Mới đây, đoạn clip về vị khách Tây chặn xe người Việt ở tuyến phố đi bộ đã thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận và cuối cùng cô gái Việt đã phải nhượng bộ trong tiếng vỗ tay, hò hét.
Chứng kiến sự việc trên có không ít người Việt nhưng chỉ khi người khách Tây chặn xe và nói như hét vào mặt yêu cầu cô gái xuống xe dắt bộ thì những người này mới chịu hùa theo: "Nó nói đúng đấy", "Nó bảo mình xuống xe đi bộ thì cứ xuống đi"... còn nhân vật trung tâm thì vẫn "Cháu hiểu nó nói nhưng cháu không thích đấy!"...
Vậy hóa ra theo lời cô gái thì tham gia giao thông là chuyện thích và không thích? Thế nhưng, thực tế cho thấy, chẳng riêng gì cô gái ấy mà nhiều người Việt vẫn giữ câu cửa miệng "tôi thích thế đấy".
Bởi ý nghĩ "Vua cũng thua thằng... liều" nên trong nhiều trường hợp tương tự, nếu không phải khách Tây mà là người Việt nhắc nhở nhau theo kiểu hét vào mặt như thế kiểu gì cũng xảy ra hai trường hợp: Người nhắc bị chửi là điên rồ hoặc không thoát cảnh cãi vã, xô xát...
Nhiều lần, ở chính những con phố đi bộ, người dân còn phải tránh đường cho xe máy đi vào mà không dám ho he phản ứng. Thói quen sợ va chạm đã trở thành cố hữu và khiến con người nhắm mắt làm ngơ dẫu phát ngôn của cơ quan chức năng thì vẫn nhấn mạnh: "Người Việt mình mà cũng có thể nhắc nhở nhau như vậy thì tốt quá".
Vị khách Tây nhấn mạnh về quy định phố đi bộ
Còn thái độ nói như hét vào mặt người khác rồi khi đạt được mục đích thì vỗ tay hoan hô của vị khách Tây có đáng được đề cao không? Liệu trong cái cách thức diễn đạt của anh ta có chứa đựng hàm ý sỉ nhục người khác không?
Có người cho rằng, phía sau lời nói, khẩu khí của vị khách trong đoạn video hẳn họ đã phải trải qua những điều chướng tai, gai mắt và với một số đối tượng "điếc không sợ súng" thì đương nhiên phải vừa nói vừa hét, vừa hành động, vừa lôi kéo mọi người xung quanh.
Ở ta, đôi khi vẫn diễn ra cảnh những người khách Tây đi xe máy vượt lên và hét "sit down, sit down" khi bắt gặp cảnh tượng người lớn chở trẻ nhỏ mà không đội mũ bảo hiểm hoặc cho con đứng hóng mát trên yên xe. Riêng với tình huống người Việt đánh rơi đồ thì khách Tây luôn chủ động nhặt giúp với ánh mắt, nụ cười thân thiện, nhẹ nhàng. Dù là Tây hay ta thì thái độ phản ứng vẫn tùy từng tình huống cộng sự diễn biến, dồn nén tâm trạng.
Thay vì để khách "nhập gia tùy tục", một bộ phận công dân thiếu ý thức đã và đang buộc người ngoại quốc phải lên tiếng với chủ nhà. Cũng như nhiều khách nước ngoài, hẳn người chặn xe vừa rồi đã không ngờ hành động bình thường của mình lại có sức lan tỏa lớn đến vậy và dưới búa rìu dư luận, hoặc họ sẽ thành "anh hùng bất đắc dĩ" hay một "tội đồ"!
Hình ảnh trong cuốn sách "Expect the unexpected"
Frank Hayes- một người Australia đã viết cuốn sách về giao thông Việt Nam có tựa đề "Expect the unexpected" đã đưa ra nhiều lý giải về những điểm được coi là khác lạ của giao thông ở ta đồng thời chỉ dẫn cho du khách những "bí kíp" dắt lưng như: làm sao để né ổ gà, làm gì khi đường tắc, kỹ năng sang đường... cũng như nhiều người ngoại quốc khác, Frank Hayes coi giao thông Việt Nam là một thứ "đặc sản" đầy bất ngờ và luôn khiến người ta mong đợi ở những điều... không mong đợi!
Tất nhiên, cũng không thể chỉ vì một sự việc nhỏ vừa qua mà đưa ra những lời "tổng sỉ vả" cô gái hay thần tượng hóa vị khách Tây, chúng ta càng khó để mơ một ngày gần đây giao thông Việt sẽ văn minh, trật tự như... Tây.
Nhưng rõ ràng, có thể hi vọng vào sự nghĩ ngợi, phản biện để tránh kiểu ta đang hiểu "nó" nói gì nhưng... không thích đấy! Nếu không thể "nhìn xa trông rộng" thì vẫn có thể "nhìn gần" hơn, như sự văn minh trật tự của những con phố đi bộ ở Hội An chẳng hạn!