Trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, đối tượng F1 nên cách ly ở nhà, còn người không may là F0 cần phải bình tĩnh.
Nếu không may là F0, sẽ phải làm gì?
Đó là câu hỏi được nhiều người đặt ra trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang có diễn biến hết sức phức tạp. Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh (Bệnh viện Nhi đồng 1 - TP HCM) cho biết nếu không may là F0, phải bình tĩnh và hết sức bình tĩnh.
“Nếu trở thành F0 chắc hẳn nhiều người sẽ lo lắng cho gia đình, những người thân, những người đã từng tiếp xúc với mình. Đó là chuyện đương nhiên, ngay bản thân tôi không sợ bệnh mà chỉ nghĩ mình bệnh sẽ làm phiền và lo lắng cho người khác.
Nếu trở thành F0, thì nên bình tĩnh, dần nhớ lại những nơi mình đến, những người mình tiếp xúc để giúp truy vết càng sớm càng tốt”, bác sĩ Khanh cho biết.
Bác sĩ Khanh cho biết bản thân F0 đừng nghĩ rằng mình là tội đồ cho mọi chuỗi rắc rối sau đó, bởi thiên hạ đương nhiên sẽ có người chê trách. Trường hợp đã làm sai thì rút kinh nghiệm cho bản thân và luôn hợp tác tốt, mọi việc có pháp luật phân xử, bởi thiên hạ thì có người này, người kia.
Nếu không may trở thành F0, người bệnh cần phải hết sức bình tĩnh.
Trường hợp trở thành F0 nhưng không có triệu chứng thì hãy lạc quan bệnh sẽ tự hết, phải biết mình là nguồn phát tán virus ra môi trường nên hãy đeo khẩu trang đúng cách, cố gắng uống đủ nước, ngủ đủ giấc. Nếu sốt, tức ngực khó thở hay nghi ngờ khó chịu gì, báo nhân viên y tế ngay.
“Nếu có triệu chứng, nhân viên y tế sẽ chăm sóc nhưng phải ăn đủ chất, uống đủ nước vì trường hợp mất vị giác sẽ không muốn ăn gì, khi không có năng lượng thì không thể hết bệnh. Phải luôn bảo đảm vệ sinh ăn uống vì siêu vi COVID-19 chưa làm gì mình thì các tác nhân nhiễm thêm sẽ gây bệnh rất nặng”, bác sĩ Khanh khuyến cáo.
Nên để các đối tượng F1 cách ly tại nhà
PGS Nguyễn Huy Nga - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, trong điều kiện dịch bùng phát và lan rộng trong cộng đồng đồng như tại Bắc Giang, Bắc Ninh hiện nay thì phương án cho các đối tượng F1 cách ly tại nhà là hợp lý nhất vừa tránh lây nhiễm chéo vừa tiết kiệm được ngân sách nhà nước. Kinh nghiệm các nước thì F1 chủ yếu cách ly tại nhà theo hướng dẫn của y tế.
Theo vị chuyên gia này, không phải tất cả những người tiếp xúc gần (F1) đều là bệnh nhân và có tới 60% những người dương tính với virus SARS-CoV-2 không có triệu chứng, tức là họ vẫn bình thường và vẫn có thể lao động, nghiên cứu, làm việc online.
Vì vậy việc đưa tất cả F1 vào cách ly tập trung khi dịch bùng phát trong cộng đồng và địa phương đã giãn cách xã hội hoặc bị phong tỏa là chưa thật sự hợp lý.
Việc cách ly F1 tại nhà trong thời điểm dịch bùng phát mạnh, có thể lây trong khu cách ly tập trung là cần thiết.
Việc cách ly tập trung tất cả F1 vào một chỗ thì nguy cơ lây nhiễm từ người đã bị nhiễm virus sang người lành rất cao. Khi có nhiều người F1 mang virus được tập trung vào một không gian hẹp thì nồng độ giọt bắn mang virus rơi vào không khí càng cao và khi người lành sống trong môi trường đó hít thở không khí với tải lượng virus lớn thì việc nhiễm bệnh là đương nhiên.
Có khi người mới vào cách ly mang virus trong người lại lây cho người đã cách ly 14 ngày và khi người này cách ly xong về nhà mới phát hiện dương tính.
Đặc biệt những người già, những người có bệnh nền thì càng dễ bị virus tấn công, cộng thêm điều kiện sinh hoạt, ăn uống, nhiệt độ nóng bức thì sức khỏe của họ rất dễ bị suy kiệt.
Những đối tượng trẻ em, em bé khi được cách ly tập trung trong những điều kiện nắng nóng thì rất dễ bị tổn thương do cơ chế điều hòa thân nhiệt của các em chưa hoàn chỉnh. Ngoài ra những tác động tâm lý, tâm thần, dinh dưỡng lên những đối tượng này cũng cần phải được quan tâm.
PGS Nga cho rằng, việc cách ly các F1 tại nhà có nhiều ưu điểm. Cụ thể:
- Thứ nhất, họ có thể tránh được lây nhiễm chéo.
- Thứ hai, họ có thể tự phục vụ hoặc có người khác phục vụ ăn uống, mua thực phẩm onlie, điều kiện vệ sinh được tốt hơn.
- Thứ ba, về mặt tâm lý, tinh thần họ thoải mái hơn.
- Thứ tư, họ vẫn tiếp tục làm việc và theo dõi sức khỏe của mình.
- Thứ năm, nhà nước không phải tiêu tốn các chi phí phục vụ ăn uống, điện nước, theo dõi sức khỏe, bố trị địa điểm, tổ chức giám sát, canh phòng…
Hơn nữa, việc cách ly tại nhà Bộ Y tế cũng đã có các hướng dẫn cụ thể để các F1 và người nhà thực hiện. Chỉ cần sự tổ chức quản lý phù hợp của chính quyền địa phương nơi F1 cư trú để hướng dẫn gia đình và đối tượng F1 thực hiện đúng, giám sát và định kỳ lấy mẫu xét nghiệm. Có thể yêu cầu các F1 và gia đình ký cam kết trách nhiệm và thông báo cho cộng đồng biết để tham gia giám sát.
* Nội dung bài viết thể hiện quan điểm của các bác sĩ.