Đôi khi, không giúp đỡ lại là điều tốt nhất bạn có thể làm cho ai đó.
1. Khi họ không cố gắng tự giúp mình
Chúng ta đều có lúc cần đến sự giúp đỡ. Tuy nhiên, việc giúp đỡ ai đó sẽ trở thành vấn đề lớn hơn nhiều khi họ bắt đầu lợi dụng điều này. Nhớ rằng, khi ai đó không muốn cố gắng, họ cần phải chịu hậu quả của sự thiếu nỗ lực. Nếu họ không có bất cứ cố gắng nào, bạn không nên giúp đỡ họ.
2. Khi họ không yêu cầu giúp đỡ
Sự giúp đỡ không được yêu cầu có thể làm giảm cảm giác về năng lực của một người. Họ có thể chỉ cần một chút thời gian để tìm ra vấn đề hoặc được phép tự mình làm, ngay cả khi họ không đạt được kết quả tốt nhất.
Một ví dụ điển hình cho điều này chính là với những người cao tuổi. Càng lớn tuổi, bạn sẽ càng gặp khó khăn trong việc làm những gì mình từng làm. Tuy nhiên, để người cao tuổi làm những việc trong khả năng sẽ giúp họ khẳng định lại sự độc lập và năng lực.
3. Khi việc giúp đỡ cản trở họ học về hậu quả
Hậu quả là một phần quan trọng của việc học. Nếu bạn cắm một cái dĩa vào ổ điện, bạn sẽ bị điện giật. Trải nghiệm này sẽ rất đau đớn và bạn học được cách không làm điều đó nữa.
Tất nhiên, một số người trong chúng ta còn mắc đi mắc lại sai lầm trước khi thực sự học được điều gì đó. Nhưng dù sao, mọi người đều cần phải chịu hậu quả về những lựa chọn của mình, để đảm bảo bản thân không đưa ra những lựa chọn đó nữa.
4. Khi điều đó khiến họ trở nên phụ thuộc
Sự quá phụ thuộc tước đi quyền tự chủ của mọi người. Chúng ta cần có quyền tự do đưa ra lựa chọn của riêng mình, để định hướng cuộc sống của bản thân bất cứ khi nào có thể.
Quá nhiều sự giúp đỡ có thể khiến một người trở nên lệ thuộc vào sức lao động hoặc nguồn lực tình cảm của bạn. Điều này có thể nuôi dưỡng cảm giác được hưởng quyền lợi, khi họ luôn tin rằng bạn sẽ cung cấp bất cứ thứ gì mà họ cần.
5. Khi họ muốn sự chú ý thay vì giải pháp
Một số người hành động như thể họ muốn được giúp đỡ nhưng thực ra không phải vậy. Họ như những "ma cà rồng cảm xúc", hút năng lượng cảm xúc từ bạn để nuôi dưỡng thứ gì đó trong chính con người họ.
Họ phàn nàn, phàn nàn và phàn nàn nhiều hơn nữa. Thế nhưng khi bạn đưa ra giải pháp, họ lại không làm gì cả. Nếu ai đó liên tục phàn nàn về điều này điều kia nhưng lại không hề hành động để thay đổi thì việc giúp đỡ họ thực sự không có ý nghĩa gì.
6. Khi họ cần học cách sắp xếp thứ tự ưu tiên
Một số người thường xuyên cam kết quá mức hoặc không biết cách ưu tiên thời gian của mình. Khi bạn thường xuyên giúp đỡ, họ sẽ càng không rút ra được bài học cho mình.
Nó cũng khiến họ phụ thuộc vào bạn vì họ cho rằng bạn sẽ luôn giúp đỡ. Họ sẽ mặc định "Ồ, mình có thể nhờ A giúp đỡ" thay vì nói không hoặc chọn làm những nhiệm vụ quan trọng nhất.
7. Khi họ cần học cách đối mặt với thất bại
Đôi khi bạn có thể thấy trước những gì sắp đến với một người. đó. Ai đó đã đưa ra một lựa chọn tệ và hậu quả đang trên đường đến. Họ chạy đến bên bạn để được giúp đỡ trong khi điều này đã diễn ra rất nhiều lần.
Vào thời điểm này, bạn có hai lựa chọn. Bạn có thể chọn cứu họ khỏi chính họ, hoặc bạn có thể chọn để họ chịu hậu quả từ hành động của họ. Nhớ rằng, mỗi người đều cần học cách đối mặt và ứng phó với thất bại. Đây là một kỹ năng quan trọng vì sớm hay muộn trong cuộc đời, chúng ta đều phải trải qua thất bại.
8. Khi họ cần phát triển khả năng phục hồi
Bạn có thể phục hồi nhanh như thế nào sau một thất bại? Thực tế cho thấy nhiều người gặp khó khăn với điều này. Thậm chí, mọi việc sẽ trở nên khó khăn hơn nếu ai đó luôn lao vào giúp đỡ bất cứ khi nào tình hình trở nên xấu đi.
Tất nhiên, sự giúp đỡ là điều rất tuyệt vời. Nếu điều gì đó có khả năng gây tổn hại đến sức khỏe thể chất hoặc tinh thần của họ, bạn hãy giúp đỡ nếu có thể. Nhưng đối với những điều nhỏ khác, tốt hơn là để họ trải nghiệm khó khăn và tự mình vượt qua.
Một người sẽ không thể phát triển được khả năng phục hồi khi họ liên tục được giúp đỡ để thoát khỏi những tình huống đó. Vì vậy, đừng quá chắc chắn rằng việc vội vã giúp ai đó luôn là hành động đúng đắn. Đôi khi, không giúp đỡ lại là điều tốt nhất bạn có thể làm cho ai đó.