Trẻ bị sốt siêu vi thường có những triệu chứng như: Sốt cao, đau đầu, nôn trớ, phát ban… Khi con có các triệu chứng sốt siêu vi, mẹ cần theo dõi để có phương pháp điều trị kịp thời.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Ths.Bs. Lê Xuân Trung - Trưởng khoa sơ sinh - Bệnh viện Nhi tỉnh Thanh Hóa. |
Ths.Bs. Lê Xuân Trung |
Sốt siêu vi hay còn gọi là sốt virus
- Nguyên nhân sốt siêu vi: Do bé nhiễm các loại virus như: Virus cúm, Coronavirus, Rhinovirus, Enterovirus…
- Đối tượng dễ bị sốt siêu vi: Trẻ nhỏ do hệ miễn dịch, sức đề kháng kém.
- Thời điểm bệnh dễ bùng phát: Thời tiết thay đổi đột ngột, giao mùa điều kiện thuận lợi cho các virus phát triển và gây bệnh sốt siêu vi ở trẻ nhất.
- Thời gian sốt siêu vi kéo dài: Từ 7 - 10 ngày sẽ tự hết, bệnh không quá nguy hiểm.
Các triệu chứng sốt siêu vi ở trẻ em
1. Sốt cao kéo dài
Sốt cao là dấu hiệu dễ nhận biết nhất của bệnh sốt siêu vi, trẻ sẽ có thân nhiệt từ 39 độ C trở lên.
Trẻ sốt đến 40 độ có thể kèm theo triệu chứng co giật, khó thở, tím tái mặt mũi, chân tay. Trường hợp trẻ sốt cao co giật rất nguy hiểm, mẹ nên đưa bé đến cơ sở y tế gần nhất để điều trị, tránh để trẻ ở nhà.
Trẻ sốt cao kéo dài, không có dấu hiệu thuyên giảm khi đã áp dụng các cách hạ sốt tại nhà thông thường mẹ nên đưa bé đến bệnh viện khám và điều trị theo phác đồ của bác sĩ.
Triệu chứng sốt siêu vi ở trẻ dễ nhận biết nhất khi con sốt cao trên 39 độ C (Ảnh internet)
2. Quấy khóc, khó ngủ
Trẻ sốt cao kèm theo các dấu hiệu viêm họng, đau đầu, mệt mỏi, nghẹt mũi sẽ khiến bé khó chịu, khó ngủ và rất dễ tỉnh giấc quấy khóc, khó ngủ lại.
Khi con có triệu chứng sốt siêu vi này, mẹ nên để bé ngủ trong phòng thoáng, dễ chịu, dễ ngủ.
3. Nôn và trớ
Trẻ bị sốt siêu vi thường có triệu chứng nôn và trớ sữa, đồ ăn. Đặc biệt là trẻ dưới 1 tuổi. Tình trạng này thường xảy ra sau bữa ăn, cữ bú của bé.
Để hạn chế tình trạng này mẹ không nên cho trẻ ăn no, để trẻ nô đùa sau khi ăn. Mẹ nên chia nhỏ các bữa ăn, ăn nhiều lần trong lần.
4. Ho, đau rát họng
Triệu chứng sốt siêu vi ở trẻ sẽ dễ gặp các dấu hiệu ho, đau rát họng mẹ nên chú ý. Khi bé ho, ho nhiều, rát họng mẹ nên áp dụng các cách giảm ho, đau họng cho con.
Nếu tình trạng không thuyên giảm, mẹ nên đưa bé đến gặp bác sĩ để có cách điều trị phù hợp, tránh để con bị viêm đường hô hấp.
5. Sổ mũi, nghẹt mũi
Trẻ bị sốt siêu vi kéo dài, sốt cao dễ kèm theo triệu chứng viêm mũi như sổ mũi, nghẹt mũi. Tình trạng này sẽ khiến bé khó chịu, đau rát mũi, khó thở hơn bình thường.
Khi nhận thấy dấu hiệu nghẹt mũi, sổ mũi ở trẻ mẹ nên vệ sinh, rửa mũi cho trẻ sớm, đúng cách giúp mũi con thông thoáng, dễ thở, dễ chịu hơn.
Trẻ sốt siêu vi thường có triệu chứng sổ mũi hoặc nghẹt mũi (Ảnh internet)
6. Đau đầu
Trẻ sốt siêu vi trên 39 độ sẽ có triệu chứng đau đầu từ vừa đến nặng. Tùy mức độ đau đầu của trẻ mẹ có thể áp dụng các phương pháp giảm đau cho bé như massage, để trẻ thư giãn hoặc trường hợp đau đầu nặng, sốt cao mẹ có thể đưa bé đến viện để được bác sĩ khám, tư vấn và dùng thuốc nếu cần.
7. Mặt phù nề
Trẻ sốt kéo dài, tình trạng bệnh không thuyên giảm dễ xảy ra triệu chứng mắt sưng húp, mặt bị phù nề và 2 mắt thường có xu hướng nhắm nghiền lại.
Triệu chứng sốt siêu vi này có thể do các virus, vi khuẩn gây nên.
8. Mệt mỏi, ngủ li bì
Bé sốt cao kèm theo các triệu chứng như đau đầu, viêm đường hô hấp, tiết niệu sẽ khiến bé mệt mỏi, choáng váng và rơi vào trạng thái ngủ li bì, hai mắt nhắm nghiền lại.
Trường hợp này mẹ nên để trẻ nghỉ ngơi trong phòng thoáng đãng, hạ sốt cho trẻ sớm, tránh để trẻ sốt cao, sốt mê man dẫn đến co giật.
9. Chán ăn, bỏ ăn
Trẻ bị sốt siêu vi thường không muốn ăn, có cảm giác sợ đồ ăn do mệt mỏi, khó tiêu hóa, không có cảm giác ăn ngon, thèm ăn.
Thời điểm này mẹ không nên ép bé ăn quá nhiều, thức ăn khó ăn. Mẹ nên cho bé đồ ăn loãng, dễ ăn, dễ tiêu hóa như: Cháo, súp, canh, sữa, nước ép trái cây…
10. Chân tay lạnh
Trẻ sốt cao, từ 39 độ trở lên sẽ có hiện tượng ớn lạnh, rét. Triệu chứng này rất dễ khiến mẹ nhầm với việc bé bị cảm lạnh nên mẹ cần quan sát các triệu chứng sốt siêu vi khác ở trẻ để có phương pháp điều trị đúng cách, tốt nhất.
11. Mất nước
Trẻ bị sốt rất dễ bị mất nước, cơ thể thiếu hụt lượng nước cần thiết dẫn đến hiện tượng bé bị khô miệng, khát nước, tiểu cầu giảm, mệt mỏi, nước tiểu giảm…
Do đó, khi trẻ bị mất nước do sốt siêu vi mẹ nên bổ sung nước cho bé bằng các loại nước ép trái cây, nước lọc, giúp con tăng cường sức đề kháng, hấp thụ đủ lượng nước cần thiết.
Cơ thể mất nước sẽ khiến bé mệt mỏi, khó chịu hơn (Ảnh internet)
12. Đau nhức cơ khớp
Sốt cao, chân tay ớn lạnh sẽ tác động khiến bé cảm thấy đau nhức các cơ khớp và gây khó chịu ở trẻ. Với trẻ dưới 2 tuổi sẽ quấy khóc liên tục khi có biểu hiện đau cơ, còn trẻ lớn sẽ có kêu đau mình mẩy với cha mẹ.
Khi trẻ có triệu chứng sốt siêu vi này, mẹ có thể massage nhẹ nhàng những vùng cơ khớp giúp còn giảm đau, thấy nhẹ nhàng, thoải mải hơn.
13. Sốt phát ban
Trẻ sốt siêu vi ở ngày thứ 3 - 5 sẽ có biểu hiện nổi mẩn đỏ nhỏ, phát ban. Thời điểm này bé đã bước vào giai đoạn phát bệnh. Mẹ nên có cách điều trị sớm cho con, tránh để bệnh nặng kéo dài gây nguy hiểm cho bé.
14. Rối loạn đường tiêu hóa
Khi mẹ thấy con đau bụng nhẹ, đi đại tiện phân lỏng hoặc đen có kèm máu hoặc chất nhầy là bé đang bị rối loạn đường tiêu hoá do virus gây bệnh.
Trẻ bị rối loạn đường tiêu hóa do sốt siêu vi, mẹ nên hạn chế cho bé ăn đồ ngọt, đảm bảo chế độ dinh dưỡng cho con. Trường hợp bé đi ngoài ra máu mẹ nên đưa bé đến bệnh viện kiểm tra.
15. Nổi hạch
Sốt siêu vi gây nổi hạch ở trẻ em và người lớn, mẹ có thể dùng tay để kiểm tra vùng đầu, cổ, mặt của bé để phát hiện sớm.
Những triệu chứng sốt siêu vi này chỉ kéo dài trong vài ngày và tự hết sau đó, tuy nhiên với trường hợp nặng đặc biệt là bé sốt cao trên 39,5 độ C kèm theo co giật mẹ cần đưa đến bệnh viện để được hỗ trợ điều trị tốt nhất.
Phân biệt sốt siêu vi với sốt thông thường
Sốt thông thường và sốt siêu vi ở trẻ thường có các dấu hiệu gần giống nhau và dễ gây nhầm lẫn.
Để nhận biết trẻ bị sốt siêu vi nhanh, chính xác nhất khi bé có các dấu hiệu của sốt mẹ nên đưa con đến bệnh viện làm các xét nghiệm, chẩn đoán. Từ đó sẽ biết có bị sốt siêu vi hay không và có phương pháp điều trị thích hợp.
Tuy nhiên sốt thông thường chỉ sốt ở mức độ nhẹ và vừa dưới 39 độ C, bé thường có hắt hơi, sổ mũi, có dịch nhầy đặc trong mũi và các triệu chứng này tự hết trong 3 - 5 ngày.