Đôi khi những trở ngại giống như bức tường ngáng trở kia có thể là dấu hiệu cho thấy mọi thứ đang trở nên tốt hơn theo một cách khác.
1. Không thể làm điều gì đó “cấp cao”, hãy làm điều “cấp thấp hơn”
Trong cuộc sống, sẽ luôn có những mục tiêu tưởng chừng cao hơn, xứng đáng hơn nhưng chúng thường có thể không đạt được một cách trực tiếp mà phải đi đường vòng để đạt được.
Hai tháng trước, Tiểu Minh và bạn trai chia tay. Cô thực sự hy vọng mình có thể buông bỏ nỗi hận đối với người yêu cũ nhưng cô lại không thể làm được. Nhìn lại mối quan hệ này, cô luôn cảm thấy đối phương đã lừa dối mình. Càng nghĩ, cô càng ghét và muốn mắng anh.
Tuy nhiên, những người xung quanh đều khuyên cô rằng điều đó là không cần thiết. “Chia tay rồi thì thôi, la mắng có ích gì. Nếu thực sự ghét thì hãy sống thật tốt. Đây là cách “trả thù” tốt nhất" là lời khuyên phổ biến nhất cô được nghe.
Tiểu Minh cũng cho rằng mọi người đều đúng, so với “trả thù” thì “sống tốt” là mục tiêu đúng đắn và xứng đáng hơn. Vì vậy, cô đã cố gắng tập trung vào cuộc sống của chính mình nhưng vẫn không thể không nghĩ đến tất cả những cảm giác sâu thẳm trong lòng và nảy sinh ý muốn trả thù.
“Nếu là tôi, khi không thể kiềm chế được mình, tôi sẽ trực tiếp mà mắng anh ta”, một người bạn nói.
"Nhưng chẳng phải như vậy rất “cấp thấp” sao?" Tiểu Minh lo lắng.
"Đã không thể buông tay, vậy thì có nghĩa chúng ta chỉ là người bình thường. Thế thì cứ làm những gì người thường làm, muốn mắng thì mắng, có sao đâu”, người bạn kia nói tiếp.
Như nhận được sự cổ vũ, Tiểu Minh đã trực tiếp hẹn gặp bạn trai cũ và trút bỏ mọi bất bình của mình. Mỗi người sẽ có quan điểm khác nhau về việc điều này là đúng hay sai, nhưng điều chắc chắn là Tiểu Minh cảm thấy thoải mái. Không lâu sau, cô nói rằng cảm thấy như đã buông bỏ được và có thể tập trung vào công việc riêng của mình.
Trên thực tế, nhiều người khi lớn lên đều mang suy nghĩ rằng, mình phải đạt được mục tiêu “cấp cao” chỉ trong một bước. Đối với Tiểu Minh, rõ ràng 2 mục tiêu “trả thù người yêu cũ” và “sống tốt” thì mục tiêu sau “cao cấp” hơn, mọi người và bản thân cô ấy đều biết vậy nhưng suy cho cùng, cô ấy cũng chỉ là một người bình thường với biết bao cảm xúc hỷ nộ ái ố. Đôi khi, nếu bạn hướng thẳng tới mục tiêu “cao cấp hơn”, bạn sẽ liên tục gặp phải những bức tường. Chậm lại và theo đuổi mục tiêu trước mắt có vẻ “cấp thấp hơn” nhưng phù hợp hơn với hoàn cảnh hiện tại của bạn, cuộc sống sẽ dần như bạn mong muốn.
2. Vấn đề sẽ được giải quyết nhưng không nhất thiết phải theo thứ tự bạn muốn
Đôi khi, một số mục tiêu có vẻ đơn giản đến mức phải được hoàn thành ngay lập tức nhưng bạn đã cố gắng hết sức mà không có kết quả. Lúc này, bạn có thể cho mình thời gian, có thể không phải bạn làm chưa tốt mà là thời điểm tốt nhất vẫn chưa đến.
Cô Lưu đã thay đổi công việc vào năm ngoái và thành công trong việc ngồi vào vị trí mình hướng đến bấy lâu nay. Đối với cô, đây là một khởi đầu mới đầy hứa hẹn nên cô đã lên rất nhiều kế hoạch cải tiến bản thân mình trong tương lai. Một trong số đó chính là giảm cân: trước tiên là từ bỏ đồ ngọt, sau đó là tập thể dục.
Tuy nhiên, cô đã bị mắc kẹt ngay từ bước đầu tiên và không thể ngừng ăn đồ ngọt. Để hoàn thành kế hoạch, cô viết ra những mẩu giấy nhớ để động viên bản thân, dán khắp nơi rồi nhờ đồng nghiệp giám sát, cá cược với những xung quanh rằng nếu bị bắt gặp đang lén ăn sẽ bị phạt. Dù đã làm mọi cách, Lưu vẫn thất bại. Cô vừa chán nản vừa tự trách mình.
Nhưng một thời gian sau, mọi người đều nhận thấy sự thay đổi của Lưu. Cô đã có thể kiểm soát việc ăn đồ ngọt của mình, ăn uống lành mạnh hơn và đi tập gym. Sau tất cả, cô nhận ra thời điểm năm ngoái khi bắt đầu một công việc mới, có quá nhiều thứ cô muốn làm, từ làm quen với công việc mới, hòa nhập với môi trường mới, tham gia đào tạo các kỹ năng bán… và giảm cân chỉ là một trong số đó.
Khi bộ não hướng dẫn chúng ta làm việc gì đó, sẽ có một "quy tắc ẩn". Nếu bạn có quá nhiều nhiệm vụ phải giải quyết và đơn giản là không có đủ năng lượng, tiềm thức sẽ tự động giúp chúng ta xác định việc nào thực sự cấp bách rồi tập trung giải quyết.
Đây là lý do tại sao Lưu muốn từ bỏ đồ ngọt nhưng không thể. Khi tỉnh táo, cô coi việc giảm cân là ưu tiên hàng đầu nhưng trong tiềm thức, cô phát hiện ra năng lượng hiện tại của mình có hạn, việc thích nghi với công việc mới là ưu tiên hàng đầu. Khi công việc dần ổn hơn, năng lượng được giải phóng nên Lưu đương nhiên có thể đưa việc “giảm cân” vào lịch trình của mình dễ dàng hơn.
Khi chúng ta cố gắng nắm bắt mọi thứ, chúng ta có thể không nắm bắt được bất cứ thứ gì. Lúc này, chúng ta không chỉ lãng phí sức lực mà còn dễ cảm thấy chán nản. Nhớ rằng, vấn đề hoàn toàn có thể giải quyết, chỉ là đôi khi nó không đúng theo thứ tự bạn muốn mà thôi.
3. Vấn đề có thể không được giải quyết, nhưng bạn vẫn có thể trở nên tốt hơn
Một số người tin chắc rằng “cuộc sống sẽ chỉ tốt đẹp hơn nếu vấn đề được giải quyết”. Họ nỗ lực làm việc chăm chỉ theo hướng này nhưng cuối cùng lại tự khiến mình mắc kẹt trong vũng lầy. Trên thực tế, ngay cả khi vấn đề không được giải quyết thì mọi thứ vẫn có thể trở nên tốt hơn.
Hoa là một bà mẹ trẻ với bao nỗi lo lắng về việc học của con trai mình. Cô đã tìm đến nhiều giáo viên nổi tiếng, tài liệu học tập, phương pháp giáo dục nhưng cậu con trai lớp 3 của cô vẫn rất khó bảo. Dường như mọi điều cô quan tâm nhất trong cuộc sống đều đi ngược lại những gì cô mong muốn.
Không may, một tai nạn đã xảy ra khiến cô phải nằm viện hơn một tháng. Sau biến cố này, điều mà mọi người đều có thể thấy rõ là sự thay đổi trong tính cách của Hoa. Giọng nói của cô không còn khẩn trương và lo lắng như trước nữa, cũng bình tĩnh hơn rất nhiều khi nhắc đến việc học của con cái.
Cô chia sẻ rằng, lần tai nạn này đã khiến cô suy nghĩ sâu sắc hơn về cuộc sống. Nếu không may mắn, có lẽ cô đã mất đi mạng sống này. Khi đó, cha mẹ rồi chồng con cô sẽ ra sao, biết bao điều cô còn muốn làm sẽ thế nào… Trong những điều cô nghĩ đến lúc đó, hầu như không xuất hiện điểm số của con. Trong giây lát, cô chợt nhận ra có lẽ những điều cô lo lắng bấy lâu nay không quá quan trọng, nhất là khi đối mặt với sự sống và cái chết.
Trong cuộc sống, khi buồn chán, chúng ta thường tập trung vào một số thứ nhất định, chẳng hạn như công việc, các mối quan hệ, việc học của con cái và trở nên quá lo lắng về điều đó. Chúng ta vô tình lầm tưởng rằng những điều này là cốt lõi của cuộc sống và chỉ khi xử lý tốt chúng thì cuộc sống này mới có ý nghĩa. Vì vậy, chúng ta cố gắng hết sức để tìm cách thay đổi và kiểm soát. Tuy nhiên, dù bạn có cố gắng thế nào thì mọi chuyện vẫn có thể vượt khỏi tầm tay.
Thực tế, đôi khi đó có thể không phải điều xấu mà có thể là lời nhắc nhở cho bạn, rằng trọng tâm của cuộc sống không chỉ là điều này.