Bạn phải thực sự dành thời gian để tìm ra chi phí cơ hội và lợi ích của từng thứ để biết đâu là thứ mình cần theo đuổi hơn những thứ khác.
Chúng ta có xu hướng nghĩ về sự thành công dưới góc độ của cải và thành tích. Tất nhiên, đó là phép đo không hề sai song khi bạn luôn ám ảnh về những chiến thắng, bạn có thể bỏ qua những hy sinh cần thiết để đạt được điều đó. Trên thực tế, việc bỏ qua những hy sinh cần thiết là một trong những lý do vì sao nhiều người gặp khó khăn trong việc tuân thủ những thói quen lành mạnh và theo đuổi mục tiêu.
Khi nói đến sự hy sinh, thời gian là một yếu tố trong số đó. Như tỷ phú, nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett từng nói: “Đó là thứ duy nhất bạn không thể mua. Ý tôi là, về cơ bản, tôi có thể mua bất cứ thứ gì tôi muốn, nhưng tôi không thể mua thời gian”.
Tỷ phú Bill Gates và Warren Buffett.
Đó là suy nghĩ hoàn toàn đúng. Để theo đuổi những hoạt động mang lại lợi ích cao, bạn phải học cách từ bỏ những hoạt động mang lại lợi ích thấp. Bạn nên xem tiếp một tập khác của chương trình Netflix yêu thích hay từ bỏ TV trong 2 tháng để có thể tập trung trồng khu vườn mình hằng mơ ước?
Tất nhiên, việc đưa ra quyết định là không hề dễ dàng. Tuy nhiên, tin tốt cho bạn là chúng ta có thể sẵn sàng làm việc đó một cách tự nhiên.
Một nghiên cứu năm 2009 từ Trường Tâm lý của Đại học Adelaide cho thấy, rằng chúng ta “ít có xu hướng giữ lại nhiều lựa chọn” khi có những phần thưởng lớn hơn số còn lại. Song nếu phần thưởng đó là không rõ ràng, chúng ta sẽ gặp khó khăn hơn trong việc từ bỏ chúng.
Đó là lý do vì sao việc đánh giá hiệu quả hoạt động lại quan trọng như vậy. Bạn phải thực sự dành thời gian để tìm ra chi phí cơ hội và lợi ích của từng thứ để biết đâu là thứ mình cần theo đuổi hơn những thứ khác.
Bill Gates và Warren Buffett, hai tỷ phú, ông trùm kinh doanh cực kỳ thành công, chính là hai ví dụ điển hình về việc từ bỏ một số hoạt động một cách có chiến lược để tập trung vào những hoạt động bổ ích hơn có thể giúp bạn đạt được mục tiêu thế nào.
Phân tích hoạt động
Mặc dù tình yêu của tỷ phú Bill Gates là công nghê, lĩnh vực đã giúp ông xây dựng nên đế chế giá trị hàng tỷ đô la, nhưng ông từ chối để nó làm mình phân tâm khỏi những điều quan trọng khác.
“Tôi đã ngừng nghe nhạc và xem TV ở độ tuổi 20. Nghe có vẻ cực đoan, nhưng tôi đã làm điều đó vì tôi nghĩ rằng chúng sẽ chỉ khiến tôi phân tâm khi nghĩ về các phần mềm”, tỷ phú chia sẻ trong một bài đăng trên blog.
Ông đã áp dụng những điều tương tự khi nói đến việc nuôi dạy con cái. Bill Gates đã không cho phép các con mình sử dụng điện thoại di động cho đến khi chúng 14 tuổi (trung bình, độ tuổi trẻ được sử dụng điện thoại di động lần đầu là vào năm 10 tuổi). Ông cũng luôn giữ nguyên tắc “không sử dụng điện thoại” trong bữa ăn gia đình.
Để theo đuổi một hoạt động mang lại lợi ích cao, chúng ta phải từ bỏ những hoạt động có lợi ích thấp.
Nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett cũng không phải là người thích sự phiền nhiễu của công nghệ. Giám đốc điều hành Berkshire Hathaway không để máy tính trong văn phòng của mình. Ông hạn chế việc Internet có thể khiến mình mất tập trung bằng cách sở hữu một chiếc điện thoại nắp gập dù đã nhiều lần CEO Apple Tim Cook cố gắng thuyết phục ông sử dụng điện thoại iPhone.
Những sở thích mang lại lợi nhuận cao
Một hoạt động “hiệu quả” không có nghĩa là hoạt động phải nhàm chán. Nhớ rằng, những sở thích ngoài công việc của bạn phải luôn bắt nguồn từ những gì bạn đam mê. Nếu bạn thấy nó thực sự thú vị và bổ ích, hãy gắn bó với hoạt động đó. Sự đam mê có thể kích thích khả năng sáng tạo, cải thiện kỹ năng ra quyết định của bạn và thậm chí có thể buộc bạn phải đưa ra các giải pháp sáng tạo cho các vấn đề hiện tại.
Đối với tỷ phú Buffett, sở thích đó chính là chơi cầu, một trò chơi đòi hỏi rất nhiều sự kiên nhẫn, chiến lược và chiến thuật. “Đó là bài tập trí tuệ tốt nhất”, ông chia sẻ. “Bạn sẽ thấy các tình huống mới cứ sau 10 phút. Trò chơi này chính là về việc cân nhắc tỷ lệ lãi - lỗ. Bạn đang thực hiện các phép tính mọi lúc."
Ông cũng có một sở thích khác chính là đọc sách. Khi được hỏi về bí quyết thành công của mình trong buổi nói chuyện tại Trường Kinh doanh Columbia, ông đã cầm một tập giấy dày và nói rằng: “Hãy đọc 500 trang như thế này mỗi ngày. Đó là cách tạo ra kiến thức. Nó sẽ tích lũy dần trong bạn, giống như lãi suất kép vậy”. Ông là người luôn dành 80% thời gian trong ngày để đọc sách.
Mỗi giờ đều rất đáng giá
Malcolm Gladwell từng giải thích trong cuốn: “Những kẻ xuất chúng: Câu chuyện thành công” của mình rằng, một phần thành công của Bill Gates được xây dựng dựa trên nền tảng của “quy tắc 10.000 giờ”. Quy tắc này nói rằng để thành thạo một kỹ năng ở mức xuất chúng, bạn cần 10.000 giờ luyện tập. Trong trường hợp của Gates, đó là việc thực hành lập trình.
Đó là khoảng thời gian không hề ngắn và không phải tất cả chúng ta đều có đủ khả năng dành 10.000 giờ để thành thạo một kỹ năng. Điều bạn cần rút ra ở đây là Bill Gates đã tìm thấy thứ mà ông yêu thích, dành thời gian cho nó, thành thạo kỹ năng và xây dựng một công việc kinh doanh từ đó.
Bạn có thể đi theo bước chân của vị tỷ phú này với lĩnh vực mà mình yêu thích và có khả năng và chọn các hoạt động để giúp bản thân phát triển trong lĩnh vực đó.
Tìm sự cân bằng
Đừng quá căng thẳng khi nghĩ đến mục tiêu. Bạn vẫn có thể tận hưởng những niềm vui từ việc giải trí. Đó có thể là xem chương trình yêu thích trong ngày cuối tuần hay đi mua sắm nếu điều đó khiến bạn cảm thấy tốt hơn. Việc Bill Gates từ bỏ TV và âm nhạc chỉ kéo dài trong khoảng 5 năm. Vấn đề quan trọng là cắt giảm những thứ kém hiệu quả hơn.
Bất cứ khi nào bạn cảm thấy mệt mỏi hay chán nản, hãy nghĩ đến lời bài hát này: “Bạn cần biết khi nào nên giữ chúng, khi nào nên xếp lại chúng, khi nào nên đi và khi nào phải chạy!".