Câu chuyện 'tiền bo' và văn hóa 'bo'

Ngày 15/09/2014 00:00 AM (GMT+7)

Hành động “bo” nói chung là một việc làm tốt đẹp, và đôi khi còn là một nghĩa cử cao thượng. Và người hay bo thường được gọi là ga lăng.

Bo, là tiền bo, tiền boa hay tiền Tip trong tiếng Anh và Pourboire trong tiếng Pháp.Trong tiếng Anh, Tip có nhiều nghĩa khác nhau, trong đó còn có nghĩa: một bộ phận hay một miếng nhỏ lắp vào đầu một thứ gì đó. Đại loại là thêm. Trong tiếng Pháp, tiền “Bo” là pourboire, nghĩa là để uống nước, ngụ ý để người ấy giải lao sau khi phục vụ mình. Trong Nam đọc là “puộc boa”, ngoài Bắc đọc là “puốc boa”. Dân ta thủ tục hành chính thì thích rườm rà, nhưng đọc chữ thì thích ngắn gọn nên mới thành “bo” hay “boa” bây giờ.

Hành động “bo” nói chung là một việc làm tốt đẹp, và đôi khi còn là một nghĩa cử cao thượng. Và người hay bo thường được gọi là ga lăng. Cái hay của bo là nếu biết cách tận hưởng chúng, nghĩa là làm cho đúng thì người bo hay người được bo đều cảm thấy rất 'happy'. Nhưng chỉ cần sai một li là kẻ bo hay kẻ nhận đều có thể hết vui. Về cơ bản thì điều quan trọng nhất có lẽ là bo đúng người, đúng chỗ, đúng lúc và đúng mực. Mà cái đúng mực quan trọng nhất là thái độ. Thái độ của cả người cho và người nhận đều rất quan trọng. Người bo cần tỏ thái độ hào phóng nhưng tuyệt nhiên không được coi thường đồng tiền bo. Còn người nhận phải tỏ thái độ biết ơn hành động bo của người bo và trân trọng những đồng tiền bo đó, dù nó ít hay nhiều.

Bản chất của bo chỉ là một chút tiền lẻ, các nước còn dùng tiền xu thì tiền xu là thứ tiền rất hay được dùng để bo. Tôi cứ hay nhớ đến cái cảnh trong mấy phim cao bồi cũ, một anh cao bồi sành điệu miệng ngậm xì gà búng một đồng xu cho đứa bé bán giày hay tung một đồng xu dứ dứ thằng bé bán báo để moi thông tin. Nhưng bây giờ tiền bo đã biến tướng nhiều, có thể giờ đây khi nói đến bo là người ta nói đến đẳng cấp của người bo và phần nhiều người bo đang vì tính sĩ diện. Đại gia bất động sản A, đại gia ngân hàng B... không thể rút túi bo mười, hai mươi nghìn đồng VN. Vì ngày mai báo chí nó ngoác cái con chữ ra rằng ông này keo kiệt thì nhà không bán được!

Câu chuyện #039;tiền bo#039; và văn hóa #039;bo#039; - 1

Bản chất của bo chỉ là một chút tiền lẻ, các nước còn dùng tiền xu thì tiền xu là thứ tiền rất hay được dùng để bo. (ảnh minh họa)

Chính vì vậy nên rất nhiều người Việt Nam nổi tiếng, bản chất vốn cực kỳ kẹt xỉ, lúc ngồi một mình hễ thấy người tàn tật bán tăm thì ngậm ngay miệng lại vì sợ họ thấy chút lá hành xanh mướt còn dắt nơi kẽ răng, nhưng vẫn phải nghiến răng kèn kẹt rút năm chục một trăm cho ăn xin chỗ đông người. Cá biệt có những người giàu nứt đố đổ vách nhưng rất hay quên bo. Điển hình là ông chủ Facebook, Zuckerberg mới năm ngoái đây, đã rất nổi tiếng ở Rome vì liên tục quên bo trong tuần trăng mật. Anh chàng có khối tài sản trị giá trên 30 tỉ USD này đã "hào phóng" chi tiền cho một bữa ăn cùng vợ mới cưới trong tuần trăng mật hết 32 Euro (khoảng 800.000 đồng VN, bằng giá một miếng sushi gắp trên rốn một cô người mẫu vừa tắm), khen rất ngon… và quên bo! Cũng có thể anh này muốn các cổ đông thấy người cầm lái con thuyền biết tằn tiện.

Tất nhiên có người keo kiệt thì cũng có những người rất hào phóng, tài tử mà tôi rất thích xem phim của anh đóng là Johnny Depp, từng hào phóng bo cho một bồi bàn tới 4.000 USD khi ăn ở một nhà hàng nào đó và chẳng vì lý do nào.

Nghe nói rằng Úc là nước khá văn minh nhưng lại là nơi có đẳng cấp bo xếp vào hàng tiền sử. Và nơi hay được bo nhiều nhất có lẽ là Las Vegas và Macau, ở đó thường xuyên có các ông lớn mang tiền mồ hôi nước mắt của dân đi quay Roulette (một hình thức đánh bài) và nặn xì tố.

Đối với người Việt thì việc bo gần như chẳng mấy khi đúng lúc, đúng nơi, đúng người. Ở Sài Gòn chúng ta có thể thường xuyên gặp cảnh một vài ông già đạp xe ba gác, áo rách, quần thủng đít cuối chiều rủ nhau làm vài chai bia vỉa hè nhưng khi đứng dậy vẫn bo cho cô phục vụ một vài chục tiền lẻ và tận hưởng cảm giác ngọt ngào của câu cảm ơn trước khi về nhà với "sư tử". Trong khi đó ở Bắc thì chuyện một ông "cực kỳ đắt tiền" đi xe Roll Royce, phụ kiện rặt chữ tây ngồi chờ đến dăm phút chỉ để lấy lại vài đồng tiền thừa của cái hóa đơn vài triệu ở những nơi rất đáng bo như nhà hàng, khách sạn... là việc rất thường.

Câu chuyện #039;tiền bo#039; và văn hóa #039;bo#039; - 2

Đối với người Việt thì việc bo gần như chẳng mấy khi đúng lúc, đúng nơi, đúng người. (ảnh minh họa)

Cho nên người Bắc chẳng mấy khi được tận hưởng cảm giác thực sự của một thượng đế.

***

Nói đi thì cũng cần phải nói lại.

Bo là văn hóa "cho" và "nhận". Người nhận thì hạnh phúc vì có thêm thu nhập, còn người cho thì hạnh phúc vì làm được việc có ý nghĩa và được trân trọng (hạnh bố thí). Và người làm phục vụ muốn được bo nhiều thì cần có một số thứ phải tự điều chỉnh cho phù hợp thị hiếu người bo. Trong tác phẩm “Mười một phút” của nhà văn Paulo Coelho, một cô Philippines đã tử tế khi mách cho Maria rằng “Hãy nhớ, rên có thể kiếm thêm được 50 Franc”.

Nhưng người Bắc vốn không mấy hiểu chuyện này!

Ở miền Nam, bạn có thể thường xuyên nhìn thấy cảnh một bác xe ôm để lại tiền bo thì bạn cũng luôn gặp những người phục vụ ân cần, đon đả, bạn luôn nhìn thấy những nụ cười chân thành và nghe câu dạ, thưa, cám ơn... từ người dắt xe, cô phục vụ cà phê cho đến những ông chủ nhà hàng, khách sạn...

Còn ở miền Bắc, những người đang muốn bo nhìn thấy bộ mặt của một vài cô phục vụ thì cũng cắt ngay cơn hứng. Và người phục vụ thì luôn nghĩ "Mình có nhiệt tình thế chứ nhiệt tình nữa thì cũng chẳng được gì!". Vì bản thân họ có những người đi làm đến vài ba năm rồi cũng chưa bao giờ được bo. Thậm chí nếu bạn vào một quán cà phê hay nhà hàng ở Thành phố Vinh hoặc Thành phố Thanh Hóa, sau khi thanh toán bạn để lại bàn một vài đồng tiền lẻ thì cô phục vụ duyên dáng sẽ hớt hải đội đầu trần chạy trong cái nắng đổ lửa theo bạn ra tận ô tô để trả lại.

Câu chuyện #039;tiền bo#039; và văn hóa #039;bo#039; - 3

Nên học văn hóa tiền bo (ảnh minh họa)

Việc người Việt bo không đúng lúc, đúng nơi, đúng người... là vì thường những người hay bo và thoáng nhất chúng ta thường thấy là các cậu ấm, cô chiêu hoặc dân cờ bạc... tức là những đồng tiền không phải do họ kiếm được bằng sức lao động. Là người bo bản chất chưa đủ tư cách bo, và khi họ bo thì thái độ trịch thượng coi rẻ đồng tiền là đẳng cấp duy nhất mà họ có. Còn những người làm ra tiền, thậm chí rất nhiều tiền thì lại chẳng chịu bo. Những nơi đáng bo như người phục vụ nhà hàng, khách sạn, người phục vụ phòng, người xách đồ, người trông xe, dắt xe… thì không bo. Trong khi vào bar, bia ôm, massage, gội đầu, tắm truồng… lại bo quá nhiều. Không tin bạn cứ hỏi mấy người chuyên bê đồ cho khách ở khách sạn mà xem, có mấy khi họ được bo.

Tôi cũng không phải Nam, mà còn là Bắc Trung Bộ, là cái nơi gần như chẳng có nhiều người hiểu bo là gì. Đáng ra không nên nói hết cái hay cái đẹp của người mình ra, thiên hạ họ học mất. Nhưng không nói cũng chẳng được. Ngày tôi còn ở Sài Gòn, có ông Chủ tịch HĐQT, Tổng GĐ một doanh nghiệp có cỡ từ Vinh vào Sài Gòn công tác. Ngồi nhậu râm ran... Đến khi thanh toán, tôi trả tiền còn thừa đâu khoảng tám chục ngàn, xong ra xe chờ mãi không thấy ông ra. Điện thoại ông không nghe máy. Tôi tưởng ông đi vệ sinh...

Ai ngờ, một lúc sau ông hớn hở lên xe, khen đồ ăn ngon, khen phục vụ chu đáo, khen cô bé rót rượu xinh...

...Và đưa lại tôi bốn tờ hai mươi ngàn!

Xem bài cùng tác giả:

Thanh lọc cơ thể là phản khoa học? (Kỳ 1)

Thanh lọc cơ thể là phản khoa học? (Kỳ 2)

Rơi máy bay và chuyện... món Phở ở Việt Nam

Mỳ tôm 'cởi truồng'

Nếu muốn chồng yêu, chị em nên đọc bài này!

Sợ vợ là đức tính quí báu

Trẻ em và bệnh thành tích của người lớn (Kỳ 1)

Trẻ em và bệnh thành tích của người lớn (Kỳ 2)

Phạm Phú Quảng
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề 5 người trong một gia đình tử vong ở SG