Tống Mỹ Linh: Tưởng Giới Thạch vừa thấy bà đã yêu mê mệt (Kỳ 2)

Ngày 17/03/2016 00:06 AM (GMT+7)

Ngay từ cái nhìn đầu tiên, Tưởng Giới Thạch đã mê mệt Tống Mỹ Linh và tìm mọi cách để chinh phục bà.

Tống Mỹ Linh đã gặp Tưởng Giới Thạch năm 1920. Do bà thua Tưởng Giới Thạch 10 tuổi, Tưởng Giới Thạch đã kết hôn và là một người theo Phật giáo nên mẹ của Tống Mỹ Linh kịch liệt phản đối cuộc hôn nhân này.

Lần đầu tiên Tưởng bước chân vào tư dinh nhà họ Tống là vào một tối tháng 12 năm 1920. Bấy giờ, với danh nghĩa kẻ phò tá trung thành của Tôn Trung Sơn, Tưởng Giới Thạch được mời tới dự buổi dạ hội do Tống Tử Văn (anh trai Tống Mỹ Linh) tổ chức. Tại đây, Tưởng Giới Thạch được giới thiệu làm quen với Tống Mỹ Linh và ngay lập tức, nhan sắc và phong thái của tiểu thư họ Tống đã làm ông mê đắm.

Biết được Tống Mỹ Linh chính là em vợ của Tôn Trung Sơn nên Tưởng Giới Thạch đã ra sức vận động Tôn Trung Sơn mai mối em mình cho mình. Ông cũng nhờ Tôn Trung Sơn nói với vợ mình để cho họ cơ hội gặp nhau.

Tống Mỹ Linh: Tưởng Giới Thạch vừa thấy bà đã yêu mê mệt (Kỳ 2) - 1

Tưởng Giới Thạch và Tống Mỹ Linh trong ngày cưới (Ảnh internet)

Qua sự sắp xếp của Tống Ái Linh, Tưởng Giới Thạch từ Quảng Châu lên Thượng Hải và gặp Tống Mỹ Linh ở một quán cà phê. Vì là người khá mạnh dạn nên ông đã chủ động nắm lấy tay của Mỹ Linh và nói yêu bà. Dù Mỹ Linh đã rút tay từ chối nhưng Tưởng Giới Thạch đã hiểu được tâm tư của người  phụ nữ ngồi đối diện, và vì quá mê đắm bà nên ông đã bằng mọi cách thuyết phục, nói rằng, ông sẽ có một tương lai rạng rỡ, so với người chồng chưa cưới của bà thì sẽ sáng lạn hơn nhiều. Tưởng Giới Thạch đã đánh đúng tâm lý của Mỹ Linh về việc này nên bà rất do dự và đã khóc trước mặt Tưởng Giới Thạch.

Kể từ tháng 5/1924, sau khi được ủy nhiệm làm Hiệu trưởng Trường Quân sự Hoàng Phố, con đường quan lộ của Tưởng Giới Thạch thăng tiến vùn vụt. Đến tháng 7/1926, ông ta đã vươn tới vị thế Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Trung ương Quốc dân Đảng, Tổng tư lệnh Bắc phạt quân, tập trung mọi quyền lực của Đảng, quân đội trong tay. Tháng 3/1927, Tưởng đưa quân tiến đến Nam Kinh, Thượng Hải. Tháng 4 năm đó, tại nhà họ Tống, một lần nữa Tưởng cầu hôn với Tống Mỹ Linh.

Lại một thời kỳ dài chinh phục người đẹp, đưa nàng đi du lịch, bằng mọi cách để khiến trái tim Mỹ Linh rung động của Tưởng Giới Thạch. Cuối cùng ông cũng chinh phục được trái tim người đẹp. Chỉ là gia đình bà không chấp nhận, nhất là người mẹ của Tống Mỹ Linh, bà không chấp nhận cuộc hôn nhân này vì Tưởng Giới Thạch đã có vợ.

Mãi về sau, bà cũng phải đồng ý do Tưởng đã chứng minh mình đã ly hôn và hứa sẽ chuyển từ đạo Phật qua Kitô giáo. Tưởng Giới Thạch nói với mẹ vợ tương lai rằng mình không thể một sớm một chiều thay đổi tôn giáo được vì tôn giáo cần phải giác ngộ từ từ, không phải nhanh như uống một viên thuốc.

Tống Mỹ Linh: Tưởng Giới Thạch vừa thấy bà đã yêu mê mệt (Kỳ 2) - 2

Bà Tưởng đã khởi xướng Phong trào nếp sống mới và đã trở nên tích cực trong hoạt động chính trị Trung Hoa. (Ảnh internet)

Tống Mỹ Linh trở thành bà Tưởng, người đàn bà quyền lực ngút trời sau đó... Cuộc đời của bà từ đây cũng lắm thăng trầm.

Bà Tưởng đã khởi xướng Phong trào nếp sống mới và đã trở nên tích cực trong hoạt động chính trị Trung Hoa. Bà là một nghị sỹ của Viện Lập pháp từ năm 1930 đến năm 1932 kiêm Tổng Thư ký của Ủy bản Vụ hàng không Trung Quốc từ năm 1936 đến năm 1938. Năm 1945, bà đã trở thành ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Quốc Dân Đảng. Khi chồng bà lên chức Tổng tư lệnh kiêm lãnh đạo của Quốc Dân Đảng, bà Tưởng đã làm phiên dịch tiếng Anh kiêm thư ký và cố vấn cho Tưởng Giới Thạch.

Bà là Nàng thơ, đôi mắt, đôi tai và đặc biệt là nhà quán quân trung thành nhất của Tưởng. Trong thời kỳ Thế chiến thứ hai, bà đã cố gắng xúc tiến sự nghiệp của Trung Hoa và xây dựng một di sản cho chồng mình ngang hàng với Roosevelt, Churchill và Stalin. Do am hiểu sâu về văn hóa Trung Hoa và phương Tây, bà đã trở nên nổi tiếng ở Trung Quốc và ở nước ngoài. Sự nổi bật của bà đã khiến Joseph Stilwell nói châm biếm rằng đáng lẽ ra phải bổ nhiệm bà làm bộ trưởng quốc phòng.

Làm việc không biết mệt là một đức tính của Tống Mỹ Linh. Ngoài nhiệm vụ chính là làm phiên dịch Anh văn cho Tưởng Giới Thạch, bà còn giữ rất nhiều chức vụ khác, ngày nào cũng bận rộn từ sáng đến đêm.

Việc Tống Mỹ Linh miệt mài làm việc như thế ngoài tham vọng quyền lực ra, còn phải nói đến quan niệm của bà: Làm việc khiến con người ta khoẻ ra. Bà nói: Lười biếng là kẻ thù của cuộc sống. Muốn cây đời xanh tươi thì phải thường xuyên làm việc để phòng tránh trí óc suy giảm, giữ cho thân tâm khoẻ mạnh. Mỗi khi gặp vấn đề gì không vui, bà không giữ trong lòng mà tìm người tâm sự để giải tỏa mọi nỗi u uất.

Trong khi nhiều nhà viết tiểu sử xem cuộc hôn nhân này là một trong những cuộc hôn nhân vì tình yêu vĩ đại nhất mọi thời đại, những nhà viết tiểu sử khác lại coi đây là một cuộc hôn nhân vụ lợi. Sau khi kết hôn Tống Mỹ Linh đã mang thai nhưng sau đó đã bị sảy thai. Do trình độ chuyên môn thấp của bác sĩ điều trị đã để lại di chứng nên bà đã mất khả năng thụ thai sau đó.

Tống Mỹ Linh: Tưởng Giới Thạch vừa thấy bà đã yêu mê mệt (Kỳ 2) - 3

Người đàn bà quyền lực Tống Mỹ Linh (Ảnh internet)

Sau khi kết hôn, Tống Mỹ Linh và Tưởng Giới Thạch hoàn toàn độc lập về kinh tế, thực hiện theo chế độ “chia đôi toàn bộ” của người Mỹ. Vào năm 1927, Tống Mỹ Linh có một căn phòng riêng thuộc tô giới của người Pháp, là của hồi môn khi bà kết hôn với Tưởng Giới Thạch.

Sau này, còn nhiều lời đồn về những mối tình vụng trộm của Tưởng Giới Thạch khiến bà rất mệt mỏi. Nhiều lần bà nói rằng không muốn sống với  Tưởng Giới Thạch nữa và cảm thấy chán nản cuộc sống hiện tại với ông và còn thú nhận vợ chồng bà rất ít chung chăn gối.

Kể từ sau khi Tưởng Giới Thạch qua đời năm 1975, những nỗ lực của Tống Mỹ Linh nhằm kiểm soát Quốc dân Đảng không đem lại kết quả nào. Bà quyết định sang Mỹ định cư nhưng vẫn không hoàn toàn rời bỏ nền chính trị Đài Loan. Năm 1988, bà trở lại hòn đảo này để tập hợp các đồng minh cũ sau khi người con trai của Tưởng Giới Thạch là Tưởng Kinh Quốc qua đời. Nhưng bà lại một lần nữa thất bại do xu hướng “bản địa hoá” nền chính trị đã bắt đầu nổi lên tại Đài Loan.

Về sau, bà dành phần lớn thời gian tại căn hộ ở hạt Manhattan, New York hoặc dinh thự của gia đình tại Lattingtown, khu ngoại ô Long Island dành riêng cho giới nhà giàu, cách New York 56 km về phía Đông. Đến năm 1998, Tống Mỹ Linh chuyển hẳn về căn hộ ở hạt Mahattan cùng với hai vệ sĩ có nhiệm vụ dọn đường cho bà mỗi khi tới toà nhà Gracier Square do bà sở hữu.

Lần cuối cùng Tống Mỹ Linh xuất hiện trước công chúng là vào tháng 1/2000, khi tham dự một triển lãm tranh về chủ đề phong cảnh Trung Quốc do tờ tạp chí World Journal của Trung Quốc tổ chức. Tống Mỹ Linh đã qua đời ngày 24/10/2003 tại Mỹ, thọ 106 tuổi.

Bà đã đóng một vai trò quan trọng trong chính trị của Trung Hoa Dân quốc. Bà là người bảo trợ Ủy ban Chữ Thập đỏ quốc tế, Chủ tịch danh dự của Quỹ Viện trợ thống nhất Vương quốc Anh, Thành viên danh dự Hội Kỷ niệm Bản Tuyên ngôn nhân quyền. Vào cuối thập niên 60 của thế kỷ XX, Bà là một trong mười phụ nữ được ngưỡng mộ nhất nước Mỹ và là người phụ nữ thứ hai được đọc diễn văn trước Quốc hội Mỹ.

Bạc Cơ- tổng hợp
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Nhân vật