Trai trẻ đua nhau đi… tắm trắng

Ngày 15/02/2013 14:22 PM (GMT+7)

Hóa ra không chỉ có chị em mới lên cơn cuồng tắm trắng, dưỡng trắng. Hiện rất nhiều chàng trai cũng ‘phát sốt’ lên với việc đến spa hoặc mua mỹ phẩm về làm trắng da.

Lén lút tắm trắng tại nhà

Thảo đã vài lần bắt gặp Minh, đứa em trai đang học đại học của cô, đọc các bài về tắm trắng, làm trắng da trên mạng. Thấy chị ngạc nhiên, Minh bảo bạn gái em đang đòi tắm  trắng, nên em tìm hiểu một chút xem có an toàn không để quyết định ủng hộ hay can ngăn. Cậu còn chép miệng, con gái lắm chuyện thật, tốn cả đống tiền cho mấy cái chuyện làm đẹp.

Dạo gần đây, hai chị em Thảo thỉnh thoảng cãi nhau vì Minh hay chiếm dụng nhà tắm rất lâu, phải từ  45 phút đến một tiếng đồng hồ. “Mày vuốt ve gì trong đó mà lâu như đàn bà vậy?”, Thảo cằn nhằn. Minh bảo vuốt ve gì đâu, em vào nhà tắm là ba bốn môn phối hợp, từ đánh răng, rửa mặt, gội đầu, tắm táp đến đi vệ sinh và giặt đồ luôn; nếu tách riêng các hạng mục đó ra thì tốn đến hai tiếng đồng hồ ấy chứ. Vào nhà tắm sau khi cậu em “cố thủ” như vậy, Thảo luôn thấy có mùi hăng hắc rất quen mà cô không nhớ ra là đã ngửi thấy ở đâu.

Một lần khi Minh đi vắng, mẹ Thảo kêu trời vì phòng cậu bẩn thỉu bừa bộn quá, quát Thảo vào dọn giúp em. Trong lúc xếp dọn lại đồ đạc, cô tìm thấy một hộc tủ đầy chật các loại mỹ phẩm, trong đó có mấy cái gói mà nhìn là Thảo nhận ra ngay. Đó chính là thuốc tắm trắng, thứ có mùi hăng hắc mà cô ngửi thấy trong nhà tắm nhà mình sau khi cậu em đi ra. Đã vài lần, cô bạn thân nhờ Thảo đến nhà để tắm trắng cho cô ấy bằng loại thuốc này, “vì tớ không thể tự bôi thuốc kín lưng và massage vùng đó được”.  Cô bạn cho biết tự mua thuốc về tắm sẽ tiết kiệm hơn so với đến spa rất nhiều.

Thuốc tuy được pha thêm những hương liệu khác, thậm chí có cả vài vị thuốc bắc, nhưng vẫn không át được cái mùi hắc của chất tẩy, gần giống mùi thuốc tẩy tóc ở tiệm làm đầu. Hai lần tắm trắng giúp bạn, Thảo đều sốc khi thấy sau khi bôi thuốc ít phút, vùng da có thuốc đó trở nên trắng nõn so với xung quanh. Giờ thì cô càng sốc hơn khi biết cậu em trai của mình cũng làm đẹp theo cách đó.

Trai trẻ đua nhau đi… tắm trắng - 1
Đàn ông cũng đua nhau làm đẹp (ảnh minh họa)

Ngoài mấy bịch tắm trắng, hộc tủ của cậu còn xếp đầy kem tẩy da chết làm trắng toàn thân, sữa tắm làm trắng da, kem trắng body dùng ban ngày, ban đêm, sữa non tắm trắng… Thảo nào gần đây, Minh thỉnh thoảng vẫn giơ cánh tay ra ngắm nghĩa rồi hỏi Thảo rằng chị có thấy em trắng hơn chút nào không.

Minh về, Thảo hỏi chuyện. Lúc đầu cậu còn chối đây đẩy, nhưng khi bà chị lôi chỗ kem ra, cậu bắt đầu gãi đầu gãi tai:  “Bình thường mà chị. Giờ mà đen đủi thì chỉ có nhà quê với cửu vạn thôi, nhìn cứ khổ khổ hèn hèn thế nào ý. Phải trắng mới sang. Tắm trắng chút ăn thua gì, bạn em đầy đứa còn đi làm trắng bằng công nghệ laser ở mỹ viện, hoặc chăm sóc dưỡng trắng toàn thân ở đó, mỗi lần mất mấy triệu bạc, mà tuần nào cũng đi. Em tắm như này cũng trắng nhưng chậm lắm, phải tiêm mới nhanh”.

Thảo nghe mà hết vía, bảo mày thôi đi, vừa rồi có thằng cu tiêm thuốc trắng da bị đưa lên báo vì biến thành dị nhân đấy. Minh nói em biết rồi, không tiêm nữa, tắm cho nó rẻ. Hỏi rẻ là bao nhiêu, cậu nói tắm một phát hết 400.000 đồng tiền thuốc, tuần một lần, còn kem dưỡng trắng thì khoảng 800.000 đồng dùng được một tháng. Còn các loại sữa tắm, tẩy da chết làm trắng thì cũng tầm 500.000 – 800.000 đồng một lọ nhưng dùng được cả tháng hoặc hơn. “Cha mẹ ơi, thảo nào tao thấy mày suốt ngày kêu đói mí cả xin thêm tiền học”, Thảo rên lên.

Đàn ông cũng phải trắng

Thúy Lan, 30 tuổi, hoang mang bảo: “Có lẽ mình già mất rồi. Mình thuộc cái thế hệ coi đàn ông phải rắn rỏi mới đẹp, chứ trắng trẻo kiểu cớm nắng thì ghê lắm. Hôm qua, mình tình cờ xem phim Hàn với mấy đứa cháu học cấp ba. Lâu lắm rồi không xem phim Hàn nên giật cả mình khi thấy nhân vật nam chính trắng như cục bột, ẻo lả như con gái, mà cậu ta đóng vai doanh nhân thành đạt sắc sảo nhé. Hồi phim Hàn mới sang Việt Nam, những nhân vật kiểu này trông rất manly. Thế mà bây giờ, tất tần tật đều một kiểu ẻo lả trong suốt. Mấy đứa cháu thì rú lên khen đẹp trai, quyến rũ”.

Thấy Thúy Lan chê bai nhân vật nam chính, mấy cô cháu nữ sinh trung học kêu, dì đúng là bà già cổ hủ, ai bảo phải đen đúa thô thiển thì mới nam tính chứ. Rồi một đứa xuýt xoa rằng cậu hotboy lớp nó dạo này nuột hơn trước, chắc mới đi tắm trắng. Điều làm chị Lan ngạc nhiên chỉ là chuyện con trai đi tắm trắng, mà là thái độ của mấy cô bé tuổi teen với chuyện đó. Ở thế hệ của chị, các cô gái chỉ cần nghe cậu bạn nào đấy dùng sữa rửa mặt thôi là đã dè bỉu rồi chứ đừng nói bôi trát cái gì vào người, tắm trắng lại càng là thứ không thể hình dung.

Anh Phạm Ngọc Toản, 35 tuổi, nhà ở Đống Đa, Hà Nội, cho biết anh hiếm khi đi mua sắm, vợ sắm cho cái gì thì dùng cái đó. Gần đây có ngày nghỉ, anh hộ tống vợ đi siêu thị. Nhớ ra lọ kem cạo râu gần hết, anh lại khu mỹ phẩm cho nam giới, tẩn mẩn xem hàng trong lúc chờ vợ. “Tôi sửng sốt hết chỗ nói khi thấy cả một loạt sản phẩm làm trắng da cho đàn ông, từ sữa rửa mặt đến kem dưỡng trắng, rồi tinh chất tút trắng, huyết thanh làm trắng. Cha mẹ ơi! Những cái đó mà cũng bán được ư? Tôi cứ tưởng mỹ phẩm cho đàn ông chỉ có sữa rửa mặt với kem cạo râu thôi là cùng”.

Anh Toản càng ngạc nhiên hơn nữa khi đem thắc mắc này hỏi cô bé nhân viên phụ trách quầy, và cô bé cười tươi bảo: “Không bán được thì bọn em nhập hàng làm gì, càng ngày càng bán chạy đó anh ơi”.

Trần Ngọc Trung, 21 tuổi, sinh viên một trường đại học ở Hà Nội, thú nhận làn da cậu được như hiện nay là nhờ công nghệ làm trắng da, chứ làn da tự nhiên của cậu tuy không đen nhưng cũng còn lâu mới được gọi là trắng, thậm chí còn loang lổ nữa. “Con trai bây giờ mắt một mí cũng được, mũi tẹt cũng được, mặt không nhất thiết phải nét đanh như tài tử ngày xưa, nhưng da phải trắng”, cậu giải thích.

Trung cho biết hồi đầu, cậu còn ngượng khi đặt mua các sản phẩm tắm trắng, dưỡng trắng, phải lập nick tên con gái để giao dịch trên mạng rồi nhờ cô em nhận hàng. Sau quen, cậu chả phải giả vờ nữa. Giờ cậu thành thạo đến nỗi biết ở Hà Nội kem trắng của nhà nào bán rẻ, của nhà nào hiệu quả cao.

“Mỹ phẩm làm trắng cũng chỉ quan trọng một phần thôi, chiếm khoảng 70%, 30% còn lại là công giữ gìn, tránh nắng. Hồi xưa em phơi nắng thoải mái, đá bóng đá banh, còn bây giờ á, bỏ hẳn mấy môn đó, ra đường là phải bịt kín, bôi kem chống nắng thật dày. Hồi trước mình đen không sao, giờ mất bao nhiêu tiền bạc, công sức mới trắng thế này, không thể sơ suất để trở về cái máng lợn được”, Trung nói.

Theo quan điểm của đa số hiện nay, làm đẹp là nhu cầu chính đáng ngay cả với nam giới, chẳng những không có gì xấu mà còn cần thiết trong môi trường giao tiếp hiện đại. Thế nhưng ngay cả Trung cũng thừa nhận, từ hồi lo chăm chút từng ly từng tí cho làn da, cậu chẳng những luôn nhẵn túi mà còn phải thu hẹp các hoạt động khác vốn không thể thiếu với những chàng trai trẻ. Đó âu cũng là cái giá phải trả của nhan sắc.

Theo Khả Khanh (Xzone/TTTĐ)
Nguồn:

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề 5 người trong một gia đình tử vong ở SG