Các chuyên gia khuyến cáo, một số phương pháp đang được lan truyền trên mạng là có tác dụng trị COVID-19 như xông lá, dùng thuốc hạ sốt liều cao, áp dụng tần số đặc biệt... đều không có cơ sở khoa học, thậm chí có thể gây nguy hiểm nếu áp dụng tùy tiện.
Dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, đặc biệt là đợt dịch thứ 4 này với số ca mắc tăng cao và lan rộng nhiều địa phương trên cả nước.
Gần đây, trong khi các bác sĩ tại cơ sở y tế đang nỗ lực điều trị theo phác đồ, trên mạng xã hội lan truyền nhiều thông tin về những phương pháp giúp “đánh bay” COVID-19 chưa được kiểm chứng, chẳng hạn như dùng nước lá thảo dược xông, xông tinh dầu, dùng dầu gió hay tắm nước nóng, ăn nhiều tỏi…
Thậm chí, gần đây, một số hội nhóm còn đăng thông tin về việc tần số 25.5hz sẽ “giết chết” được virus SARS-CoV-2. Người đăng bài chia sẻ rằng để có được tần số rung động cao hơn là kết quả của các hành vi như: Hào phóng 95hz; Lòng biết ơn 150hz; Từ bi 150hz trở lên; Tần số của tình yêu và lòng trắc ẩn đối với tất cả chúng sinh là 150 Hz và hơn thế nữa; Tình yêu vô điều kiện và phổ quát từ 205hz.
Việc xông tinh dầu hay thảo dược không thể diệt được virus gây bệnh COVID-19.
Trước những thông tin trên, các tổ chức y tế, chuyên gia, bác sĩ đã lên tiếng cảnh báo, người dân cần thực hiện nghiêm khuyến cáo 5K của Bộ Y tế và tuân thủ các biện pháp giãn cách xã hội. Với những trường hợp là F0, F1 cần phải thực hiện điều trị, cách ly theo hướng dẫn của bác sĩ.
Đối với thông tin xông thảo dược, tinh dầu hay dùng dầu gió "đánh bay" COVID-19, TS.BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm-Thần kinh (Bệnh viện Nhi đồng 1, TP. HCM) cho biết, cách này có thể thực hiện giúp cơ thể giảm mệt mỏi chứ không có tác dụng tiêu diệt virus, chữa khỏi COVID-19. Theo ông, giống như khi cảm cúm, việc xông thảo dược có thể khiến cơ thể nhẹ nhõm nhưng khi thực hiện cần phải đặc biệt chú ý một số vấn đề.
“Khi mắc COVID-19 thường sẽ có triệu chứng sốt, khi cơ thể đang sốt thì tuyệt đối không được xông, vì xông khi đó sẽ khiến sốt càng trầm trọng hơn. Ngoài ra, không nên ngày nào cũng xông hoặc xông ngày 2-3 lần. Vì vừa không có tác dụng mà xông khiến cơ thể đổ mồ hôi, dễ mất nước và khiến bệnh nặng hơn. Khi xông cũng phải đảm bảo nguồn nước, lá xông sạch sẽ, nếu xông tinh dầu chỉ xông với lượng nhỏ”, TS Khanh khuyến cáo.
Bác sĩ cho biết, hiện nay, không chỉ bày cho nhau cách sử dụng bài thuốc kiểu dân gian trên để chữa COVID-19, không ít người còn tự tiện sử dụng hoặc hướng dẫn người khác dùng bừa bãi cả thuốc tây.
Điển hình, nhiều người có biểu hiện đau mỏi, sốt thường dùng ngay paracetamol, thậm chí với liều cao liên tục. Việc dùng loại thuốc này không đúng liều lượng theo cân nặng sẽ có nguy cơ gây hại đến sức khỏe nghiêm trọng. Thực tế đã có trường hợp ngộ độc do dùng quá liều. "Khi dùng thuốc tây, dù chỉ là loại giúp giảm đau, hạ sốt, cũng cần tuân theo chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ", TS Khanh cho biết.
Thông tin hít dầu gió sẽ âm tính với SARS-CoV-2 là thông tin không có cơ sở khoa học.
Thông tin ăn tỏi, tắm nước nóng, ăn đồ cay nóng giúp diệt virus SARS-CoV-2 cũng không hề có cơ sở khoa học. Tổ chức Y tế thế giới WHO đã khẳng định và khuyến cáo: "Tỏi là một thực phẩm rất tốt cho sức khỏe và có thể có một số tính kháng khuẩn. Nhưng hiện nay không có bằng chứng cho thấy ăn tỏi bảo vệ mọi người khỏi virus SARS-CoV-2”.
Riêng đối với thông tin về tần số 25.5hz sẽ “giết chết” được COVID-19, Ths.BS Nguyễn Viết Chung (Bệnh viện E) cho biết, đúng là khi cảm xúc vui vẻ, hạnh phúc thì sức đề kháng con người sẽ tốt lên, năng lượng của cơ thể cũng ở mức cao. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc bạn có thể tránh được bệnh COVID-19 nếu như không tuân thủ 5K và tiêm vắc xin. Hiện nay chưa có nghiên cứu nào nhắc tới tần số rung động của virus SARS-CoV-2 là bao nhiêu.
Tần số 25.5HZ giúp con người vui vẻ, hạnh phúc, tràn đầy năng lượng nhưng cũng không thể diệt được COVID-19.
Theo phân tích của bác sĩ Chung, khi một người có trạng thái tích cực như vui vẻ, hăng hái, hạnh phúc, lạc quan, yêu thương… thì đương nhiên sẽ khoẻ hơn so với một người luôn sống một cuộc sống bi luỵ, sợ hại, nghi ngờ, ích kỷ… Khoẻ hơn ở đây cần phải hiểu rõ rằng khi sức khoẻ tinh thần khoẻ mạnh thì hệ miễn dịch sẽ hoạt động tốt, hệ tim mạch, hô hấp làm việc tốt, cơ thể có nhiều năng lượng.
Bạn nên làm gì tại nhà khi là F0, F1?
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, với các trường hợp người mắc hay nghi mắc COVID-19 chưa được đưa tới viện điều trị hoặc thuộc nhóm có thể cách ly tại nhà, thì việc đầu tiên bạn cần làm là giữ bình tĩnh. Đừng quá hoang mang lo lắng bởi trạng thái tâm lý cũng ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe.
Bạn và người nhà cần tuân theo các hướng dẫn về tự cách ly, bảo vệ sức khỏe của chuyên gia y tế. Có thể chuẩn một số loại thuốc thông thường như thuốc hạ sốt, tiêu hóa, dạ dày, dầu xoa, các loại vitamin để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Hằng ngày có thể dùng nước muối sinh lý để súc miệng, họng, xịt rửa mũi... Tuyệt đối không tự ý sử dụng kháng sinh hay thuốc chứa steroids.
Nếu bạn là F0 chưa kịp vào viện hoặc thuộc nhóm có thể được chăm sóc tại nhà, nên tham khảo thêm tư vấn về cách bảo vệ sức khỏe cho bản thân từ PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi TW tại đây.