Có câu nói "con hư tại mẹ, cháu hư tại bà", liệu có phải lúc nào cha mẹ, ông bà cũng là người duy nhất ảnh hưởng tới trẻ?
Đã có không ít nghiên cứu và nghiên cứu lâm sàng mở rộng tìm hiểu về mối liên hệ giữa hành vi của cha mẹ với tính cách của trẻ trong tương lai. Chẳng hạn như nếu cha mẹ thường xuyên bạo lực với nhau, xúc phạm nhau, trẻ có thể bị ảnh hưởng tới tâm lý, sinh ra cảm giác sợ hãi, không tin tưởng vào tình cảm của những người khác kể cả khi đã trưởng thành. Hay nếu cha mẹ sống tình cảm, biết yêu thương, con trẻ cũng sẽ dễ mở lòng và bao dung với mọi người hơn.
Tuy nhiên, việc tìm ra mối liên hệ nhân - quả thực tế giữa hành động cụ thể của cha mẹ và hành vi sau này của con cái là rất khó. Bởi một số trẻ em được nuôi dưỡng trong những môi trường khác nhau sau này lớn lên có thể có những tính cách rất giống nhau. Ngược lại, những đứa trẻ sống chung nhà và được nuôi dưỡng trong cùng một môi trường có thể lớn lên có những tính cách rất khác nhau.
Thạc sĩ Nguyễn Minh Thành.
Mới đây, thạc sĩ khoa học Nguyễn Minh Thành, chuyên ngành Tâm lý học Phát triển, giảng viên Đại học Hoa Sen đã có những chia sẻ trên trang Facebook cá nhân về việc liệu những yếu tố nào có thể ảnh hưởng tới trẻ, cha mẹ có phải là những người duy nhất tác động lên sự phát triển của trẻ trong tương lai?
Dưới đây là lời chia sẻ của thạc sĩ Nguyễn Minh Thành.
"Hôm trước trong diễn đàn làm cha, mình đọc một status được chia sẻ từ Facebook của một hot mom, trong đó cô ấy đơn giản kết luận đại ý rằng "cha mẹ như thế nào/ làm gì thì con cái sẽ (làm y) như thế đó".
Bên dưới có một số cha mẹ comment lại rằng: "Vậy tại sao tôi có 2 đứa con, đối xử với chúng như nhau mà mỗi đứa lại một kiểu" hay "Tại sao mình thì chăm chỉ dọn dẹp, mà con mình nó không bắt chước được tí nào nhỉ?"
Câu chuyện đâu có đơn giản như vậy.
Cha mẹ không phải hình mẫu duy nhất để con bắt chước theo
Học tập thông qua quan sát và bắt chước được viện dẫn nhiều kể từ khi nhà tâm lý học Albert Bandura, từ thực nghiệm búp bê Bobo cho ra đời Lý thuyết học tập xã hội (Social Learning Theory).
Lý thuyết này đại ý cho thấy, hành vi một phần đến từ việc một cá thể (1) chú tâm, (2) ghi nhớ, (3) mô phỏng, và (4) có động lực để tái hiện lại hành vi mà em quan sát được trong môi trường - nơi mà em đang sinh sống.
Tuy nhiên, không phải tất cả các hành vi được nhìn thấy thì đều sẽ được bắt chước lại. Việc một đứa trẻ có bắt chước hành vi hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Ví dụ như: Mức độ lặp lại của hành vi đó trước mặt đứa trẻ; Người làm hành vi đó có được tưởng thưởng hay bị trừng phạt bởi hành vi của họ?; Hành vi đó có phù hợp và giúp giải quyết hiệu quả tình huống mà đứa trẻ đang gặp phải hay không?; Hình mẫu mà đứa trẻ đang quan sát có đóng vai trò quan trọng đối với trẻ hay không?
Albert Bandura cũng nói rằng những củng cố bên ngoài, và đơn giản là quan sát cũng chưa chắc mang đến sự tái lập về hành vi của trẻ em. Nó còn liên quan đến những yếu tố tâm lý bên trong (Internal Psychological Characteristics) như: lòng tự hào, sự dễ chịu, sự thoả mãn, và cảm giác đạt được một thành tựu gì đó.
Và nên nhớ thêm, cha mẹ không phải lúc nào cũng là hình mẫu duy nhất để đứa trẻ quan sát và bắt chước. Ngoài ra còn rất nhiều các hình mẫu khác, mặc dù vẫn phải nói rằng cha mẹ, hay người chăm sóc trực tiếp là một trong các yếu tố môi trường quan trọng nhất đối với sự phát triển lành mạnh của trẻ em về mặt sức khoẻ tinh thần.
Những yếu tố ảnh hưởng tới một con người
Hình ảnh bên dưới được trích ra từ học thuyết Hệ thống Sinh thái (Bio-ecological System Theory), của giáo sư Bronfenbrenner. Lý thuyết này phân tích sự ảnh hưởng nhiều chiều của:
1. Các đặc tính của chính một cá nhân, như: giới tính, tình trạng sức khoẻ, nét nhân cách, tính khí....đ ến sự phát triển của chính họ. Ví dụ như nhiều nghiên cứu phát hiện ra rằng trẻ em nam thường tham gia vào các hành vi bắt nạt thể chất (Physical Bullying) nhiều hơn trẻ em nữ......
2. Sự ảnh hưởng của các lớp môi trường bên ngoài đến sự phát triển của một cá thể. Các lớp môi trường này bao gồm
- Micro System (Lớp vi mô): Là những tương tác trực tiếp, gần gũi nhất và được cho là có sự ảnh hưởng mạnh mẽ nhất đến trẻ em, như cha mẹ, nhà trường, bạn bè.....
- Meso System (Lớp tương tác): Là nơi mà các yếu tố trong lớp vi mô tương tác với nhau. Ví dụ, mối quan hệ giữa gia đình và nhà trường sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em.
- Exo System (Lớp ngoại vi): Là những môi trường mà đứa trẻ không trực tiếp tham gia vào, nhưng lại có ảnh hưởng đến sự phát triển của chúng. Ví dụ như, các nghiên cứu phát hiện ra rằng mối quan hệ nghề nghiệp của cha mẹ có thể gián tiếp ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em. Việc cha mẹ tương tác với đồng nghiệp của họ có thể làm thay đổi phong cách làm cha mẹ và thực hành nuôi dạy con cái hàng ngày của họ, và từ đó gián tiếp tác động lên sự phát triển của trẻ.
- Macro System (Lớp vĩ mô): Là môi trường văn hoá rộng lớn, những quy chuẩn đạo đức, giá trị văn hoá,…nơi đứa trẻ và gia đình của chúng tồn tại. Những thái độ và niềm tin này sẽ có ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em.
- Chrono System (Lớp niên đại): Bao gồm những gì xảy ra (1) tuần tự (Ví dụ: Kết hôn, sinh nở) hay (2) bất ngờ (Ví dụ: Sự ra đi của người thân, đại dịch) trong suốt một đời người cũng sẽ ảnh hưởng lên người đó.
3. Bronfenbrenner và Moris (2006) đã chỉnh sửa lại mô hình của mình và cân nhắc chúng ta rằng các lớp môi trường này không tồn tại một cách độc lập tuyệt đối, mà có sự tương tác qua lại lẫn nhau. Tương tác ở đây bao gồm cả:
- Giữa đặc điểm bên trong của đứa trẻ với môi trường bên ngoài (Đó cũng là một trong những giải thích rằng tại sao với 2 đứa con khác nhau, cha mẹ sẽ ưu tiên sử dụng các cách nuôi dạy khác nhau)
- Tương tác giữa các lớp môi trường với nhau.
Các tác giả cũng thêm vào yếu tố thời gian tiếp xúc. Tức là để chỉ mức độ lâu dài hay ngắn ngủi mà cá nhân đó chịu sự ảnh hưởng của các lớp môi trường này. Ví dụ một đứa trẻ sống cả tuổi thơ với cha mẹ mình, và một đứa trẻ sống một thời gian ngắn với cha mẹ sau đó chuyển đi sống với những người khác, hoặc vì một lý do gì đó mà xa cha mẹ sẽ có thể có những ảnh hưởng khác nhau bởi cha mẹ.
Như vậy để thấy rằng, sự ảnh hưởng lên quá trình phát triển của trẻ em là rất đa dạng, phức tạp, và không thể nào chỉ có thể quy kết về một nguyên nhân duy nhất. Mặc dù các nghiên cứu vẫn cho rằng trong giai đoạn ấu thơ thì vai trò của người chăm sóc trực tiếp (cha mẹ, ông bà....) là vô cùng quan trọng.
Thêm nữa, quan điểm bối cảnh hiện nay trong tâm lý học cũng không đứng vững ở nghĩa "cố định", bối cảnh cũng có tính năng động và luôn luôn biến động không ngừng. Nên phải rất cẩn thận khi diễn giải quan điểm, lý thuyết, và cả bằng chứng thực nghiệm để tránh rơi vào việc bắt nạt nhận thức và gây tổn hại đến trẻ em và cha mẹ của trẻ.