Hàng loạt trẻ nhiễm siêu vi hô hấp tại trường ở TP.HCM: Bệnh có nguy hiểm không? Khi nào cần tới viện?

LÊ PHƯƠNG. - Ngày 01/03/2023 10:04 AM (GMT+7)

Khi trẻ bị nhiễm siêu vi, phụ huynh không nên lo lắng, cần theo dõi sát để đưa trẻ đến viện khi cần thiết.

TS.Bs.Trương Hữu Khanh

Nguyên trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM

Xem tất cả bài viết của chuyên gia

Những ngày qua, thông tin nhiều trẻ đang học tại 2 trường THCS trên địa bàn quận Bình Thạnh đột nhiên xuất hiện các triệu chứng như sốt, đau họng, chóng mặt, tiêu chảy… khiến nhiều gia đình có con nhỏ lo lắng. Theo thông tin từ ngành y tế TP.HCM, trong ba ngày 22-24/2 có 336 trẻ có biểu hiện bệnh phải thăm khám, qua lấy mẫu ngẫu nhiên 18 trường hợp xét nghiệm nhanh kháng nguyên nCoV, kết quả tất cả đều âm tính, 26 em được xét nghiệm nhanh cúm A, B, kết quả cũng âm tính.

Ngay sau đó, Sở Y tế TP.HCM đã cử tổ công tác đến hai trường THCS này để điều tra nguyên nhân. Qua thăm khám, các chuyện gia nhi khoa nhận định nguyên nhân gây bệnh ở những học sinh này khả năng cao là do nhiễm siêu vi hô hấp.

Trước nhận định trên, không ít phụ huynh lo lắng về việc nếu con bị nhiễm siêu vi hô hấp liệu có nguy hiểm không, khi nào cần đến viện và cần phòng tránh thế nào?

Các học sinh ở TP.HCM bị nhiễm siêu vi nhưng đa phần tự khỏi, không có trường hợp nặng phải nhập viện.

Các học sinh ở TP.HCM bị nhiễm siêu vi nhưng đa phần tự khỏi, không có trường hợp nặng phải nhập viện. 

TS.BS Trương Hữu Khanh - Chuyên gia các bệnh truyền nhiễm nhi, Phó Chủ tịch Hội truyền nhiễm TP.HCM, người trực tiếp tham gia tổ công tác cho biết, siêu vi hô hấp là bệnh khá thường gặp ở trẻ, do các tác nhân virus hay gây bệnh ở trẻ gây ra và đa phần diễn tiến nhẹ tự khỏi và không cần nhập viện. Theo bác sĩ Khanh, thực tế các học sinh của hai trường THCS tại quận Bình Thạnh, dù xuất hiện một số triệu chứng như đau đầu, sốt, tiêu chảy nhưng đều tự khỏi sau đó, không ghi nhận trường hợp nào cần nhập viện điều trị do tình trạng nặng.

Theo BSCK II Nguyễn Minh Tiến - PGĐ Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM, thời gian gần đây do thời tiết thay đổi thất thường tạo môi trường sống thuận lợi cho các siêu vi trùng (virus) phát triển. Do vậy, nếu sức đề kháng kém, trẻ sẽ dễ mắc bệnh nhiễm siêu vi hay sốt siêu vi.

Dưới đây là một số tư vấn của bác sĩ Nguyễn Minh Tiến về dấu hiệu nhận biết, cách xử lý và phòng tránh khi bị nhiễm siêu vi:

Dấu hiệu khi trẻ bị nhiễm siêu vi

- Sốt cao:Thường 38-39 độ C, thậm chí 40-41 độ C. Khi hạ sốt, trẻ lại tỉnh táo, chơi bình thường; Ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, khi sốt cao không được hạ sốt kịp thời, trẻ dễ bị co giật, tăng tiết đàm nhớt dẫn đến suy hô hấp, thiếu ôxy não, nếu không được xử lý kịp thời.

Sốt là dấu hiệu điển hình khi trẻ bị nhiễm siêu vi. (Ảnh minh họa)

Sốt là dấu hiệu điển hình khi trẻ bị nhiễm siêu vi. (Ảnh minh họa)

- Đau nhức mình mẩy: Ở trẻ lớn thì đau cơ bắp, trẻ thường kêu đau khắp mình mẩy, trẻ nhỏ có thể quấy khóc;

- Đau đầu: Một số trường hợp trẻ có thể đau đầu nhưng vẫn tỉnh táo;

- Viêm long đường hô hấp: Các biểu hiện viêm long đường hô hấp như ho, chảy nước mũi, hắt hơi, họng có thể đỏ…

- Rối loạn tiêu hóa: Thường xuất hiện sớm nếu nguyên nhân gây sốt do siêu vi đường tiêu hóa, cũng có thể xuất hiện muộn hơn vài ngày sau khi sốt với đặc điểm là tiêu lỏng, không có máu, chất nhày.

- Viêm hạch: Một số trẻ có biểu hiện sưng hạch vùng đầu, mặt, cổ sau tai, gáy, thường kích thước nhỏ, không đau. Nếu sưng vùng ngay trước tai có thể nghi ngờ trẻ mắc bệnh quai bị.

- Phát ban: Một số trẻ biểu hiện nổi ban, phát ban khu trú ở mặt, chi hay toàn thân. Thường xuất hiện 2-3 ngày sau khi sốt, khi xuất hiện ban thì trẻ sẽ đỡ sốt.

- Viêm kết mạc mắt: Kết mạc mắt có thể đỏ, có ghèn, chảy nước mắt. khi xuất hiện kèm với ban đỏ có thể nghi ngờ trẻ bị ban sởi.

- Nôn: Trẻ có thể nôn nhiều lần nhưng thường xuất hiện sau khi ăn.

Một số biến chứng nặng hiểm gặp như viêm phổi gây suy hô hấp tiến triển hay viêm não hay lồng ruột do một số hạch mạc treo ruột bị viêm, các nang bạch huyết sưng to sẽ nhô vào lồng ruột, cản trở nhu động của ruột khiến hai đoạn ruột kế cận chui vào nhau.

Trẻ cần tới viện khi sốt liên tục không hạ, kèm li bì hoặc co giật. (Ảnh minh họa)

Trẻ cần tới viện khi sốt liên tục không hạ, kèm li bì hoặc co giật. (Ảnh minh họa)

Xử trí trẻ nhiễm siêu vi

Các bệnh do siêu vi gây ra hầu hết chưa có thuốc đặc hiệu, chủ yếu là điều trị triệu chứng, đối với sốt siêu vi hay nhiễm siêu vi ở trẻ em cũng vậy. Đầu tiên, nếu trẻ sốt thì cần phải chăm sóc như sau:

- Cởi bớt chăn mền, quần áo, chỉ cho trẻ mặc một lớp quần áo mỏng, trắng để cơ thể tỏa nhiệt làm giảm sốt

- Cho thuốc hạ sốt ở trẻ có nhiệt độ > 38 độ C. Thuốc được chọn là acetaminophen (paracetamol) vì đây là thuốc hiệu quả nhanh, thường có tác dụng 30 phút và kéo dài 4- 6h, ít tác dụng phụ. Cần cho trẻ uống đúng liều 10-15 mg/kg/lần, ngày uống 4 lần nếu trẻ còn sốt.

- Lau mát bằng nước ấm (nuớc thường pha âm ấm để tắm em bé) khi trẻ sốt cao trên 39-40 độ C gây khó chịu trong khi chờ tác dụng của thuốc hạ sốt hoặc trẻ đang co giật. Lau mát hạ sốt thường áp dụng cho trẻ từ 6 tháng đến 5 tuổi, không áp dụng cho trẻ sơ sinh vì dễ gây mất nhiệt, hạ thân nhiệt. Nước ấm giúp mạch máu dưới da giãn nỡ tốt giúp thải nhiệt.

Tránh dùng nước lạnh hay nước đá sẽ làm các mạch máu co lại không tỏa nhiệt được. Thường dùng 4 khăn nhúng nước ấm, vắt hơi ướt, đắp 2 bên nách, 2 bên bẹn, một khăn khác đắp lau khắp người trẻ. Kiểm tra nhiệt độ trẻ mỗi 15 - 30 phút, ngưng lau mát khi nhiệt độ dưới 38 độ C.

- Với trẻ bị sốt cao co giật cần đặt trẻ nằm nghiêng một bên để đàm nhớt dễ chảy ra ngoài, tránh hít đàm nhớt vào phổi; Nhét hậu môn thuốc hạ nhiệt acetaminophen; Lau mát cho trẻ bằng nước ấm; Đưa trẻ tới cơ sở y tế để có hướng điều trị tiếp.

Ngoài ra cần bù nước, chống bội nhiễm cho trẻ bằng cách vệ sinh sạch sẽ ở phòng kín gió, đồng thời chăm sóc dinh dưỡng hàng ngày. Tuyệt đối không nên quấn kín trẻ, kiêng ăn uống, không bóp nước chanh, đổ thuốc vào miệng trẻ khi trẻ đang co giật vì gây sặc, tắc đường thở đưa đến tử vong. Không cạo gió, cắt lễ…

Khi nào cần đưa trẻ đến viện

Trẻ cần đưa đến viện ngay lập tức khi:

- Trẻ sốt cao khó hạ hoặc sốt trên 2 ngày

- Trẻ < 2 tháng bị sốt

- Sốt kèm xuất hiện chấm xuất huyết ở da hay hồng ban mụn nước lòng bàn tay chân hoặc mụn nước ngứa toàn thân hay phát ban, tử ban hay kèm biểu hiện bất thường nào khác.

Đưa trẻ tái khám ngay khi

- Lơ mơ, ngủ nhiều li bì khó đánh thức;

- Nôn ói nhiều, nôn ra tất cả mọi thứ;

- Không ăn uống được hoặc bỏ bú;

- Co giật hay giật mình chới với, hoặc run chi;

- Thở bất thường, thở mệt, tím tái;

- Tay chân mát lạnh, da nổi bông;

- Bứt rứt đau bụng;

- Chảy máu cam, máu răng, ói máu, tiêu phân đen;

- Có biểu hiện bất thường nào khác;

Phòng tránh để hạn chế trẻ bị nhiễm siêu vi

- Không cho trẻ tiếp xúc với người đang bệnh;

- Giữ ấm cho trẻ;

- Không cho trẻ dầm mưa hay chơi ngoài nắng hay đi bơi quá nhiều, tắm dầm nước lâu;

- Đảm bảo vệ sinh ăn uống, môi trường sống thoáng mát, sạch sẽ

- Tiêm phòng cúm, viêm não, thủy đậu, sởi đầy đủ.

Hơn 700 trẻ ở Bắc Kạn đột ngột bị sốt, một bé 8 tuổi tử vong: Đã xác định được nguyên nhân
Chỉ trong thời gian ngắn, tỉnh miền núi này đã có hơn 700 trẻ có biểu hiện sốt không rõ nguyên nhân, trong đó có một trường hợp là bệnh nhi 8 tuổi tử vong.

Bệnh cảm cúm

LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Sốt siêu vi