Người chồng bất hạnh vì cuồng ghen

Ngày 31/01/2013 13:26 PM (GMT+7)

Chị và con trai đã không trở về gia đình nhà chồng từ ngày ấy.

Nhiều hôm sang nhà chơi, nhìn anh Dũng đứng thất thần ngoài sân, dáng người tiều tụy, già hơn nhiều so với cái tuổi 35 của anh, tôi thấy xót xa.

35 tuổi, Dũng đã có... ba đời vợ và ba đứa con trai. Cũng 35 tuổi, Dũng phát hiện mình bị bệnh hiểm nghèo. Những tế bào ung thư đang lan dần trong cơ thể. Dũng không còn sống được bao lâu. Những bên cạnh Dũng lúc này lại không có bàn tay chăm sóc của vợ con. Họ đã lần lượt bỏ Dũng khi từng đứa con bập bẹ biết nói chỉ vì tính gia trưởng của Dũng. Nói là vợ nhưng cũng chỉ có vợ cả là có giấy đăng kí kết hôn.

Dũng không tin vào bói toán nhưng những gì xảy đến với mình lại khiến anh nhớ lại lời một bà bói từng nói với anh: "Anh phải có tới 3 đứa con trai nhưng ngày anh về với tiên tổ cũng không có đứa con nào đứng bên cạnh chịu tang".

Ai cũng nói, với bất kì người vợ nào Dũng đều yêu, 1 tình yêu "điên cuồng" và biến anh thành người hay ghen. Anh không cho vợ đi làm, chỉ ở nhà dọn dẹp nhà cửa và chăm sóc con cái dù công việc của anh mỗi tháng chỉ thu nhập được hơn 2 triệu. Ban đầu, người vợ nào cũng cho đó là niềm hạnh phúc vì được chồng chiều. Lâu ngày họ trở nên bí bách bởi cách anh quan tâm quá mức. Đi đâu, làm gì các chị cũng phải báo cáo. Mà người vợ nào cũng như người vợ nào, anh đều áp dụng đúng "công thức" như thế. Rồi vấn đề "cơm áo gạo tiền" khiến cuộc sống gia đình lúc nào cũng tù túng, ngột ngạt.

Người chồng bất hạnh vì cuồng ghen - 1
Ai cũng nói, với bất kì người vợ nào Dũng đều yêu, 1 tình yêu "điên cuồng" và biến anh thành người hay ghen. (ảnh minh họa)

Chập tối nào tôi cũng đi làm về ngang qua nhà anh. Không tiếng người vợ lầm bầm mắng chồng lại tiếng chị quát con rồi tiếng hai vợ chồng tranh cãi nhau chỉ những câu chuyện rất đơn giản: bữa cơm không có nước chan vì vợ không có tiền đi chợ, chồng đi khám bệnh không báo cho vợ biết... Cứ như thế, cuộc sống vợ chồng lúc nào cũng là những "trận chiến" không thầm lặng.

Với người vợ thứ 3, có lẽ đó là quãng thời gian tôi được chứng kiến nhiều hơn cả những trận "cuồng phong" xẩy đến trong gia đình anh. Nhiều khi nhìn đứa con mới 9 tháng tuổi, cứ ngơ ngác, hết nhìn bố, lại quay sang nhìn mẹ, tôi thấy đắng lòng cho một trái tim non. Hai bố mẹ đang cãi nhau nhưng tâm hồn non nớt của bé chưa ý thức được gì.

Buổi sáng ấy, khi tôi đang soạn giáo án cho giờ lên lớp chiều nay, chị qua nhà, nước mắt ngấn hai bên khóe mắt. Đôi mắt sững mọng, chị khóc. Chị kể cho tôi nghe những ấm ức trong suốt năm tháng qua khi chị phải sống cảnh như "nô lệ" bởi sự gia trưởng của anh. Anh không cờ bạc, rượu chè nhưng cứ hễ có người bạn nào dù là trai hay gái nhắn tin tới cho chị, anh đều kiểm soát và anh ghen. Rồi anh dùng cớ đó để nhiếc móc, hành hạ tinh thần chị. "Vợ cái, con cọc vẫn hơn", đó là câu mà mỗi lần vợ chồng cãi nhau anh đều mang ra nói với chị.

"Chị ở lại cũng vì cái tình cái nghĩa với mẹ chồng. Mẹ là người tốt và mẹ không đáng để phải sống cảnh về già không có đứa cháu nào bên cạnh. Nhưng để chịu đựng anh, có lẽ chị không làm được...", chị nói nhưng những dòng nước mắt vẫn không ngừng rơi. Tôi chỉ biết ngồi bên cạnh chị và khuyên bảo chị bằng câu chuyện gia đình của biết bao người phụ nữ khác cũng bị chồng hành hạ cả về thể xác và tinh thần, nhưng họ vẫn nhẫn nhịn để bảo vệ hạnh phúc của tổ ấm nhỏ và làm chỗ dựa tinh thần cho con cái, chỉ những mong chị đừng bước vào vết xe mà hai người vợ trước của anh đã bước đi.

Nhưng... Khi tôi đang soạn giáo án cho buổi lên lớp ngày hôm sau, mẹ chồng chị sang ngồi trước hiên nhà, chiếc nón ngả dưới nền gạch, bà thở dài: "Nó lại bế con đi rồi. Tôi đi làm, khi về mới hay tin. Chẳng biết số kiếp mình ăn ở ra sao... Chồng mất, con dâu, cháu cũng không có". Tôi thở dài và đưa ánh nhìn về phía ngôi nhà ngói 4 gian mà chị vừa cùng đứa con mới 9 tháng tuổi rời đi.

Chị và con trai đã không trở về gia đình nhà chồng từ ngày ấy. Nhiều hôm sang nhà chơi, nhìn anh Dũng đứng thất thần ngoài sân, dáng người tiều tụy, già hơn nhiều so với cái tuổi 35 của anh, tôi thấy xót xa nhưng cũng không nhắc lại chuyện cũ. Câu chuyện tôi nói với anh cũng chỉ là những lời bông đùa hay những câu chuyện đời, chuyện xã hội để anh vơi đi nỗi nhớ vợ, nhớ con.

Anh ốm, không vợ con bên cạnh, chỉ có người mẹ đã ở cái tuổi ngoài 60, ngày đi làm ruộng, tối về lại sắc cho anh thang thuốc. Cũng có lúc, anh cáu gắt mắng chửi cả mẹ. Bà vẫn im lặng vì bà là người hiểu tính con mình hơn ai hết, có cố mắng lại con chỉ như "đổ thêm dầu vào lửa". Nhiều khi tôi thấy bà khóc thầm... những giọt nước mắt của người mẹ đơn côi.

Theo Đời Sống Gia Đình
Nguồn:

Tin bài cùng chủ đề Hôn nhân gia đình