Người khôn nói lắm dẫu hay cũng nhàm: 4 lời cần tránh để không “mất điểm” khi giao tiếp

Bảo Anh. - Ngày 21/10/2021 12:09 PM (GMT+7)

Con người ta chỉ mất 2 năm để học nói nhưng mất cả đời để học cách im lặng. Người khôn ngoan, muốn cuộc sống hanh thông thuận lợi hơn sẽ biết tránh 4 lời này.

“Rượu nhạt uống lắm cũng say

Người khôn nói lắm dẫu hay cũng nhàm”

Rượu có nhạt thế nào vẫn có cồn, có men khiến người ta say. Chớ tưởng rượu nhạt mà mất cảnh giác, đến khi say không biết trời đất là gì thì đã muộn. Người khôn ngoan đến đâu khi quá nhiều lời cũng sẽ có lúc không kiểm soát được hết lời nói của mình. Mọi sự trên đời nên biết thế nào là vừa đủ, ít quá không tốt mà nhiều quá cũng không hay.

Nói là bản năng của con người nhưng nói điều gì, nói khi nào và khi nào nên im lặng sẽ quyết định sự khôn ngoan của người đó. Con người ta chỉ mất 2 năm để học nói nhưng mất cả đời để học cách im lặng. Người khôn ngoan, muốn cuộc sống hanh thông thuận lợi hơn sẽ biết tránh 4 lời này.

1. Lời phàn nàn

Người khôn nói lắm dẫu hay cũng nhàm: 4 lời cần tránh để không “mất điểm” khi giao tiếp - 1

Phàn nàn chính là một loại độc dược mãn tính có thể giết chết sự nhiệt tình của con người, hủy hoại ý chí của người đó cũng như ảnh hưởng đến tâm trạng của những người xung quanh. Trong cuộc sống này, có không ít người luôn bắt đầu câu chuyện bằng sự phàn nàn, chào ngày làm việc mới bằng cái chẹp miệng về đủ thứ mà họ coi là đen đủi trên đường đi. Ban đầu, ai cũng muốn lắng nghe và tìm cách giúp đỡ nếu có thể song sau dần, chỉ còn cách tránh xa nguồn năng lực tiêu cực đó.

Nhớ rằng, cuộc sống này là 10% những gì xảy đến với bạn và 90% còn lại được quyết định bởi cách bạn phản ứng với điều đã xảy ra. Nhận thức được những khó khăn đặt ra trước mắt mình là điều tốt song chỉ hướng sự chú ý đến điều đó thay vì tìm cách giải quyết, không ngừng đổ lỗi cho số phận, cho người này người kia chính là sai lầm. Những lời phàn nàn thực sự sẽ khiến cuộc sống của một người thêm tệ.

Đừng để phàn nàn trở thành thói quen của bản thân mỗi ngày, cách mở đầu mỗi câu chuyện. Thao thao bất tuyệt những câu chuyện oán thán chỉ chứng tỏ một điều rằng bạn đang cảm thấy bất lực với nó. Thay vì dành thời gian để phàn nàn, tốt hơn hết bạn nên tìm cách thay đổi. Đó là cách để bản thân ngày càng hoàn thiện hơn, khiến cuộc sống tốt đẹp hơn và lan tỏa đến xung quanh nguồn năng lượng tích cực hơn.

2. Lời đồn thổi

Người khôn nói lắm dẫu hay cũng nhàm: 4 lời cần tránh để không “mất điểm” khi giao tiếp - 2

Những câu chuyện buôn dưa lê bán dưa chuột, đồn thổi này kia chính là thứ vũ khí có thể xuyên thủng trái tim con người.

“Lời nói không là dao

Mà cắt lòng đau nhói

Lời nói không là khói

Mà khoé mắt cay cay”

Không biết từ khi nào, những cuộc tám chuyện về đời tư của người khác, chỉ trỏ, phán xét chuyện nhà người ta trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của nhiều người. Họ chẳng ngại rôm rả về chuyện vốn thực ra không liên quan đến mình, tệ hơn là thêu dệt về những điều không có thật. Dù là vô tình hay cố ý, chúng đều ăn dần vào thói quen, khiến một con người trở nên tệ đi mà bản thân có thể không hay biết.

Không ai muốn trở thành chủ đề trong cuộc bàn tán, bình phẩm của ai đó. Không ai muốn chuyện đời tư của mình bị đem lên bàn cân mổ xẻ hay để người khác phán xét. Chính bởi vậy người khôn ngoan sẽ không làm những điều bản thân không muốn người khác làm với mình. Đừng bao giờ lấy sự tổn thương hay nỗi đau của người khác làm chuyện vui cho mình. Lời thêu dệt, chuyện thị phi như căn bệnh vậy, sẽ dần làm hỏng con người bạn.

3. Lời kiêu ngạo

Người khôn nói lắm dẫu hay cũng nhàm: 4 lời cần tránh để không “mất điểm” khi giao tiếp - 3

Ranh giới giữa sự tự tin và kiêu ngạo đôi khi rất gần. Có nhiều người luôn tự coi việc mình làm là đúng, mặc nhiên coi việc ai đó trái với ý mình nhất định là sai. Đó là bởi họ đánh giá quá cao, quá yêu cái sự ưu tú của mình và cho rằng không có ai hơn bản thân mình hết.

Làm người, hãy biết khiêm tốn và khiêm tốn. Nói lời kiêu ngạo chính là con đường hủy hoại bản thân mình. Một khi con người trở nên kiêu ngạo, họ sẽ chẳng bao giờ có thể tiến xa hơn. Người luôn cho rằng người khác sai, bản thân đúng thì sẽ không bao giờ hoàn thiện được bản thân mình.

Chỉ khi khiêm tốn, biết cầu thị, cúi đầu học hỏi, bạn mới có thể tiến xa hơn. Chỉ khi biết khiêm tốn, bạn mới có thể thu phục được lòng người. Hơn nữa, kiêu ngạo sẽ khiến mọi người ngày càng xa cách bạn, khiến các mối quan hệ ngày càng trở nên xấu đi. Suy cho cùng, đâu ai muốn trò chuyện với một người luôn mặc định người khác sai?

4. Lời nóng giận

Người khôn nói lắm dẫu hay cũng nhàm: 4 lời cần tránh để không “mất điểm” khi giao tiếp - 4

Những lời nói khi nóng giận có thể là ngọn lửa “thiêu đốt” tâm trí bạn. Chúng ta thường khó kiểm soát hành vi, lời nói của mình lúc nóng giận và đó cũng là lý do khiến lời nói khi ấy rất dễ làm tổn thương người khác. Không chỉ ảnh hưởng đến các mối quan hệ cá nhân, lời nói khi nóng giận có thể ảnh hưởng đến địa vị xã hội cũng như túi tiền của bạn.

Nóng giận có thể khiến con người ta trở nên mù quáng bởi khi đó chúng ta hiếm khi dừng lại để nhìn nhận cách cư xử của mình. Có thể bạn nói ra những lời đó không hề với ý xấu nhưng khi làm tổn thương người nghe, điều đó khó lòng có thể xóa bỏ.

“Giữ sự bực tức trong người giống như bạn đang cầm than nóng trên tay với mục đích ném vào người khác vậy. Bạn chính là người đầu tiên bị đốt cháy”.

Họa từ miệng mà ra, đừng để lời nói làm tổn thương người khác và tổn thương chính mình.

Người khôn nói ít nghe nhiều: 10 điều nhất định dặn mình phải giữ miệng
Người xưa nói: "Miệng có thể nói lời đẹp như hoa hồng, miệng cũng có thể nói lời độc như gai ma vương". Lời nói không đúng lúc, đúng nơi, đúng sự thật...

Bài học cuộc sống

Bảo Anh.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Bài học cuộc sống