Thay vì trì hoãn việc tiết kiệm, hãy bắt đầu từ ngay hôm nay và tiết kiệm thành công với những mẹo nhỏ mà hữu ích này.
Xây dựng hệ thống quản lý tiền bạc
Chúng ta sẽ rất dễ tiêu hết những đồng lương khó khăn mới kiếm được của mình nếu như không có mục tiêu rõ ràng để hướng đến. Tạo ra hệ thống quy tắc chi tiêu là cách giúp bạn giữ lại nhiều hơn những đồng tiền của mình cho việc tiết kiệm.
Đánh giá chi tiêu trước khi lập ngân sách. Hãy ghi lại những gì bạn mua, ở đâu trong 30 ngày để đánh giá thói quen chi tiêu của mình. Cách này sẽ giúp bạn lập được ngân sách thực tế và khả thi hơn.
Đặt ngân sách hàng tháng. Một khi bạn đã thiết lập ngân sách này với từng số tiền cụ thể cho các khoản mục, hãy thực hiện các kỷ luật cần thiết để bám sát nó.
Theo dõi chi tiêu liên tục. Hãy lên lịch định kỳ mỗi tuần để so sánh chi tiêu thực tế của bạn với ngân sách đã lập. Điều này nhằm giúp bạn biết được mình có đang đi đúng hướng không và thực hiện điều chỉnh khi cần thiết.
Thanh toán bằng tiền mặt. Trong khi thanh toán bằng thẻ tín dụng có thể cám dỗ bạn mua sắm bốc đồng thì tiền mặt sẽ giúp bạn chi tiêu hợp lý hơn, cảm giác rõ sự tiếc nuối khi phải chi tiền và cũng tránh việc tiêu vượt những gì mình có.
Thay đổi suy nghĩ của bạn về tiền bạc
Ngay cả khi đã có ngân sách, bạn vẫn có thể trở lại với thói quen chi tiêu lãng phí nếu không thay đổi quan điểm chi tiêu của mình. Những mẹo tiết kiệm này có thể giúp bạn thay thế những hành vi chi tiêu tiêu cực bằng những hành vi tích cực.
Ngừng chơi trò so sánh. Hãy để ngân sách hướng dẫn thói quen chi tiêu và tiết kiệm của bạn thay vì nhìn vào nhà hàng xóm, cô bạn đồng nghiệp hay ai đó trên mạng xã hội để mua sắm.
Hạn chế chi tiêu vì cảm xúc. Chúng ta dễ nảy sinh tâm lý muốn tiêu tiền để giải tỏa cảm xúc và điều này thực sự không tốt với ví của bạn. Bạn có thể giải tỏa căng thẳng bằng nhiều cách khác nhau mà không hề tốn kém, đơn giản là đọc sách, làm việc mình thích hoặc trò chuyện với người bạn yêu.
Tạo ra thời gian chờ. Khi bạn bị thôi thúc mua một món hàng nào đó, hãy đánh giá xem bạn cần hay chỉ muốn món đồ đó. Nếu bạn xác định rằng đó là thứ bạn thực sự cần, hãy đợi 1 ngày, 7 ngày hoặc thậm chí là 1 tháng tùy theo giá trị món hàng trước khi mua ể xem liệu nó có còn hấp dẫn bạn.
Đừng mua theo xu hướng. Thay vào đó, hãy mua những gì có ý nghĩa với bạn hơn, phù hợp với bạn hơn. Suy nghĩ này sẽ giúp bạn sáng suốt hơn trong việc chi tiêu, tiết kiệm hiệu quả.
Thanh toán các khoản nợ
Trả hết nợ càng sớm càng tốt. Thói quen này có thể giúp bạn tiết kiệm rất nhiều tiền lãi theo thời gian.
Chọn phương pháp thanh toán nợ phù hợp. Mỗi người sẽ có phương pháp phù hợp nhất với mình và việc lựa chọn thế nào là tùy thuộc vào bạn. Bạn có thể chọn trả nợ theo ưu tiên lãi suất giảm dần hoặc trả theo số dư để có thêm động lực sau khi thanh toán hết mỗi khoản nợ. Nhớ rằng điều quan trọng nhất là phương pháp đó phù hợp và phát huy hiệu quả với bạn.
Đặt thời hạn trả nợ. Lập bản đồ mục tiêu thanh toán nợ với số tiền và lịch trình chi tiết sẽ giúp bạn theo dõi tiến trình tốt hơn, có trách nhiệm hơn trong việc trả nợ cũng như thấy động lực hơn mỗi khi thanh toán xong một khoản nợ.
Giảm chi tiêu hàng ngày
Giảm hoặc loại bỏ việc ăn uống bên ngoài. Một trong những cách tiết kiệm đơn giản mà hiệu quả nhất chính là tự chuẩn bị thức ăn cho mình thay vì ăn hàng quán.
Tự chuẩn bị đồ uống. Nếu bạn là tín đồ của cà phê hay một loại đồ uống nào đó và thường xuyên tốn tiền cho các cửa hàng này, hãy học cách tự pha chúng và chuẩn bị ở nhà.
Học cách bảo quản trang phục. Việc này sẽ giúp bạn giữ quần áo màu sắc bền hơn, chất lượng tốt hơn và điều đó đồng nghĩa với tiết kiệm hơn.
Điều chỉnh thói quen mua sắm
Mua với số lượng lớn. Các mặt hàng dễ bảo quản, cần dùng thường xuyên nếu mua với số lượng lớn sẽ giúp bạn tiết kiệm hơn nhờ được hưởng mức giá ưu đãi. Bằng cách lên kế hoạch trước cho bữa ăn tuần, bạn sẽ hạn chế được mua sắm bốc đồng cũng như tiết kiệm thời gian, tận dụng tối đa nguyên liệu.
Mua đồ cũ. Không phải sản phẩm nào bạn cũng cần phải mua đồ mới và bằng cách mua đồ đã qua sử dụng, bạn sẽ tiết kiệm được kha khá.
Mua ít hơn, tập trung vào chất lượng. Theo thời gian, bạn sẽ thấy rằng các mặt hàng chất lượng tốt với giá cao thực sự giúp tiết kiệm hơn nhiều so với mặt hàng giá rẻ nhưng chất lượng kém.
So sánh giá cả. Hãy tra cứu giá trực tuyến trước khi mua một thứ gì đó và bạn sẽ biết được đâu là nơi mình có thể mua chúng với giá thấp hơn.
Mượn, đổi thay vì mua. Với những thứ bạn không có nhu cầu sử dụng thường xuyên hoặc chưa chắc về điều đó, hãy nghĩ đến việc mượn hoặc đổi với bạn bè.
Giảm chi phí định kỳ
Hãy sử dụng các mẹo tiết kiệm tiền này để giảm thiểu các khoản chi tiêu thường xuyên:
Giảm hoặc hủy các gói truyền hình cáp. Mỗi ngày bạn xem tivi bao nhiêu tiếng, số kênh bạn xem là bao nhiêu? Chúng ta thường không sử dụng chúng nhiều đến mức cần đăng ký gói truyền hình cáp tốn kém. Nếu bạn chưa sẵn sàng để cắt dịch vụ, hãy cân nhắc chuyển sang gói phù hợp hơn.
Trồng cây xanh để giảm chi phí làm mát. Bằng cách trồng cây tạo bóng mát xung quanh nhà, bạn sẽ khiến nhà của mình mát hơn, tiết kiệm chi phí điều hòa không khí trong mùa hè nắng nóng.
Rút dây cắm khi không dùng thiết bị điện. Bằng cách này, bạn sẽ tiết kiệm được chi phí của "năng lượng ảo", tức sự tiêu hao năng lượng chậm khi bạn cắm điện dù không sử dụng.
Cân nhắc thẻ thành viên phòng tập. Nếu bạn không phải là người thường xuyên sử dụng thẻ phòng tập, hãy cân nhắc đến việc cắt bỏ và chuyển sang các hình thức khác như tập tại nhà, chạy ngoài công viên…
Bảo dưỡng xe của bạn. Đồ đạc muốn dùng được lâu hơn, tốt hơn cần được chăm sóc thường xuyên và xe của bạn cũng vậy.
Tiết kiệm tiền trong tương lai
Cho dù đó là mua một chiếc xe hơi hay quyết định ngân hàng gửi tiền, các quyết định tài chính lớn mà bạn đưa ra hôm nay đều có thể ảnh hưởng đến hầu bao của bạn trong những tháng năm sau này. Thực hiện theo các mẹo tiết kiệm tiền này sẽ giúp bạn đưa ra lựa chọn tiền bạc sáng suốt hơn:
Lên mạng để tìm kiếm các lựa chọn tiết kiệm hơn cho kỳ nghỉ. Bạn có thể tìm được phòng cũng như vé máy bay với giá thấp hơn.
Mua một chiếc xe tiết kiệm nhiên liệu. Khoản tiết kiệm nhiên liệu sẽ giúp bạn tiết kiệm về lâu về dài. Nếu bạn sống ở nơi có phương tiện công cộng thuận tiện, hãy cân nhắc đến việc đi làm bằng xe buýt hoặc tàu điện.
Giữ các giấy tờ bảo hành thiết bị. Sau khi mua một thiết bị mới, hãy giữ giấy bảo hành cẩn thận. Điều này sẽ giúp bạn sử dụng được tốt nhất dịch vụ của nhãn thay vì phải mất tiền sửa chữa khi mất giấy bảo hành.
Chọn gửi tiền ở ngân hàng có lãi suất cao. Lãi suất các hình thức gửi ở các ngân hàng là khác nhau và hãy tìm hiểu trước khi bạn quyết định gửi những đồng tiền của mình vào.