Phù dâu hay còn gọi là dâu phụ là một tập tục có từ xưa trên thế giới, không chỉ riêng Việt Nam.
Người làm phù dâu mang ý nghĩa dẫn dắt cô dâu về nhà chồng, xem như là một người đi cùng quan tâm chăm sóc cho cô dâu mới.
Ở Việt Nam, có phong tục này là vì, người xưa lấy chồng thường là hôn ngân cưỡng ép, kiểu cha mẹ đặt đâu con nằm đấy. Nhiều nơi lại có nạn tảo hôn, thông thường thì "Nữ thập tam nam thập lục", con gái 13 tuổi về nhà chồng chưa biết gì. Do đó cô dâu phải có người dẫn dắt. Người dắt cô dâu gọi là phù dâu.
Ngày xưa phù dâu phải là người cô, người dì hay chị em thân thiết của cô dâu, có khả năng thuyết phục, bày vẽ cho cô dâu, được cô dâu kính nể, mến phục, được bố mẹ cô dâu ủy thác. Người phù dâu phải là người may mắn, tốt phúc, duyên ưa, phận đẹp, con gái lành mạnh ngoan ngoãn, gia đình êm ấm, đề huề có thể truyền kinh nghiệm làm dâu, làm mẹ, làm vợ cho em, cho cháu mình. Phù dâu nhiều khi còn phải ở lại năm bảy ngày sau để cho cô dâu đỡ buồn và để chỉ bảo kinh nghiệm. Thông thường phù dâu cũng trở lại với dâu rể trong lễ lại mặt.
Người làm phù dâu mang ý nghĩa dẫn dắt cô dâu về nhà chồng, xem như là một người đi cùng quan tâm chăm sóc cho cô dâu mới. (ảnh minh họa)
Ngày nay, phù dâu đã thay bằng những người bạn chứ không còn tập tục như xưa nữa. Nhiều nơi có cả phù dâu, phù rể, có đám mời đến năm sáu đôi phù đâu phù rể toàn là trai thanh, gái lịch, chưa vợ chưa chồng. Có lẽ chủ yếu để cô dâu thêm bạn, chú rể thêm bầu. Hay phải chăng ngày nay chàng rể bẽn lẽn e thẹn hơn xưa, nên phải có người dẫn dắt. Hay đám cưới trước thường sinh ra nhiều đám cưới sau nên phải chăm lo đào tạo những cô dâu, chú rể tương lai.
Tuy vậy, việc này không còn là việc bắt buộc trong những đám cưới nữa. Đó là sở thích của cô dâu, chú rể hoặc gia đình. Có người thì muốn có nhiều phù dâu, phù rể cho vui. Có người lại không cần phù dâu trong đám cưới của mình.