Khó khăn nào rồi cũng sẽ qua đi, điều chúng ta cần làm giờ đây là sẵn sàng cho xu hướng bình thường mới, thực hiện những thay đổi để thành công trong năm 2021, ngay cả trong hoàn cảnh đầy thách thức, khó khăn.
Rất nhiều người trong chúng ta có thể nói rằng bản thân mình cần xây dựng chế độ sinh hoạt hợp lý hơn, dành thời gian nghỉ ngơi nhiều hơn, ăn uống lành mạnh hơn và không ôm đồm nhiều việc gây giảm hiệu quả... Tuy nhiên thực tế thì đa phần chúng ta khó lòng có thể vượt qua những thú vui gây xao nhãng và lặp đi lặp lại những thói quen không mang lại giá trị cho bản thân.
Năm 2020, đại dịch COVID-19 đã gây ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh, khiến chúng ta dần quen với việc làm việc từ xa, dự trữ nhiều thực phẩm ăn liền trong nhà và dành nhiều thời gian hơn cho tivi, điện thoại thông minh để hạn chế sự gặp mặt, tiếp xúc.
Hãy nhớ rằng, khó khăn nào rồi cũng sẽ nhanh qua đi, điều chúng ta cần làm giờ đây là sẵn sàng cho xu hướng bình thường mới, thực hiện những thay đổi để thành công trong năm 2021, ngay cả trong hoàn cảnh đầy thách thức, khó khăn.
1. Ngừng phàn nàn về công việc
Phàn nàn là một trong những động lực tinh thần mạnh mẽ nhất tồn tại trong các nền văn hóa khác nhau. Tuy nhiên, phàn nàn là điều có hại cho năng suất làm việc của bạn, đặc biệt là phàn nàn về công việc.
Hãy bắt đầu từ tiền đề của việc phàn nàn, đó là khi xuất hiện một vấn đề nào đó khiến bạn cảm thấy thất vọng. Sự căng thẳng về tinh thần này dường như sẽ được giải quyết khi bạn thể hiện ra bằng lời nói. Có thể nói, phàn nàn là một cách giải tỏa tâm trí căng thẳng của chúng ta. Đó cũng là lý do nhiều người không ngừng phàn nàn về công việc hiện tại của mình dù sự thật thì điều này chỉ khiến họ kéo dài sự căng thẳng và thất vọng.
Hãy nhớ, phàn nàn không giải tỏa được cảm xúc, thậm chí nó còn khiến tâm trí bạn tăng thêm áp lực. Khi bạn bắt đầu định phàn nàn về công việc của mình, đó là lúc bạn nên nói chuyện với người quản lý của mình hoặc tìm một công việc mới tốt hơn.
2. Đừng so sánh bản thân với người khác
Tất cả chúng ta đều có những suy nghĩ và hoàn cảnh xã hội khác nhau. Đó là lý do tại sao chúng ta chỉ nên so sánh bản thân với chính mục tiêu, mong muốn của cá nhân mình thay vì so sánh bản thân với người khác. Bạn không thể so sánh một con cá và một con thỏ trong một cuộc thi bơi và nói rằng, thỏ kia thật không có năng lực.
Mỗi sự tiến bộ qua từng ngày, dần hoàn thiện bản thân chính là điểm tích cực mà bạn cần tự hào về chính mình và lấy đó làm động lực để tiến lên phía trước.
3. Đặt mục tiêu cụ thể
Mỗi chúng ta đều cần đặt ra một số mục tiêu nghề nghiệp. Nếu bạn chỉ làm công việc của mình mà không có bất kỳ mục tiêu cụ thể nào, bạn sẽ không có động lực phía sau để thúc đẩy chính mình tiến về phía trước. Thêm vào đó, tiến độ của bạn sẽ chậm hơn nhiều khi bạn không tự đặt ra một hay nhiều cột mốc quan trọng phía trước để phấn đấu.
Khi đặt ra mục tiêu cho mình, hãy chọn ra những khoảng thời gian khác nhau như mục tiêu ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Đó có thể là mục tiêu về tài chính, kỹ năng nghề nghiệp và cuộc sống cá nhân của bạn. Càng dành nhiều thời gian để suy nghĩ và lập kế hoạch, bạn càng có nhiều khả năng đạt được, hiện thực hoá các mục tiêu. Những người thành công luôn lập kế hoạch hàng tháng, hàng tuần, thậm chí là hàng ngày. Đó là cách họ khiến công việc hàng ngày của mình hiệu quả hơn.
4. Đừng phá bỏ những mối quan hệ công việc cũ
Việc phàn nàn liên tục có thể làm gia tăng cảm giác thất vọng trong bạn. Khi bạn gặp những vấn đề trong công việc như bị trả lương thấp, môi trường thiếu chuyên nghiệp... bạn dễ có xu hướng muốn cắt đứt hoàn toàn liên lạc với nơi đó khi tìm được một công việc mới. Xét về lâu về dài, đây là một điểm tiêu cực mà chúng ta cần cố gắng thay đổi.
Nếu bạn đã dành thời gian để gắn bó với một nơi, chắc chắn bạn đã có thiết lập những kết nối xã hội và nghề nghiệp nhất định. Sẽ rất lãng phí thời gian và tài nguyên khi bạn cố xóa đi tất cả liên lạc về họ.
Hãy giữ thái độ lịch sự và thân thiện cho đến ngày làm việc cuối cùng và đừng cắt liên lạc khi đã chuyển sang một công việc mới. Bạn không bao giờ có thể biết được tương lai sẽ mang lại điều gì, biết đâu bạn và người đó sẽ giúp ích được cho nhau trong tương lai.
Bên cạnh đó, bạn cần biết rằng đôi khi nhà tuyển dụng sẽ tìm hiểu thêm về nhân viên mới tiềm năng của mình từ những người quản lý trước của họ. Nếu bạn rời đi với tâm thế đầy tiêu cực, rất có thể bạn đang tự đóng lại cánh cửa với công việc mới của mình.
5. Không đánh giá thấp trình độ học vấn của bản thân
Sự phát triển nhanh chóng của lập trình và phát triển web khiến thị trường lao động không khỏi xáo trộn. Nhiều người muốn và thậm chí đã dành thời gian để có thể học lại từ đầu, thay đổi định hướng để trở thành người phát triển phần mềm cho kịp với xu hướng. Tuy nhiên hãy nhớ rằng, điều này sẽ thay đổi qua các năm và thế giới này vẫn luôn cần những ngành nghề khác.
Đó là lý do vì sao bạn cần tôn trọng trình độ học vấn cũng như kỹ năng làm việc của mình. Dù bạn là thợ thủ công, giáo viên, bác sĩ hay thợ làm tóc... hãy tự hào về công việc của mình.
Nếu thị trường lao động bão hòa với nghề của bạn, hãy nghĩ đến việc cung cấp dịch vụ của mình theo một cách khác khác, mới mẻ và thú vị hơn. Bạn có thể cung cấp thêm nhiều dịch vụ hơn nhưng đừng từ bỏ nghề nghiệp chính của mình. Một giáo viên ngoại ngữ có thể lấn sân thêm phiên dịch, biên dịch và một người bán hàng hoàn toàn có thể đứng lớp đào tạo những người khác về kỹ năng bán hàng.
Điều quan trọng hơn cả là chúng ta cần chủ động trong mọi hoàn cảnh. Nếu bạn nghĩ rằng nghề nghiệp của mình đang bị hạn chế bởi cuộc khủng hoảng hiện tại, hãy nghĩ đến việc bản thân cần có những kỹ năng mới nào để có thể giúp ích phát triển bản thân.
6. Sử dụng các khoảng thời gian nghỉ hiệu quả hơn
Khoa học đã chứng minh rằng thời gian nghỉ giải lao có lợi cho năng suất của người lao động. Mỗi khoảng thời gian nghỉ là lúc bạn để cho tâm trí mình hướng đến các hoạt động khác và đó là cách giúp chúng ta cảm thấy thư giãn hơn.
Tuy nhiên, một trong những sai lầm của nhiều người chính là lãng phí thời gian nghỉ ngơi chỉ để đọc những tin tức tầm phào, lá cải. Hãy cố gắng sử dụng thời gian nghỉ của mình một cách hữu ích hơn. Đó có thể là đọc một vài trang sách, học một vài từ mới của ngôn ngữ nào đó hay đơn giản là nghe nhạc thư giãn... Càng lấy lại nhiều năng lượng trong những khoảng thời gian nghỉ này, năng lượng tiềm năng của bạn cho phần còn lại của ngày làm việc sẽ càng cao hơn.
7. Ngừng ăn quá no sau giờ làm việc
Không thể phủ nhận những lợi ích mà làm việc từ xa đem lại nhưng chúng ta cần thừa nhận rằng khi làm việc ở nhà, thói quen ăn uống của bản thân có thể gặp nhiều trục trặc. Bạn dễ kết thân với những đồ ăn vặt nhiều đường và không lành mạnh hay bỏ bữa vì ngại nấu nướng hoặc ăn quá nhiều sau một ngày làm việc mệt mỏi và nhanh chóng đi vào giấc ngủ.
Không có thói quen nào trong số những thói quen này có lợi cho năng suất và sự thành công của bạn. Việc bỏ bữa, ăn đồ ăn không lành mạnh hay ăn quá nhiều sẽ gây ra những ảnh hưởng xấu cho sức khoẻ và giảm năng suất lao động. Tốt nhất, dù làm việc ở đâu cũng hãy xây dựng cho mình chế độ ăn uống lành mạnh với đủ các bữa.
8. Bỏ thói quen xem nhiều
Các trang web và dịch vụ phát trực tuyến ngày càng phát triển, chúng ta từ mọi lứa tuổi, từ già đến trẻ ngày càng dành thời gian nhiều hơn để thư giãn thông qua các ứng dụng giải trí, mạng xã hội, chương trình tivi... Trong điều kiện hạn chế gặp gỡ, tiếp xúc vì dịch bệnh, chúng ta càng dễ rơi vào cái bẫy "đốt" thời gian vào việc nằm dài trên giường lướt mạng xã hội và điều này chắc chắn sẽ không tốt chút nào cho sự nghiệp trong tương lai của bạn.
Hãy giữ cho mình nhịp sinh hoạt bình thường trong mọi hoàn cảnh làm việc. Bạn có rất nhiều cách để sử dụng thời gian trống, vừa giúp bản thân thư giãn lại hữu ích hơn như học nấu vài món ăn mới, tập thể dục ngay ở trong nhà hay cùng con cái tự làm một số đồ chơi...
9. Học cách thiết lập ranh giới giữa công việc và cuộc sống
Dù làm việc ở nhà đem lại nhiều lợi ích và rất thoải mái khi bạn không phải mất nhiều thời gian cho việc đi lại, không phải chứng kiến cảnh kẹt xe mỗi ngày và có nhiều thời gian hơn dành cho gia đình song nó cũng có những nhược điểm nhất định.
Nếu bạn dành quá nhiều thời gian để thư giãn, cách làm việc này thực sự có thể giết chết năng suất của bạn. Lũ trẻ hay các thành viên khác trong gia đình có thể tiếp tục làm phiền bạn khi bạn đang cố gắng hoàn thành một nhiệm vụ đầy thử thách hay đơn giản là một chiếc ghế mộng mơ bên cửa sổ cũng có thể khiến bạn mất tập trung.
Bên cạnh đó, làm việc từ xa cũng có thể làm mờ ranh giới giữa văn phòng và gia đình, khiến chúng ta không phân định được thời gian làm việc và thời gian ở nhà, khiến bạn bị xáo trộn và giảm năng suất, hiệu quả làm việc.
Hãy học cách thiết lập ranh giới giữa công việc và cuộc sống để đảm bảo hiệu quả của từng việc. ĐIều này sẽ khiến bạn không còn rơi vào mớ bòng bong với đống việc nhà hay bị trói buộc vào bàn làm việc cả ngày lẫn tối để hoàn thành công việc.