Rác thải nhựa hoặc những đồ dùng nhựa không an toàn đang đe dọa nghiêm trọng sự sống của con người. Tuy nhiên, chỉ với những hành động nhỏ cũng có thể bớt đi rất nhiều nhựa ra môi trường.
Hạt nhựa vào cơ thể gây nên rối loạn không thể sửa chữa: Không Dùng đồ nhựa để đựng/bảo quản đồ ăn
Việt Nam hiện đang thuộc top những quốc gia có lượng rác thải nhựa xả ra môi trường nhiều nhất thế giới. Lượng rác thải nhựa này ngoài từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh mang tính công nghiệp, ngay tại các gia đình ngày nào cũng có rác thải nhựa thải ra môi trường.
Theo đó, trong cuộc sống hàng ngày từ việc uống nước, đi chợ, nấu ăn… mọi người đều có thể sử dụng và thải ra rác nhựa. Đáng chú ý, việc nhiều người vì tiện lợi dùng cả những đồ nhựa tái chế hàng ngày nên rất nguy hiểm đến sức khỏe.
Thạc sĩ, bác sĩ Trần Quốc Khánh (Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức) cho biết, hiện mọi người đang tiếp xúc với đồ nhựa quá nhiều. “Cùng với ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm thực phẩm thì "lạm dụng" nhựa trong cuộc sống cũng đang vô tình làm sức khoẻ của chúng ta giảm sút nghiêm trọng.
Túi bóng đựng xôi, đựng nước canh, bún, bát nhựa đựng đồ ăn ở nhà, hộp nhựa bảo quản thực phẩm, ống hút nhựa… chưa kể đến đồ nhựa chúng ta tiếp xúc hằng ngày qua áo quần, giày dép, bàn chải đánh răng, bàn ghế ngồi…”, bác sĩ Khánh cảnh báo.
Đồ nhựa không an toàn gây ảnh hưởng rất lớn đối với sức khỏe con người khi sử dụng. (Ảnh minh họa)
Bác sĩ Khánh dẫn chứng một nghiên cứu ở Hà Lan cho rằng khi tiếp xúc, sử dụng đồ nhựa thì những hạt bụi nhựa li ti sẽ vào cơ thể chúng ta và gây ra những rối loạn, tổn thương không thể sửa chữa. “Tôi khuyên mọi người nên sử dụng đồ sứ, thủy tinh, túi vải, túi cói, túi mây đan, túi giấy, nắm lá chuối và tuyệt đối không dùng đồ nhựa đựng - bảo quản thực phẩm đồ ăn”, bác sĩ Khánh khuyến cáo.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh – chuyên gia về công nghệ thực phẩm cho biết, việc dùng đồ nhựa tái chế, túi nilon để đựng thực phẩm là thói quen lâu nay nhiều người Việt Nam thực hiện. Tuy nhiên, ít ai biết được rằng việc làm này sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm chì, cadimi…
Thay đổi thói quen hàng ngày để giảm nhựa, bảo vệ môi trường
Đồ nhựa đã xuất hiện và được sử dụng rộng rãi thành một thói quen trong đời sống xã hội. Để từ bỏ thói quen này không phải là điều dễ dàng, nhưng PGS Thịnh cho rằng, môi trường đang ô nhiễm, sức khỏe con người bị ảnh hưởng nên con người cần thay phải thay đổi thói quen.
PGS Thịnh cho biết hãy thay đổi thói quen sử dụng nhựa hàng ngày bằng những việc làm rất nhỏ.
Không bắt đầu từ những việc to tát, PGS Thịnh cho biết việc thay đổi này nên thực hiện từ những thói quen hàng ngày như:
- Thay bằng dùng túi nilon đi chợ, mọi người nên dùng làn hoặc các loại túi vải, túi giấy dễ tiêu.
- Nếu mua đồ ăn nấu chín mang về, thay bằng dùng hộp xốp, túi nilon mọi người nên mang theo cạp lồng, hộp đựng thực phẩm để đựng thức ăn mang về.
- Hàng ngày thay bằng mua các chai nước lọc ở hàng quán, mỗi người hãy chuẩn bị cho mình một chai thủy tinh, bình giữ nhiệt nhỏ bằng inox để mang theo nước bên người.
- Trong cuộc sống có thể thay các loại cốc nhựa bằng cốc giấy dùng 1 lần. Thay sử dụng ống hút nhựa bằng ống hút làm từ các sản phẩm thân thiện với môi trường. Thay đổi dùng thìa nhựa bằng thìa đũa gỗ hoặc inox…
- Sau khi sử dụng xong đồ nhựa, thay vì vứt bừa bãi ra môi trường thì có thể tận dụng làm các việc có ích khác như: Làm chậu trồng cây cảnh, làm máng trồng rau, trông hòa…
- Đối với các gia đình ở nông thôn, có diện tích đất rộng, lượng rác thải nhựa không nhiều, thay vì vứt bừa bãi để chôn vùi vào trong đất mọi người hãy thu gom và xử lý bằng cách đốt thật sạch sẽ.
“Đó là một số việc nhằm thay đổi thói quen sử dụng đồ nhựa hàng ngày. Còn về lâu dài chúng ta cần phải có những giải pháp căn cơ, đó là thay đổi nhận thức của mọi người”, PGS Thịnh nói.