Tất cả những phong tục “nhập môn” này của cô dâu mới đều thể hiện niềm hy vọng của người Trung Hoa xưa về một tổ ấm mới thuận hòa, hạnh phúc!
Nói đến văn hóa tín ngưỡng của người Trung Hoa, họ rất coi trọng phong thủy, coi trọng “nhà cửa”. Họ cho rằng mỗi vị trí trong ngôi nhà đều có một vị thần canh giữ: Giường có thần giường, đèn có thần đèn, bếp có thần bếp…Cửa cũng có thần cửa, thần cửa sẽ canh giữ, bảo vệ ngôi nhà khỏi sự xâm phạm của người lạ. Chính vì thế, cô dâu khi về nhà chồng, muốn “nhập gia” sẽ phải trải qua nhiều “thủ tục” để xin phép thần cửa!
Cô dâu sẽ phải trải qua nhiều “thủ tục” để xin phép thần cửa
Điều kiêng kị nhất của cô dâu mới đó là giẫm lên ngưỡng cửa. Ngưỡng cửa, hay còn gọi là “Môn hạn”, là ranh giới của một ngôi nhà. Thông thường khách đến nhà chơi cũng rất kiêng kị việc giẫm chân lên ngưỡng cửa. Nếu như cô dâu mới vô tình giẫm phải ngưỡng cửa, đây quả là điềm xấu, cô dâu sẽ mang theo xui xẻo, thậm chí là sát khí đến nhà chồng! Người Trung Quốc có câu “Khoa đắc quá, hoạt bách nhị tuế” (Bước được qua ngưỡng cửa, thọ đến một trăm linh hai tuổi) để nhắc nhở những cô dâu mới về điều kiêng kị này.
Người xưa kiêng kị giẫm lên ngưỡng cửa
Tuy nhiên thực tế, cũng có những người phụ nữ cá tính mạnh mẽ, không tuân phép tắc, khi “nhập môn” cố ý giẫm chân lên ngưỡng cửa. Họ cho rằng làm như vậy sau này sẽ không phải sống cuộc sống dựa dẫm, khép nép trong gia đình nhà chồng!
Sử sách có viết, vào đời Tống, để tránh việc cô dâu giẫm lên ngưỡng cửa, cô dâu có thể ngồi trên yên ngựa, hay ngồi trong kiệu qua khiêng qua cửa. Phong tục này nhằm cầu mong sự “bình an”!
Cô dâu có thể ngồi trong kiệu hoa để khiêng qua cửa
Dân tộc Đồng ở Trung Quốc lại có những “thủ tục nhập môn” kỳ lạ. Họ thường tổ chức đám cưới vào nửa đêm. Phù dâu sẽ dắt cô dâu qua cửa, nhưng gia đình chú rể phải nấp sau cánh cửa, tuyệt đối không được nhìn trộm, để tránh sau này gia đình xảy ra bất hòa. Sau khi cô dâu bước qua cửa, một người phụ nữ lớn tuổi trong gia tộc sẽ mang một chiếc xô nhỏ đựng nước, vốn là biểu tượng cho sự lao động, giao lại cho cô dâu. Lúc này cô dâu phải xách xô nước tiến vào trong lễ đường, đặt xô nước sang bên trái phòng, rồi ngồi dựa lưng vào chiếc cột lớn nhất trong phòng. Đợi khi người phù dâu cũng bước qua cửa, cô dâu mới được đứng lên, đi lại một cách thoải mái!
Ở một số dân tộc ít người lại có tục “cướp dâu”, tức là bạn bè cô dâu sẽ “cướp” cô dâu khỏi nhà chồng. Chú rể phải mang lễ vật đến để “chuộc” lại vợ. Cô dâu sau khi được “chuộc” về, kiêng kị đi thẳng vào nhà chồng, mà phải đi lại vài vòng quanh một đống lửa đốt ngoài sân trước khi tiến vào nhà. Điều này được cho rằng sẽ xua đi xui xẻo và tà khí!
Tất cả những phong tục “nhập môn” này của cô dâu mới đều thể hiện niềm hy vọng của người Trung Hoa xưa về một tổ ấm mới thuận hòa, hạnh phúc!