Tập thể dục: Tập thế mà vẫn béo! (P.1)

Ngày 11/10/2014 00:00 AM (GMT+7)

Tập thể dục, cụm từ mà đứa trẻ lên ba cũng hiểu, không những hiểu mà thậm chí còn biết đứng ra giữa nhà ngoáy ngoáy cái mông dăm cái rồi miệng cười toe toét.

Trong loạt bài viết này tôi không đề cập đến việt tập thể dục nhằm một mục đích chuyên sâu nào đó như: giảm cân, giảm eo, to ngực, săn đùi, chắc mông,… thành một Rambo, một Commando,… hay một mục đích tương tự nào khác. Mà tôi chỉ muốn nói rằng: Tập thể dục và thường xuyên là điều cần thiết cho cuộc sống của bất kỳ ai! Còn cách tốt nhất để giảm béo là khi chưa béo hãy đừng để mình béo, cách làm nhỏ eo tốt nhất là đừng bao giờ để nó to…

Tập thể dục, cụm từ mà đứa trẻ lên ba cũng hiểu, không những hiểu mà thậm chí còn biết đứng ra giữa nhà ngoáy ngoáy cái mông dăm cái rồi miệng cười toe toét. Tuy nhiên, cái nguyên tắc của tập thể dục thì không những nó mà rất nhiều người trưởng thành cũng không hiểu đúng và làm đúng. Đó là luôn luôn tập, tập từ bé đến lúc già, tập cho đến khi bước cả hai chân qua bên kia thế giới!

Vậy tập thể dục để làm gì?

Tôi nhớ hồi nhỏ, đi học cấp 1, thỉnh thoảng lúc tập thể dục cả lớp được dõng dạc đồng thanh hô “THỂ DỤC KHỎE! KHỎE BẢO VỆ TỒ QUỐC…” cái gì nữa thì tôi nhớ không rõ. Khí thế hừng hực. Lúc đó mà lỡ có vài thằng xâm lược khổng lồ thì cũng có thể xông thẳng vào mà đá cho nó mấy cái vào... đầu gối.

Theo tôi, cái vế đầu tiên trong mấy cái câu hô đó là định nghĩa chính xác nhất.

THỂ DỤC KHỎE!

Chuẩn luôn!

Tập thể dục: Tập thế mà vẫn béo! (P.1) - 1

Tập thể dục, cụm từ mà đứa trẻ lên ba cũng hiểu, không những hiểu mà thậm chí còn biết đứng ra giữa nhà ngoáy ngoáy cái mông dăm cái rồi miệng cười toe toét. (ảnh minh họa)

Tập thể dục đơn giản là để KHỎE!

Còn các vế lằng nhằng chắp vào đằng sau câu “THỂ DỤC KHỎE!” thì miễn bàn. Nó chỉ nói lên rằng: “Tập thể dục rất khó!” cho nên cần có thêm vài cái mệnh đề phụ hô cho khí thế mà tập. Các chú Cảnh sát giao thông có thể vừa tập thể dục vừa hô “Thể dục khỏe! Khỏe bắt được nhiều xe vi phạm!”, các em sinh viên yêu nghề khoa Saxophone có thể vừa tập thể dục vừa hô “Thể dục khỏe! Khỏe thổi kèn hay!”...

Quanh chuyện tập thể dục cũng còn nhiều điều thú vị. Ví như, trong tất cả các hình ảnh lưu lại trong óc người thành thị về cái sự tập thể dục, có lẽ hình ảnh các bà, các chị, các cô "tròn trịa", nhễ nhại mồ hôi trong bộ đồ bó sát ngoáy ngoáy mông, vẩy vẩy ngực tứ phía rất hăng hái trong tiếng nhạc “Bum! Bum! Bum!” từ một công viên, vườn hoa công cộng nào đó là ấn tượng nhất. Cậu Tây tên Dâu (Joe) từng viết trong cuốn “Tớ là Dâu” nói rằng “Chữ “Bum” trong tiếng Tây là cực kỳ bậy, và cái rất trào phúng là các bà các chị của chúng ta cứ hồn nhiên chăm lo sức khỏe trong cái môi trường cực bậy đó”. Tuy nhiên theo tôi, cậu này là Tây nên có thể chưa hiểu hết các bà các cô Việt Nam. Các bà các cô bây giờ tân tiến lắm. Họ hiểu hết và tận dụng triệt để giá trị vô hình từ những món quà vô giá của tạo hóa đưa đến.

Này nhé, tờ mờ chưa sáng, khi mấy con gà chọi không biết gáy chưa thức giấc thì lượng carlo thừa trong cơ thể các bà, các chị đã ùn ùn trỗi dậy thúc đẩy các chị làm một việc gì đó cho thỏa. Nhìn trước nhìn sau, đức ông chồng bụng phưỡn đang dãi rớt thò lò, kéo gỗ phì phò… thì không có gì hay hơn ngoài việc ra công viên ngoáy ngoáy mông, vẩy vẩy ngực, miệng hô “Bum! Bum!”.

Còn tác dụng của nó thì chỉ có ông trời và các chị mới biết! Chúng ta chỉ biết rằng, các chị vẫn rất yêu đời và thường hấp háy mắt phàn nàn với nhau rằng:

“Tập thế mà vẫn béo!”.

(Còn nữa)

Mời độc giả đọc tiếp phần 2 câu chuyệ tập thể dục vào chủ nhật 12/10

Xem bài cùng tác giả:

Câu chuyện 'tiền bo' và văn hóa 'bo'

Rơi máy bay và chuyện... món Phở ở Việt Nam

Mỳ tôm 'cởi truồng'

Nếu muốn chồng yêu, chị em nên đọc bài này!

Sợ vợ là đức tính quí báu

'Đắng lòng' chuyện đi 'viếng đám ma thuê' của tôi

Trẻ em và bệnh thành tích của người lớn (Kỳ 1)

Trẻ em và bệnh thành tích của người lớn (Kỳ 2)

Thanh lọc cơ thể là phản khoa học? (Kỳ 1)

Thanh lọc cơ thể là phản khoa học? (Kỳ 2)

Phạm Phú Quảng
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin bài cùng chủ đề Góc nhìn sự kiện