Tôi nghi ngờ không hiểu họ thừa tiền đến mức độ nào mà dám... coi khinh tài sản của mình đến thế.
Chuyện hôm qua: Trên đường từ Huỳnh Thúc Kháng về Chùa Bộc, tôi bắt gặp một bạn trẻ xì tin - một tay giữ tay ga, một tay nhắn tin chiu chíu. Đến lúc gặp đèn đỏ, bạn ấy lại hồn nhiên dừng lại, chắn luôn lối có thể rẽ phải của người đi đằng sau. Và …tay vẫn chiu chíu nhắn tin. Người đi đằng sau bấm còi inh ỏi, bạn gái mới miễn cưỡng đỗ xe gọn vào. Một lúc sau, đèn xanh, lại thấy bạn ấy chạy xe, và tay vẫn nhắn tin không ngừng.
Chuyện hôm nay: Trên đường Bà Triệu, lại bắt gặp một anh giai quần áo bóng bẩy, cưỡi xe ga xịn, đầu tóc chải chuốt và … tất nhiên không đội mũ bảo hiểm. Anh ấy vừa chậm rãi nhấn tay ga, vừa cười tủm tỉm khi nhắn tin trên cái Smart phone to đùng. Hai bác già đi sau muốn rẽ sang phải mà chàng ta cứ đủng đà, đủng đỉnh chắn lối đi của họ, giống hệt kiểu “đường nhà tớ, tớ thích đi thế nào thì kệ tớ” .
Nói chung, đi đường, tôi hay bắt gặp những con người “bận rộn” như thế. Thường những lúc ấy, trong tôi đan xen rất nhiều cảm xúc.
Đầu tiên là thấy “băn khoăn” ghê lắm. Tôi tự hỏi, không hiểu những con người ấy bận rộn đến cỡ nào mà không thể tạt gọn vào lề đường, dành một vài phút để nhắn tin nhỉ? Hoặc thay vì nhắn tin, họ dừng lại và gọi điện thì có phải nhanh gọn biết bao không? Nhưng mà chắc không phải là các bạn ấy bận rộn đâu. Vì nếu bận rộn thật thì đã không vừa nhắn tin, vừa chạy xe tà tà như thế.
Rồi nữa là cảm giác bực bội, lo lắng.
Quá lo lắng cho những hành vi như thế này (Ảnh minh họa)
Vì vừa đi xe, vừa nhắn tin nên cố nhiên họ ấy không thể chạy nhanh. Họ sẽ vừa chạy chậm, vừa liếc nhìn xung quanh, vừa miệt mài bấm phím. Thường là họ sẽ mất khoảng 5 giây ấn phím, 1 giây liếc xuống đường, rồi lại cúi xuống bàn phím, lại nhìn, lại ngước lên. Thế nên: Mặc kệ nhé cái ổ gà xuất hiện vô duyên giữa đường, mặc kệ bác già phóng xe từ ngõ ra, mặc kệ chị bầu cộ kệ thon thót giật mình đang chạy xe đằng sau, mặc kệ ô tô đang xi nhan tin tin để xin đường,… thậm chí, mặc kệ cả mấy tên lưu manh lăm le giật đồ khi thấy người ta sơ hở trên đường. Nói cho mà biết, tớ chả sợ bố con nhà ai hết nhá.
Thực sự là tôi không hiểu họ đang nghĩ gì nữa. Những tin nhắn của ai đó mang tính sống còn đến mức độ nào mà người ta có thể coi thường tính mạng của người khác, thậm chí là tính mạng của bản thân mình đến vậy. Có thể họ chưa đọc tin trên báo đài, chuyện có những thanh niên mải mê nhắn tin mà bị giật đồ, hoặc thậm chí bị xe tải đâm. Hoặc tôi giả sử họ có đọc tin, nhưng rồi cũng sẽ cười khẩy: Úi giời, lo gì, sống chết có số cả.
Tôi cũng nghi ngờ không hiểu họ thừa tiền đến mức độ nào mà dám.. coi khinh tài sản của mình đến thế. Này nhé, một tay lái xe, một tay nghênh ngang điện thoại, vô tình, họ mời mọc mấy chú chàng lưu manh, nghiện hút, cướp giật chú ý tới mình. Nói như ngôn ngữ hiện nay là “mời xơi”: Em xin mời các anh/chị giật đồ của em. Lúc ấy, giả sử các bác nghiện bị tóm về đồn, có thể họ sẽ gãi đầu gãi tai thanh minh: Em đâu muốn giật đồ của họ đâu. Tại hoàn cảnh xô đẩy em đấy chứ. Hoặc may mắn giật đồ trót lọt, họ sẽ cười hì hì với nhau: Cho đáng đời đáng kiếp. Ai bảo bọn nó hớ hênh.
Mà thực tâm, tôi mong những người đó bị giật đồ, ít ra họ sẽ học được bài học về việc tôn trọng người khác và chính mình – thay vì nghênh ngang chạy xe trên đường và trở thành một nhân tố tạo ra sự bất ổn giao thông như thế.
Về cơ bản, nguyên tắc của tôi khi chạy xe trên đường là:
Thứ 1: Thứ nhất, không bao giờ nhắn tin, thậm chí nghe/gọi điện. Nếu có tin nhắn hoặc điện thoại, tôi sẽ cố gắng táp vào lề đường để nghe / gọi, hoặc nhắn tin bảo gọi lại sau.
Thứ 2: Không bao giờ đi cạnh người vừa chạy xe, vừa nhắn tin.
Thường thì khi gặp trường hợp đó, tôi sẽ - hoặc là phóng vọt lên hẳn, hoặc là chạy tụt lại phía sau. Tốt nhất là tránh xa họ cho lành. Nói gì thì nói. Tôi vẫn còn yêu đời lắm!
Thế nên, những ai đi đường mà lại nhắn tin thì nên suy nghĩ lại, hại người, hại cả thân đấy nhé!