Nếu như trước Tết, các gia đình bận rộn lo sắm Tết vất vả bao nhiêu thì sau Tết, sự căng thẳng của các buổi hóa vàng, làm lễ tiễn hết Tết ông bà tổ tiên cũng mệt nhọc không kém.
Theo phong tục truyền thống của cha ông ta để lại, những ngày Tết là những ngày đoàn tụ sum họp, và do vậy, các nhà đều làm lễ cúng mời vong linh các cụ đã khuất về ăn Tết với gia đình. Mùng một, mùng hai, mùng ba, ngày nào cũng mâm cao cỗ đầy thắp hương các cụ, trước cúng sau ăn.
Cứ như vậy cho đến ngày làm lễ hóa vàng tiễn các cụ ra đồng thì việc cúng cỗ mấy ngày Tết mới chấm dứt. Ngày nay, khi kinh tế các gia đình trở nên khá giả, việc ăn cỗ liên miên mấy ngày Tết có lẽ đã trở thành nỗi ám ảnh đối với nhiều người và đẩy lên thành sự căng thẳng cao trào đối với các buổi lễ hóa vàng.
Nấu nướng, trông con, cho con ăn rồi dọn dẹp, rửa bát đũa nồi niêu, phục vụ trà nước, hoa quả, việc gì cũng đến tay chị em; quả là nỗi khổ đày ải ngày Tết. (Ảnh minh họa)
Nỗi khổ thứ nhất là quá nhiều lịch hóa vàng. Nào là hóa vàng bên nội, hóa vàng bên ngoại, hóa vàng nhà cô, dì, chú, bác, hóa vàng nhà anh em bạn bè, …, và cả hóa vàng chính nhà mình nữa. Nhiều người mượn cớ hóa vàng để nhân tiện mời mọc nhau ăn uống ngày Tết. Người được mời thì cũng khổ sở khi phải cố gắng từ chối sao cho khéo, để khỏi bị trách cứ khi không nhiệt tình tham gia, nhất là khi là con, cháu trong gia đình.
Do cũng chỉ có mấy ngày Tết, nên tất nhiên là lịch hóa vàng trùng nhau rất nhiều. Cả bên nội và bên ngoại có khi cùng làm trong một buổi, là phận con, phận cháu, biệt đi bên nào, biết bỏ bên nào?
Nỗi khổ thứ hai chính là việc ăn uống. Ngày nay, lễ hóa vàng cũng là dịp để các gia đình giải tỏa kho thực phẩm tích trữ khổng lồ mấy ngày Tết. Cỗ bàn cúng mấy hôm trước chưa ai đụng đến cũng nhân cơ hội này được thanh toán cho hết.
Nghĩ đến chắc ai nấy đều ngán ngẩm. Trước Tết lo đi mua cho thật nhiều, sau Tết tìm người ăn hộ. Thực phẩm bảo quản tốt thì đi một nhẽ, nhiều khi phải đối mặt với thức ăn bắt đầu hỏng mới thấy được nỗi kinh hoàng của những thực khách bất đắc dĩ.
Sau màn ăn uống cơm no rượu say của cánh đàn ông là hàng chồng mâm bát ngất ngưởng chờ dọn rửa. (Ảnh minh họa)
Nỗi khổ thứ ba chính là việc nấu nướng, dọn dẹp của chị em phụ nữ. Với số lượng người ăn đông, mâm cao cỗ đầy theo tiêu chuẩn “8 bát, 8 đĩa”, việc nấu nướng phục vụ cũng khiến cho chị em quần quật cắm mặt vào bếp. Sau màn ăn uống cơm no rượu say của cánh đàn ông là hàng chồng mâm bát ngất ngưởng chờ dọn rửa.
Nấu nướng, trông con, cho con ăn rồi dọn dẹp, rửa bát đũa nồi niêu, phục vụ trà nước, hoa quả, việc gì cũng đến tay chị em; quả là nỗi khổ đày ải ngày Tết. Ở thành phố có thể còn đỡ hơn, chứ chị em ở những địa phương có truyền thống gia trưởng thì không chạy đâu cho thoát.
Không phải đến bây giờ mọi người mới nói về những chuyện ăn uống ngày Tết như thế này. Việc kêu gọi ăn uống giản dị, tiết kiệm ngày Tết đã được bàn đến từ lâu nhưng có lẽ là sẽ còn rất lâu nữa, tất cả chúng ta mới từ bỏ thói quen này, dù cho ai cũng hiểu, cũng thấm nỗi khổ này.