Tăng cường quan hệ là tốt nhưng có những người, sẽ tốt hơn khi ta hạn chế kết giao, tương tác qua lại. Giúp người là tốt nhưng lòng tốt cần phải được trao đúng nơi, đúng người.
Có câu nói “Người khôn khéo sẽ có cả thiên hạ”. Đối đãi với người khác ra sao, xử lý tình huống thế nào là những bài học rất ý nghĩa mà chúng ta cần học hỏi và rèn luyện suốt cả đời. Tăng cường quan hệ là tốt nhưng có những người, sẽ tốt hơn khi ta hạn chế kết giao, tương tác qua lại. Giúp người là tốt nhưng lòng tốt luôn phải được đặt đúng nơi, đúng lúc.
3 kiểu người không nên qua lại
Người không đứng đắn
Đây là kiểu người mà bạn nên hạn chế giao tiếp, kết thân dù là trong công việc hay cuộc sống. Những người này trong công việc thì thiếu nghiêm túc, không chuyên nghiệp; trong chuyện tình cảm thì không đứng đắn, không coi trọng tình cảm của người khác.
Tốt nhất với kiểu người này bạn nên tránh tiếp xúc. Trong trường hợp bắt buộc phải giao tiếp vì công việc hay lý do khác, hãy giữ thái độ lịch sự nhưng dứt khoát, không kéo dài sự tương tác hay có ý định kết thân. Những người này thường sống thiếu trách nhiệm, không phải người ta có thể đặt lòng tin.
Người có lối sống không lành mạnh
Lối sống không lành mạnh là sự thiếu điều độ trong sinh hoạt, cuộc sống cũng như các hoạt động khác. Sẽ tốt hơn khi bạn tránh kết giao, qua lại với những người có nhiều thói hư tật xấu, luôn chìm trong cuộc sống sa đoạ.
Những người như vậy khó có thể lan toả năng lượng tích cực, lành mạnh đến với người khác. Có câu: “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”. Những người xung quanh ta sẽ có ảnh hưởng nhất định đến con người ta. Chính bởi vậy, hãy chọn những người có thể ảnh hưởng tích cực đến mình, giúp bản thân ngày càng hoàn thiện hơn nữa.
Người tính khí thất thường
Có thể nói rằng, cảm xúc chính là gia vị làm cho cuộc sống của chúng ta thêm phần muôn màu muôn vẻ. Ai cũng có những lúc vui, buồn, giận dữ hay thất vọng... Điều quan trọng là chúng ta cần biết làm chủ những cảm xúc của mình.
Những người tính khí thất thường, sẵn sàng cáu gắt, trút giận lên người khác vốn không làm chủ được cảm xúc của mình. Họ có xu hướng bảo thủ, tự cho mình là trung tâm, dễ làm tổn thương người khác. Với kiểu người này, sẽ tốt hơn khi bạn chỉ giữ quan hệ ở mức bình thường, tránh kết giao thân thiết.
5 điều không nên giúp
Không giúp việc vượt quá sức mình
Cuộc đời ai cũng không tránh khỏi những lúc khó khăn, hoạn nạn. Giúp được người khác là điều tốt nên làm, biểu hiện của sự thiện lương, sự thăng hoa của nhân cách.
Tuy nhiên nếu giúp cho người khác mà tự khiến bản thân thêm áp lực, thậm chí đẩy bản thân vào thế khó thì lại là điều không nên. Dù là làm việc gì cũng cần phải lượng sức bình, biết đâu là điều nằm trong khả năng. Nếu giúp được người khác nhưng lại đẩy bản thân vào khổ sở, thậm chí khiến những người khác nữa phải giúp mình thì ý nghĩa tốt đẹp của sự giúp đỡ sẽ bớt đi phần nào.
Chính vì vậy, trước khi đồng ý với lời đề nghị giúp đỡ, hãy chắc chắn rằng điều đó nằm trong khả năng của bạn. Với những việc vượt quá khả năng của mình, đừng vì bất kỳ lý do nào mà miễn cưỡng nhận lời giúp đỡ. Chúng ta hoàn toàn có thể từ chối lời đề nghị giúp đỡ của người khác và đó là điều hết sức bình thường, bản thân không cần phải cảm thấy tội lỗi.
Không giúp việc vượt quá giới hạn
Ranh giới, chừng mực là điều mà trong bất kỳ mối quan hệ nào bạn cũng cần thiết lập. Có những việc dù thân thiết đến đâu bạn cũng không nên nhận lời, khi việc đó vượt quá giới hạn, chừng mực.
Đôi khi, bạn đồng ý giúp người khác những việc vượt quá ranh giới, đối phương không những không cảm ơn mà còn thấy khó chịu vì bạn bao đồng. Bạn làm xuất phát từ ý tốt nhưng lại vô tình để người khác hiểu lầm ý tốt của mình.
Không giúp người vô ơn
“Một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Có được sự giúp đỡ của người khác lúc khó khăn hoạn nạn là điều rất nên trân quý. Tuy nhiên, vẫn có những người luôn xem việc người khác giúp mình là điều đương nhiên. Càng dễ nhận được sự giúp đỡ, họ càng cho rằng đó là điều hiển nhiên mà mình phải được hưởng.
Những người vô ơn như vậy không xứng đáng với lòng tốt của bạn và cũng không nên kết giao thân thiết. Họ như một cái giếng sâu không có đáy, không bao giờ cảm thấy thoả mãn và tất nhiên cũng không có khái niệm lòng biết ơn.
Nếu bạn giúp họ 10 lần, họ sẽ nhận cả 10. Nhưng nếu chỉ 1 lần bạn không thể giúp đỡ thì dù là vì lý do gì, họ cũng sẵn sàng trở mặt, quay ra trách móc bạn. Người như này, giúp đỡ chỉ phí hoài lòng tốt của bạn.
Không giúp người không có chí
Giúp người là việc tốt và hãy làm việc tốt đó đúng lúc, đúng người. Hãy giúp đỡ những người khó khăn, thúc đẩy, mở ra cho họ con đường để phát triển bản thân mình. Song nếu đó là con người lười biếng, không có chí tiến thủ, cầu thị, sự giúp đỡ của bạn sẽ chỉ khiến họ ngày càng ỷ lại, lệ thuộc.
Người không làm chủ cuộc đời mình, chỉ muốn dựa vào sự giúp đỡ của người khác mà sống tốt nhất bạn không nên giúp đỡ.
Không giúp việc trái đạo đức
Đây là điều mà ai cũng cần luôn ghi nhớ. Dù mối quan hệ đó là với người thân trong gia đình hay bạn bè, có thân thiết đến đâu thì bạn cũng cần dứt khoát nói không với những lời đề nghị giúp đỡ việc trái với đạo đức, vi phạm pháp luật.
Có thể họ sẽ tìm đến bạn với rất nhiều lý do nhưng dù là gì đi chăng nữa, tuyệt đối không được giúp. Điều bạn nên làm lúc này là bình tĩnh nhìn nhận sự việc một cách khách quan hơn để khuyên giải.