'Đắng lòng' chuyện đi 'viếng đám ma thuê' của tôi

Ngày 30/09/2014 10:07 AM (GMT+7)

Cũng chẳng cần chờ lâu chỉ chừng 15 phút là đến lượt viếng. Với bộ mặt "trĩ ngoại", tôi nghiêm trang đặt phong bì, dâng một nén nhang, vái ba cái, đi vòng quanh linh cữu rồi ra ngoài.

'Phú quý sinh lễ nghĩa, bần cùng sinh đạo tặc!'

Câu thành ngữ này đúng với mọi thời đại, mọi thành phần ở mợi nơi. Và nặng nề nhất của vế đầu là người châu Á chúng ta bây giờ. Tuy nhiên việc rườm rà lễ nghĩa cũng không đến nỗi nhố nhăng và kệch cỡm như những thứ mà "phú" ngày nay đang đưa lại. Có thể nói ngày nay, nhất là Việt Nam, "phú" không biết có tạo ra "quý" được hay không nhưng chắc chắn là "phú" tạo ra "quyền lực" và "quyền lực" lại tạo ra "phú". Trong cái quá trình vận hành của cái vòng luẩn quẩn này, vô số sản phẩm phản cảm đã được tạo ra.

Nào là thuê chân dài về nhảy sexy tại hội nghị ngành y tế tỉnh, nào là thuê vũ nữ về nhảy sexy mừng chẵn tháng con...

Đặc biệt hơn nữa, sự biến tướng trong các hoạt động tận thu của đại đa số các gia đình quyền lực ngày nay đã đến mức trơ trẽn khôn cùng. Nào là ma chay giỗ chạp của khoảng sáu đời cả hai bên nội ngoại, nào là sinh nhật, chẵn tháng, đầy năm, thôi nôi, thôi bìm... cũng của khoảng sáu đời hai bên nội ngoại... Mà cái nào cũng to lớn, long trọng không kém gì đám cưới đại gia ngân hàng. Có lẽ chỉ còn ngày lễ tái mặc bỉm của các bậc phụ mẫu đại gia là chưa thấy ai đi tiên phong tổ chức mà thôi.

Cụ Vũ Trọng Phụng lúc sinh thời có lẽ cũng đã vận dụng hết trí tưởng tượng của mình mới cho ra được một "Đám tang cụ cố Hồng". Nhưng giờ đây nếu cụ có sống lại và may mắn được dự đám tang của một "quyến thuộc" nhà đại gia nào đó cũng phải tủi thân mà quay về tiên giới.

***

Bà mẹ ghẻ của vợ một đại gia nào đấy lúc còn sống chỉ là "con ở" trong nhà, nhưng khi bà có lỡ chán ghét cõi đời mà nhắm mắt xuôi tay thì lập tức nơi chín suối bà sẽ tha hồ ân hận tiếc nuối khi chứng kiến cảnh cháu con tỏ lòng hiếu thuận với bà. Vì bà sẽ được vinh danh, được trở thành một đại mẫu thân với "tam thập tòng, tứ thập đức"*, được một vị đức cao vọng trọng có khả năng diễn xuất đến mức xuất thần nhập quỷ nức nở đọc một bài diễn văn ngắn gọn, súc tích chỉ chừng tám trang giấy A4. Lại được một vị "đại đại đức" cầm đầu một lữ đoàn đại đức ngồi chắp vàng bắt nhịp tụng chừng hai chục bài kinh, cố gắng sao cho giọng thật trầm hùng, thật oai linh để Đức Phật, để Bồ Tát thấu mà độ trì cho cái phong bì gia chủ đang chuẩn bị trong kia được dày dặn hơn.

Xung quanh linh cữu là hai hàng dài nội ngoại, con cháu, chút chít xen lẫn vài ả khóc thuê rấm rức vò đầu, đấm ngực nhỏ lệ xót thương. Tuy nhiên nếu tinh ý sẽ rất dễ phát hiện ra đâu là vợ và anh chị em vợ gia chủ. Vì trong cơn thương đau tưởng chừng như tuyệt vọng thì ánh mắt họ vẫn rất tinh anh mỗi khi liếc nhìn hòm đựng phong bì phúng viếng.

Tiếp đến là hàng trăm đoàn thể, hàng ngàn cá nhân xiêm y tề chỉnh, nét mặt đượm buồn kiên nhẫn đợi đến lượt mình diễn. Rồi khi được diễn thì ai cũng mím chặt hai môi, kẻ nào trời phú cho bộ răng chìa thì cũng khéo léo một tay che lấy miệng, còn tay kia dâng phong bì viếng người xấu số chưa bao giờ biết mặt với tất cả lòng thành kính dành cho ông con rể đầy quyền lực của kẻ xấu số kia...

***

Đi viếng đám ma hay đi ăn cưới những người mình không thân quen đối với tôi là một cực hình. Thứ nhất, không hiểu sao, ngồi ăn trong đám cưới không lúc nào tôi thấy ngon. Thứ hai, đi viếng đám ma thì phải tỏ ra thương tiếc. Nhất là những đám ma "quan hệ" lại càng phải tỏ ra thương tiếc. Nhưng khổ nỗi đã là đám ma "quan hệ" thì phần lớn người chết mình không quen biết. Mà tôi lại thuộc dạng diễn xuất dở nên rất khó mà "tỏ ra" thương tiếc được.

Thế nhưng cũng có một lần tôi "vinh dự" được sếp chọn đi viếng đám ma thay sếp. Hôm đó đúng là ngày sao quả tạ của tôi. Đen đủ đường!

Nghe sếp tôi bảo phải đi viếng đám ma bà ngoại một ông A nào đó quan trọng lắm, nhưng ông lại bận đi họp. Tự dưng tôi linh tính có việc chẳng lành. Quả nhiên sếp tôi nhìn trước nhìn sau rồi chọn tôi, mặc dù tôi đã cố gắng toe toét cái miệng, nhe hết cả răng ra rồi mà ông vẫn không chọn cái lão trưởng phòng K mặt khó đăm đăm rất hợp với việc đi viếng đám ma kia. Tôi đành tự an ủi mình bằng một câu đùa:

- Anh làm cho em cái giấy giới thiệu nhé.

Sếp tôi gằn giọng:

- Mày liệu hồn giữ cái mặt cho ra cái vẻ thương tiếc chứ không phải nhăn nhở thế đâu. Bà ngoại của bác A đấy! Hai giờ chiều ở nhà tang lễ bệnh viện X. Tìm đám bà Tuyết mà viếng...

#039;Đắng lòng#039; chuyện đi #039;viếng đám ma thuê#039; của tôi - 1

Cả buổi trưa hôm đó tôi cứ vẩn vơ bồn chồn với cái đám ma của cái người mà mình chẳng quen biết này. (ảnh minh họa)

Phòng tài vụ giao cho tôi một chiếc phong bì dán kín như bưng. Nói trong đó là 10 triệu đồng. Còn đưa thêm 1 triệu đồng dặn đi dặn lại là phải đặt một cái vòng hoa thật to ghi dòng chữ "Công ty... vô cùng thương tiếc kính viếng".

Tôi cẩn thận lấy giấy bút ra ghi lại cho chắc ăn.

Cả buổi trưa hôm đó tôi cứ vẩn vơ bồn chồn với cái đám ma của cái người mà mình chẳng quen biết này. Tự dưng cứ thấy lo lo thế nào ấy. Tôi chạy về nhà thay bộ đồ sẫm màu là lượt tử tế. Đến cơ quan nhìn đồng hồ thấy còn sớm, tôi vào nhà vệ sinh ngắm vuốt lại cho chỉnh tề, nhân tiện nhìn vào gương thử diễn cái bộ mặt thương tiếc xem nó ra sao. Thử đi thử lại vẫn thấy cái mặt mình nó nhăn nhăn nhở nhở thế nào ấy. Tôi quyết định tưởng tượng ra bộ mặt của lão trưởng phòng K kia mà bắt chước. Tôi mím chặt hai môi, kéo xệ khoé miệng và cụp mắt xuống. Nhìn vào gương tôi lại thấy cái mặt tôi giống hệt mặt lão N bảo vệ mỗi khi bị bệnh trĩ ngoại hành hạ...

Nhưng thôi, dù sao trông cũng có vẻ phảng phất chút thương tiếc.

***

Công ty tôi cũng gần bệnh viện X, nhưng vì lo nên mười hai rưỡi tôi đã lên đường. Đến gần nhà tang lễ tôi đặt một vòng hoa thật to và đưa tờ giấy ghi dòng chữ "Công ty... vô cùng thương tiếc kính viếng" cho người bán để họ sơn chữ. Tôi ra quán trà đá ngồi chờ. Một giờ rưỡi tôi quay vào lấy vòng hoa. Khệ nệ bê đến nhà tang lễ thì phát hiện ra dòng chữ tôi đã rất cẩn thận ghi ra giấy thiếu mất hai chữ "vô cùng". Quay ra bảo người bán in lại chữ khác. Người này bảo là thế dài quá không ghi đủ. Tôi đành cho ghi thành hai băng vải rồi gắn thành hai hàng trên dưới.

Đến nhà tang lễ số 3, nhìn thấy tờ thông báo tin buồn ghi tên "cụ bà T. T. Tuyết" tôi yên tâm ghi tên xếp hàng. Điều ngạc nhiên là không giống những gì tôi tưởng tượng. Không có các ông bà tai to mặt lớn đứng chờ viếng. Không có đoàn thể này đoàn thể nọ rầm rộ xếp hàng. Không có bạt ngàn vòng hoa to lớn như sếp tôi tả. Cũng không thấy rồng rắn con cháu đứng khóc than. Tôi chỉ thấy có vòng hoa của công ty tôi là to nhất, sau đó đến vòng hoa của chi hội phụ nữ khối phố đứng thứ nhì.

Cũng chẳng cần chờ lâu chỉ chừng 15 phút là đến lượt viếng. Với bộ mặt "trĩ ngoại", tôi nghiêm trang đặt phong bì, dâng một nén nhang, vái ba cái, đi vòng quanh linh cữu rồi ra ngoài.

Với tâm trạng vừa hoàn thành một nhiệm vụ quan trọng, tôi chưa vội về công ty mà tự thưởng cho mình một chầu trà đá ngay cổng bệnh viện để hạ bớt cơn nóng nực. Vừa thưởng thức cốc trà đá mát lịm tôi vừa nheo mắt, nuốt nước bọt ngắm mấy cô "phong nhũ phì đồn"** vào ra nhộn nhịp nơi quán karaoke đèn sao hấp háy đối diện cổng bệnh viện. Sau chừng hai chục lần nuốt, sợ đau họng, tôi đành quay mặt đi chỗ khác. Chợt tôi nghe hai ông ngồi bên cạnh nói chuyện với nhau. Một ông nói:

- Chẳng biết bao giờ mới đến lượt ta, dễ phải có đến cả nghìn đoàn thể ấy nhỉ.

Ông kia gật gù và thêm vào:

- Sướng nhất là mấy đứa bán hoa. Cứ nườm nượp chở hết chuyến này đến chuyến khác...

Tôi nhìn kỹ lại hai ông này trạc tuổi trung niên, com lê cà vạt thẳng tắp, trên ngực áo có cài phù hiệu "Tổng công ty Z".

Tôi giật mình vội hỏi:

- Chào hai bác, hai bác nói đám tang cụ nào thế ạ?

Hai ông này ngước mắt nhìn tôi rồi một ông ngao ngán nói:

- Đám bà ngoại bác A. Chú vòng ra sau nhà tang lễ số 1 mà xem. Toàn hoa với người, chẳng có chỗ mà chen chân...

Mặc cho các cô "phong nhũ phì đồn" vẫn nhộn nhịp vào ra, mặc cho trời nắng chang chang, mắt tôi tối sầm, cốc trà đá tuột khỏi tay bắn tung toé ướt cả đôi giày đen bóng tôi vừa đánh.

Tôi lảo đảo chạy vòng ra nhà tang lễ số 1. Ngay trước cửa dán một bức cáo phó to như cái chiếu đôi. Đập vào mắt tôi là dòng chữ cụ bà T.K. TUYẾT

... Không biết bằng cách nào, tôi có mặt tại phòng tài vụ công ty. Chị kế toán trưởng hỏi:

- Mày đi viếng đám tang sao về sớm thế? Tao tưởng mày phải chờ đến tối chứ?...

Tôi gãi đầu gãi tai:

- Chị ơi, em cắn rơm, cắn cỏ lạy chị! Chị cho em vay 10 triệu gấp...

...

Cầm 10 triệu, tôi xin phòng hành chính một chiếc phong bì công ty, cho tiền vào cẩn thận rồi thè lưỡi liếm mép phong bì và đi ra cổng. Tôi liếm đi liếm lại vẫn không ướt nổi lấy một cm. Không hiểu do mấy cô "phong nhũ phì đồn" hay do cụ bà T.T Tuyết? Đành vào phòng bảo vệ xin lão N chút nước lọc để dán phong bì. Vừa thấy mặt tôi, lão N mặt hớn hở:

- Sao, mày cũng bị trĩ rồi à? Nội hay ngoại? Đã bảo rồi, đừng có mà bia rượu tràn lan...

...

- Vâng, em bị trĩ toàn thân rồi bác ạ!

Hà Nội, ngày 20 tháng 09 năm 2014.

*Nguyên văn là "Tam tòng, tứ đức"

**Tác phẩm "Phong nhũ phì đồn" (nghĩa là mông to vú lớn) của nhà văn Mạc Ngôn.

Xem bài cùng tác giả:

Câu chuyện 'tiền bo' và văn hóa 'bo'

Rơi máy bay và chuyện... món Phở ở Việt Nam

Mỳ tôm 'cởi truồng'

Nếu muốn chồng yêu, chị em nên đọc bài này!

Sợ vợ là đức tính quí báu

Trẻ em và bệnh thành tích của người lớn (Kỳ 1)

Trẻ em và bệnh thành tích của người lớn (Kỳ 2)

Thanh lọc cơ thể là phản khoa học? (Kỳ 1)

Thanh lọc cơ thể là phản khoa học? (Kỳ 2)

Phạm Phú Quảng
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin bài cùng chủ đề 5 người trong một gia đình tử vong ở SG