Các bố các mẹ ạ, nhìn lại đi, chúng ta vẫn đang hạnh phúc lắm. Cuộc sống bình yên, con cái khỏe mạnh đến trường, thế là những ông bố bà mẹ cũng đã là sướng nhất trần đời rồi.
Ngày hôm nay, con của tôi, con của anh bạn tôi đến trường, khai giảng và vào năm học mới, còn những ông bố của những thằng cu nhóc này thì có thể thảnh thơi cuối tuần đá trận bóng và uống vài cốc bia hơi, chém gió với nhau.
Vậy là những ông bố Việt Nam quá là hạnh phúc rồi còn gì nữa.
Mấy năm trước, mùa khai giảng, từng có cảnh phụ huynh đạp đổ cả công trường để lao vào xin học cho con. Có người bảo rằng hành động đó thật kinh khủng, nhưng cũng rất... dễ cảm thông.
Thế này nhé, tôi là một ông bố. Vợ tôi bảo "Anh phải cho con vào học trường A, bằng mọi giá", ông nội, bà nội, bà ngoại, bác con tôi, dì của con tôi, ông hàng xóm nhà tôi, bà bán nước đầu ngõ nhà tôi, bạn vợ tôi cũng đều bảo: "Phải cho con học trường A, trường đấy tốt". Thế thì nửa đêm tôi có đến xếp hàng mua hồ sơ ở trường A không, có đứng chen chúc rồi lao vào nộp hồ sơ cho con tôi không. Tôi là một ông bố, và có lẽ tôi cũng sẽ cùng vài ông bố khác đạp đổ cả cổng trường cũng nên. Ai chẳng muốn cho con mình điều kiện tốt nhất, và cũng có ai muốn phải chen lấn xô đẩy đâu. Năm nay thì tình trạng "đạp đổ cổng trường" ấy đã không còn diễn ra nữa rồi.
Những ngày này, chúng ta đang chia sẻ điều gì? Trên facbook của những ông bố bà mẹ là ngập tràn hình ảnh con cái ngày khai giảng. Năm học mới đã đến, ông bố này khoe ảnh anh cu con diện đồng phục mới rất oách bước vào lớp 1, bà mẹ kia tự hào cô công chúa nhỏ hôm nay đi múa hát ở lễ khai giảng trường mầm non.
Hôm nay, tôi phải nhờ đến vài mối quan hệ để xin cho con vào đúng lớp mà vợ muốn, khổ, lời vợ là "thánh chỉ", kiểu gì cũng phải thực hiện. Vợ bảo lớp ấy cô giáo tốt lắm, yêu trẻ lắm, với lại vào lớp này con còn được học tiếng Anh tốt. Ông anh tôi thì gọi điện nói rằng "Xong việc rồi, nhẹ cả người chú ạ, anh đến mệt đấy" khi lo xong cho ông quí tử ở nhà vào đúng cái trường X. Khổ, các mẹ cứ trao đổi với nhau nhiều, truyền tai nhau rằng thì là trường X là trường điểm, cứ như là con vào đây thì thành thiên tài giỏi giang hết. Thôi thì cũng chiều mẹ của thằng con mình vậy.
Khai giảng xong, mấy ông bố ngồi thảnh thơi làm cốc bia hơi với nhau, chém gió ầm ĩ dạo này xăng lại xuống, vàng lên, chứng khoán bập bùng.
Sắp cuối năm rồi, lại trăm thứ phải lo, kinh tế liệu còn khó khăn không. Ngoài kia thì tắc đường ô tô xe đạp xe máy người đi bộ chen nhau nhích từng tí. Dạo này lại có dịch sốt virus, trẻ con nhiều đứa "dính" lắm.
Mấy ngày này, những ông bố bà mẹ cũng chợt thấy đau nhói trong lòng khi xem hình ảnh một cậu bé người Syria trôi dạt vào bãi biển. Một hình ảnh gây chấn động cả thế giới.
Ngồi trong văn phòng, xem tin tức ở các trang tin tức quốc tế, cả một dòng người tị nạn chạy khỏi Syria, chạy trốn chiến tranh. Hàng trăm nghìn người chạy trốn khỏi những vùng chiến sự Syria, Afghanistan để đến Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ, Slovenia.
Những gia đình sống vạ vật ở ga tàu, hình ảnh những thằng bé trèo qua cửa sổ cố leo lên con tàu để chạy đến một vùng đất mới, những bà mẹ ôm con bên cạnh hàng rào dây thép gai chống nhập cư. Trong hình ảnh về đoàn người tị nạn khổng lồ ấy, có rất nhiều hình ảnh những ông bố đang bế những cậu con nhỏ. Trẻ con luôn là khổ nhất, đáng thương nhất trước thảm họa, trước thiên tai, chiến tranh, li tán.
Dân tị nạn Syria
Bỗng chợt thấy, những ông bố đang ngày ngày phải lo cơm áo gạo tiền ăn học cho con, lo từ tắc đường đón con đến lo con ốm xung quanh tôi, như tôi, là hạnh phúc.
Bỗng chợt thấy mấy bà mẹ thỉnh thoảng share nhau một cái clip đánh ghen, nhao nhao bình luận một vụ phát hiện chồng ngoại tình, cũng đã là hạnh phúc quá rồi.
Thế giới phẳng và gần nhau hơn, ở một nơi nào đó trên thế giới này, đã không có những ông bố ngày hôm nay được nhìn con đến trường, đã không có những bà mẹ hôm nay được đưa con vào cửa lớp học.
Vợ chồng cãi nhau, con dâu mâu thuẫn mẹ chồng, đồng nghiệp xấu tính, cuộc sống bon chen... đủ thứ "xì trét", đủ kiểu nỗi lo, cứ tống hết lên facebook rồi kêu than ôi cuộc đời sao ngang trái.
Nhưng các bố các mẹ ạ, nhìn lại đi, chúng ta vẫn đang hạnh phúc lắm. Cuộc sống bình yên, con cái khỏe mạnh đến trường, thế là những ông bố bà mẹ cũng đã là sướng nhất trần đời rồi.