Trộm, cướp thức ăn vì đói, có tội hay không?

Ngày 09/05/2016 16:13 PM (GMT+7)

Chắc đến cả Victor Hugor cũng không bao giờ ngờ tới, hình ảnh anh thanh niên Jean Valjean trong "Những người khốn khổ" của ông vẫn tồn tại đến tận bây giờ.

Trong tác phẩm Những người khốn khổ của Victor Hugor, nhân vật chính Jean Valjean đã ăn cắp bánh mì để mang về cho các cháu nhỏ của anh và bị tuyên án 5 năm tù. Sau nhiều lần trốn thoát và gia hạn tù, số năm anh ở tù lên đến 19 năm, và lòng thù hận cuộc đời đã được Jean Valjean nuôi dưỡng trong những năm ngục tù đằng đẵng.

Victor Hugor đang viết về nước Pháp những năm đầu thế kỷ 19. Khi viết tác phẩm ấy, có lẽ Victor Hugor không ngờ rằng có những Jean Valjean khác vẫn tồn tại trong đời thực đến tận hôm nay.

Tuần trước, nước Ý xôn xao với phán quyết của Tòa án tối cao, tuyên vô tội cho một người vô gia cư lấy cắp pho mát và xúc xích trị giá 4,07 Euro, tương đương 100 nghìn đồng tiền Việt, trong một siêu thị ở thành phố Genoa vào tháng 3 năm ngoái. Bản án của tòa sơ thẩm, tuyên Roman Ostriakov 6 tháng tù và 100 Euro tiền phạt trước đó, đã bị tòa tối cao bác bỏ.

Trong phán quyết được hãng thông tấn Ý ANSA đăng tải, tòa tuyên: “Điều kiện của bị cáo và hoàn cảnh hàng hóa bị trộm cho thấy anh ta chỉ lấy đi một lượng nhỏ thức ăn khi đối mặt với nhu cầu dinh dưỡng căn bản và cấp thiết…”. Và kết luận hành vi của Roman Ostriakov không cấu thành tội phạm. 

Phán quyết của Tòa án tối cao Ý ngay lập tức nhận được sự tán thành của nhiều tờ báo trong nước. Nhiều tờ báo và hãng tin hàng đầu thế giới như CNN, BBC, Guardian, New York Times đưa tin và bài bình luận, phân tích.

Trong bài xã luận đăng trên trang nhất tờ La Stampa, Italia, bỉnh bút Massimo Gramellini viết: “Với phán quyết của tòa tối cao, quyền sinh tồn đã được ưu tiên hơn quyền sở hữu”.

Goffredo Buccini, một nhà bình luận khác viết trên nhật báo Ý Corriere della Sera, ví tình trạng hiện tại của nước Ý giống với giai đoạn sau thế chiến II, khi nền kinh tế bị phá hủy. 

“Thật không thể tưởng tượng nổi nếu luật pháp không cân nhắc đến thực tế”, Buccini viết và dẫn chứng số liệu từ Confcommercio, một hiệp hội thương mại cho thấy trộm cắp có nguyên nhân từ cái đói đang gia tăng trong những năm gần đây.

Bỉnh bút này cũng không quên than phiền: Một đất nước mà thất thoát do tham nhũng lên đến 60 tỉ Euro, chiếm đến 4% GDP, nhưng phải qua ba giai đoạn xét xử để tuyên một người trộm thức ăn trị giá 4,07 Euro vô tội. 

Trộm, cướp thức ăn vì đói, có tội hay không? - 1

Liệu những người cướp giật vì đói khi vào tù sẽ làm lại cuộc đời, hay sẽ nuôi mối hận thù với cả xã hội? (Ảnh minh họa)

Trong khi đó, tờ New York Times phân tích tình trạng nền kinh tế nước Ý đang phục hồi chậm chạp sau khủng hoảng tài chính 2008, dẫn đến tình trạng vô gia cư ngày càng phổ biến ở một số thành phố.

Những bình luận trên cho thấy Tòa án tối cao nước Ý đã cân nhắc thực tế xã hội khi đưa ra phán quyết. Bản án vô tội cho người đàn ông ăn cắp thức ăn, như một điểm sáng nhân đạo vạch trần bức tranh nhiều màu tối trong lòng nước Ý.  

Nền kinh tế khủng hoảng đẩy nhiều cá nhân vào cảnh khốn cùng. Nạn tham nhũng là “con sâu” phá hoại đất nước và rất nhiều kẻ tham nhũng vẫn đang nằm ngoài vòng pháp luật. Bản án cho người đàn ông vô gia cư như nhát dao sắc lạnh cứa vào lòng đất nước này những câu hỏi nhức nhối.

Câu chuyện của nước Ý vô tình trùng lặp về thời gian với câu chuyện xảy ra ở chính đất nước chúng ta. 

Ngày 17/5 tới, TAND quận Thủ Đức, TP HCM sẽ mở phiên tòa xét xử sơ thẩm Nguyễn Hoàng Tuấn và Ôn Thành Tân, cùng 18 tuổi. Ngày 18/10/2015, trên đường đến quán nhậu xin việc, hai thanh niên này đói bụng nhưng không còn tiền, làm liều vào một tiệm tạp hóa cướp… 2 bịch chuối sấy, một ổ bánh mì ngọt, đậu phộng rang muối và 3 bịch me trộn đường.

Sau đó, Tuấn giật lấy gói thức ăn từ tay chủ quán rồi lên xe, Tân tăng ga bỏ chạy. Chủ quán tạp hóa truy hô và cùng người dân đuổi theo, bắt giữ 2 thanh niên cùng tang vật.

Theo cáo trạng của VKSND quận thủ Đức, hành vi của hai thanh niên thuộc trường hợp dùng thủ đoạn nguy hiểm. Bị truy tố tội cướp tài sản, Tuấn và Tân đang đối mặt khung hình phạt từ 3-10 năm tù theo Khoản 2, Điều 136 Bộ luật hình sự.

Phiên tòa vẫn chưa diễn ra, các bị cáo chưa có cơ hội bào chữa cho mình và tòa chưa tuyên phán quyết, nhưng hành vi của Tuấn và Tân khiến tôi liên tưởng đến Roman Ostriakov. Họ đã lấy cắp hay trộm cướp một lượng thức ăn rất nhỏ, vì đói. Một hành động khốn cùng khi người ta đã chấp nhận từ bỏ phẩm giá. 

Dù kết quả xét xử ra sao, tôi hi vọng bản án cho Tuấn và Tân sẽ giống như bản án cho Roman Ostriakov, là nhát dao cứa vào lòng xã hội Việt Nam những câu hỏi nhức nhối.

Rằng bao nhiêu thanh niên đang tuổi “bẽ gãy sừng trâu” đang thất nghiệp, ăn chơi lêu lổng? Bao nhiêu tội ác từ bất công, tham nhũng không phải trả giá? Bao nhiêu tội lỗi có nguồn gốc từ sự bế tắc của bài toán an sinh bị trừng phạt để đảm bảo tính “nghiêm minh”?

Hai thanh niên 18 tuổi vào tiệm tạp hóa để cướp thức ăn, vì đói. Nếu đi tù, họ sẽ làm lại cuộc đời, hay trở thành những phiên bản khác của Jean Valjean? Và có bao nhiêu người trong chúng ta phải từ bỏ phẩm giá con người, vì cái đói?

Phạm Linh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Góc nhìn sự kiện