"Nước Đức xa xôi từng là ước mơ của cha nhưng cha không muốn bỏ lỡ điều quan trọng nhất cuộc đời mình, chính là gia đình. Cha tin rằng nếu bản thân làm tốt, ở đây cha cũng có thể phát triển được sự nghiệp của mình."
Cha tôi từng là một người chàng trai có tiếng ở vùng bởi sự khéo léo, chăm chỉ. Cha kể đã phải lòng mẹ tôi ngay từ lần gặp đầu tiên, khi nhìn mẹ tôi cười một cách sảng khoái mà không hề e ngại. Cha bảo sự chân chất, thật thà không chút tô vẽ chính là điều cả đời ông luôn yêu ở bà.
Mẹ tôi không được lòng ông bà nội nếu không muốn nói là hồi đó ông bà tôi cấm cản chuyện kết hôn của hai người. Cha tôi đã ra sức thuyết phục để có thể nên duyên với người con gái mà ông yêu. Một đám cưới tổ chức sơ sài, thậm chí không có sự xuất hiện đầy đủ của nhà trai là điều mà cha tôi luôn áy náy với mẹ.
Cha tôi là cháu đích tôn trong nhà, chính vì vậy chuyện chỉ đẻ được một đứa con gái càng khiến mẹ tôi trở nên không vừa mắt đối với nhiều người. Thế nhưng cha tôi vẫn luôn như vậy, luôn là người đứng ra và bảo vệ mẹ con tôi. Suốt cuộc đời này, tôi luôn cảm ơn cha vì những bài học cha đã dành cho mình mà chẳng trường học nào dạy cả.
Món cá kho "hun khói"
Cha tôi rất thích ăn cá kho, ông có thể ăn liền 3 bát cơm nếu bữa đó có xuất hiện đĩa cá kho với trám. Tất nhiên mẹ tôi biết điều này và đây cũng là món ăn rất hay xuất hiện trong bữa cơm gia đình tôi.
Nếu như mọi người hay tấm tắc khen tài nấu nướng của mẹ mình thì tôi thực lòng không thể nào nói điều đó. Mẹ tôi không phải là người phụ nữ của bếp núc, những bữa cá kho cháy đen phần dưới cũng chẳng lạ gì với bố con tôi.
Tôi còn nhớ hôm đó trời rất lạnh, cha tôi vẫn phải đi làm. Khi vừa về nhà, nhìn mâm cơm với đĩa cá kho đã sém phần dưới, cha không nói lời nào trách móc mà hô hào mọi người nhanh nhanh vào bữa cơm và không quên cảm ơn mẹ về món cá kho.
Một lần hai cha con ngồi trò chuyện, tôi đã kể về những bữa cá kho cháy đen của mẹ với thái độ rất không hài lòng. Tôi thật sự không biết mẹ để tâm ở đâu mà cho ra đời món cá kho như vậy. Và những câu nói của cha khi đó đã khiến tôi suốt cuộc đời này chẳng thể nào quên.
"Mẹ con cũng như cha, cũng phải đi làm và mẹ còn vất vả hơn cha nhiều khi chăm sóc cho gia đình này. Nồi cá kho cháy đó đâu có sao, mình gắp những phần không cháy để ăn là được mà. Mẹ đã vất vả nấu những món ăn cho hai cha con ta, mẹ còn biết cha rất thích ăn cá kho, cha rất trân trọng điều đó.
Một lời chê bai, dù cố ý hay không cũng sẽ khiến người khác rất tổn thương. Không ai hoàn hảo cả, mẹ, cha hay con đều vậy. Mẹ kho cá không ngon, cha thì chẳng thể nhớ nổi những ngày quan trọng trong nhà hay nhớ rõ sở thích của mỗi người."
Những câu nói của cha năm ấy đã giúp tôi biết trân trọng những điều giản dị nhất. Mỗi sáng thức dậy, tôi đều cảm ơn đời vì đôi mắt còn có thể mở, đôi chân có thể đi, miệng có thể nói những lời thương yêu. Món canh dù quên bỏ muối của chồng nhân ngày 8/3 cũng đủ khiến tôi ấm lòng vì sự quan tâm mà anh dành cho mình.
Từ bỏ cơ hội đổi đời để dành thời gian bên gia đình
Năm tôi mới học tiểu học, cha có cơ hội được ra nước ngoài làm việc trong 5 năm. Ngày ấy đây là cơ hội hiếm có mà không phải ai cũng có được. Mọi người đều đinh ninh rằng cha tôi sẽ chớp lấy thời cơ đó, đi 5 năm rồi trở về với số tiền giúp gia đình đổi đời.
Tôi ngày ấy còn nhỏ lắm, đâu biết tiền giá trị thế nào. Nghe chuyện bố sẽ ra nước ngoài, tôi buồn lắm mà mẹ ngăn không cho khóc trước mặt cha. Tôi đã viết những dòng chữ đẫm nước mắt vào một tờ giấy. Nào là tôi sẽ đi công viên cùng cha, tôi sẽ tắm mưa cùng cha, cha sẽ mua cho tôi một con búp bê thật đẹp, cha sẽ đưa tôi đi học... khi cha về nước. Ông bà nội không thân thiết với mẹ, nay cha lại đi xa, với đứa trẻ 10 tuổi là tôi khi đó, mọi cánh cửa như đóng sập.
Thế rồi năm đó, cha đột ngột nhường lại cơ hội ra nước ngoài cho người khác. Mãi sau này tôi mới biết trước ngày quyết định cha đã vô tình đọc được tờ giấy viết của tôi và chứng kiến mẹ thút thít khóc trong nhà tắm.
"Nước Đức xa xôi từng là ước mơ của cha nhưng cha không muốn bỏ lỡ điều quan trọng nhất cuộc đời mình, chính là gia đình. Cha tin rằng nếu bản thân làm tốt, ở đây cha cũng có thể phát triển được sự nghiệp của mình."
Thái độ quyết định cuộc sống
Cha là người luôn lạc quan, lạc quan một cách tôi cảm thấy khó hiểu. Ông chính là người đã khiến tôi phải thay đổi sự nóng nảy, bốc đồng trong mình.
Lần đó tôi đưa con trai về quê thăm ông bà hai bên nội ngoại. Vì tính chất công việc nên tôi vẫn phải làm việc cuối tuần. Đang bù đầu với những lời thúc giục, deadline thì sắp đến, từ dưới bếp vang lên một tiếng "choang".
Con trai tôi đang đứng dưới bếp bên cạnh đống đĩa vỡ tan tành. Cơn giận trong người tôi bốc lên. "Vì sao con lại nghịch ngợm như vậy? Con có biết mẹ đang rất bận không? Sao mẹ nói con ngồi im mà con không nghe lời?..."
Hàng loạt câu nói được tuôn ra, thằng bé không nói lời nào mà chỉ khóc. Cha từ trong phòng chạy ra, bảo cháu ngoại đi ra với bà rồi từ từ nhặt từng mảnh vỡ.
"Cha biết là con đang rất vất vả để xoay sở với cuộc sống này nhưng khi nhìn thấy chiếc đĩa vỡ, con có hỏi thằng bé sao lại với đĩa để làm gì không? Nó muốn lấy đĩa để mang táo vào cho con đấy. Nó bảo với ông bà rằng mẹ nó rất vất vả, nó sẽ mang táo cho mẹ để mẹ có nhiều sức khoẻ.
Cuộc sống này đẹp hay xấu là tuỳ vào thái độ của ta. Chiếc đĩa đã bị vỡ nhưng chẳng phải thật may là không có ai bị làm sao phải không? Thay vì mắng nhiếc thằng bé, con có thể hỏi vì sao thằng bé làm vậy, dạy thằng bé cẩn thận hơn trong những lần tới".