"
Chúng ta dễ có suy nghĩ rằng, vì đó là công việc nên mình cần phải giữ thái độ đúng mực nhất. Đó là người ngoài, sao ta có thể mất bình tĩnh với họ. Còn bạn đời là của riêng mình, ta có thể thoải mái thể hiện cảm xúc, trút giận mà không phải lo liệu họ có mất lòng.
Mối quan hệ nào cũng vậy, dù là người thân trong gia đình cũng cần có những điểm mấu chốt nhất định. Bạn có thể không cần giữ kẽ với bạn đời như với người ngoài nhưng điều đó không có nghĩa là bạn có thể phớt lờ cảm xúc của đối phương, coi nửa kia như một cái thùng rác để trút cảm xúc tiêu cực của bạn. Một người yêu bạn đến đâu, thấu hiểu và bao dung đến đâu cũng không thể chấp nhận một người luôn sẵn sàng vượt qua ranh giới.
Mối quan hệ dù thân thiết đến đâu cũng phải chú ý đến chừng mực. Duy trì một khoảng cách thích hợp luôn là cách bảo vệ mối quan hệ tốt đẹp. Không quá xa cũng không quá gần, đủ để thân thiết nhưng vẫn cho nhau khoảng không riêng.