Hantavirus khiến một người tử vong ở Trung Quốc là gì và có nguy cơ thành dịch không?

Ngày 27/03/2020 18:30 PM (GMT+7)

Một trường hợp nhiễm hantavirus được báo cáo ở Trung Quốc trong bối cảnh diễn ra đại dịch COVID-19 đang thu hút sự quan tâm của cư dân mạng.

Ngày 25/3, nhiều báo đài đưa tin Trung Quốc có một ca tử vong là một người từ tỉnh Vân Nam, Trung Quốc khi đang trên đường trở về tỉnh Sơn Đông để làm việc trên một chiếc xe buýt vào ngày 23/3. Người này được xét nghiệm và cho thấy là do nhiễm virus tên là Hantavirus.

Trước tình hình dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, nhiều người bắt đầu lo sợ về một dịch bệnh virus khác có thể bùng phát. Các nhà chức trách đã cho 32 người khác trên cùng chuyến xe bus xét nghiệm để kiểm tra xem có nhiễm virus này hay không. Vậy bệnh Hantavirus là gì? Nó có nguy hiểm và có khả năng lây lan thành dịch hay không?

Theo Express đưa tin, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết không giống như virus corona chủng mới, hantavirus là một họ virus lây lan chủ yếu bởi loài gặm nhấm (điển hình là chuột) và không truyền từ người sang người - một đặc điểm quan trọng cần thiết để một virus trở thành đại dịch. Do đó, mọi người không nên quá lo lắng.

Để giúp mọi người hiểu rõ hơn về virus này và tránh gây hoang mang, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Vũ đang công tác tại Viện Nghiên cứu ung thư, City of Hope, California, Mỹ, đồng thời là Cố vấn khoa học Ruy Băng Tím đã có những chia sẻ hữu ích về hantavirus.

Hantavirus khiến một người tử vong ở Trung Quốc là gì và có nguy cơ thành dịch không? - 1

TS. Nguyễn Hồng Vũ.

Hantavirus là gì?

Hiện nay, có nhiều chủng hantavirus khác nhau trên thế giới, tùy chủng mà việc nhiễm virus có thể gây ra các hội chứng bệnh khác nhau. Các chủng virus thuộc họ hantavirus ở châu Mỹ được gọi là “New World” hantaviruses, thường gây ra hội chứng phổi hantavirus (Hantavirus Pulmonary Syndrome - HPS).

Các loại hantavirus khác, được biết đến với tên là “Old World” hantaviruses, được tìm thấy chủ yếu ở châu Âu và châu Á có thể gây sốt xuất huyết với hội chứng thận (Hemorrhagic Fever with Renal Syndrome - HFRS).

Hantavirus có vật liệu di truyền là RNA chuỗi đơn bao gồm ba đoạn âm tính và là thành viên của họ virus Bunyaviridae. Virus này được phân lập đầu tiên từ chuột ở dọc theo sông Hantan, Hàn Quốc vào năm 1976 bởi nhóm bác sĩ Ho-Wang Lee, người đã dựa vào tên con sông đặt tên cho nó là hantavirus (HTNV).

Hantavirus lây truyền như thế nào?

Virus được lây lan chủ yếu bởi loài các loài gặm nhấm (chuột là chủ yếu). Việc nhiễm bệnh cho người thường xảy ra qua đường khí dung (aerosolized) từ nước tiểu, phân và nước bọt (khi chúng ta hít các virus bay ra từ nước tiểu, phân, nước bọt của chuột có chứa virus). Ngoài ra, có số ít trường hợp lây nhiễm do vết cắn từ vật chủ bị nhiễm bệnh.

Hantavirus khiến một người tử vong ở Trung Quốc là gì và có nguy cơ thành dịch không? - 2

Hantavirus lây truyền từ chuột sang người, chưa có bằng chứng lây từ người sang người. Ảnh minh họa

Đã có thuốc điều trị Hantavirus chưa?

Bệnh do lây nhiễm virus này chưa có thuốc đặc trị, việc điều trị chủ yếu là “hỗ trợ điều trị”, bệnh nhân tự hồi phục bằng hệ miễn dịch của họ.

Vaccine đã được phát triển và sử dụng ở một số vùng ở Trung Quốc và Hàn Quốc là dạng virus bất hoạt (inactivated virus) để phòng ngừa các chủng hantavirus (chủng HTNV và SEOV) gây bệnh sốt xuất huyết với hội chứng thận (HFRS). Vaccine này không thấy tác dụng cho chủng khác như chủng PUUV (Puumala hantavirus).

Một số nghiên cứu vaccine khác cho việc phòng ngừa hantavirus cũng đang diễn ra trên thế giới ở giai đoạn 1-2 thí nghiệm lâm sàng.

Phòng ngừa hantavirus như thế nào?

Hiện nay, việc phòng ngừa lây nhiễm mầm bệnh do hantavirus chủ yếu được tập trung vào việc giảm thiểu tiếp xúc với loài gặm nhấm trong nhà, nơi làm việc hoặc khu cắm trại. Bịt kín các lỗ, khoảng trống trong nhà để tránh chúng làm tổ. Làm sạch bất kỳ thực phẩm nào rơi rớt ở nơi bạn sinh sống. Và nên kiêng ăn thịt chuột (ít nhất là khi có dấu hiệu dịch bệnh xuất hiện).

Dấu hiệu nhiễm hantavirus

Bệnh nhân có triệu chứng sốt cao 3 - 5 ngày, có khi sốt kéo dài 4 - 6 tuần. Từ khi nhiễm Hantavirus đến khi phát bệnh từ 9 - 35 ngày, nhưng đa số từ 9 - 24 ngày. Bệnh có biểu hiện qua bốn thời kỳ: sốt, đau cơ lớn (các cơ vai, đùi, lưng), người gai lạnh, suy nhược, đau đầu, chán ăn, buồn nôn, có khi nôn, đau bụng (tăng dần) và tiêu chảy…

Ở thời kỳ đầu, khi bệnh nhân bị đau bụng rất dễ nhầm lẫn với bệnh viêm ruột thừa hoặc viêm cầu thận có mủ. Có bệnh nhân còn có biểu hiện mặt đỏ hồng như đi tắm biển. Ngoài ra, bệnh nhân còn một số triệu chứng của bệnh đường hô hấp trên như đau họng, ngạt mũi, viêm xoang, đau tai. Có bệnh nhân có các chấm đỏ nhỏ như sốt xuất huyết. Sau đó xuất hiện tràn dịch màng phổi, ho, viêm cơ tim, khó thở, tụt huyết áp và có phù phổi.

Trường hợp bệnh diễn tiến nặng, nếu phát hiện muộn, bệnh nhân có thể tử vong (tỉ lệ tử vong từ 6 - 10%) do suy hô hấp, suy tim, suy thận phải.

Những hội chứng thường gặp

Trên lâm sàng, ở người nhiễm Hantavirus có thể gặp 2 nhóm hội chứng:

Hội chứng về thận kèm sốt xuất huyết:

Bắt đầu bằng các dấu hiệu tương tự như cảm cúm trong vòng từ 3 - 6 ngày, mệt mỏi cực độ, sốt, đau nhức các bắp thịt. Đôi khi có thể nhức đầu, chóng mặt, đau bụng và nôn mửa. Sau đó thận bị tổn thương, suy thận, nổi các nốt đỏ ở da, chảy máu cam và tiểu có máu. Kết quả xét nghiệm máu có tăng số tế bào bạch cầu (thrombocytes).

Hội chứng về phổi:

Bắt đầu như cảm cúm kéo theo một thời gian thở khó cấp tính, thở ngắn và ho. Tỷ lệ tử vong cao có thể lên đến 50%.

Nguồn: Sức khỏe đời sống

Giữa dịch COVID-19, một người Trung Quốc tử vong vì hantavirus
Một người đàn ông đã tử vong ở Trung Quốc sau khi nhiễm hantavirus, nhưng điều đó không có nghĩa mọi người phải lo lắng về một đại dịch khác đang đến.
Hoàng Dương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Các bệnh khác