Bánh Trung thu nướng là món không thể thiếu trên mâm cỗ Tết Trung thu. Tham khảo các cách làm bánh Trung thu nướng nhân thập cẩm, đậu xanh, khoai lang, chay… đơn giản sau đây.
Làm bánh Trung thu nướng bằng bột gì?
Để làm bánh Trung thu nướng bạn có thể sử dụng rất nhiều loại bột khác nhau. Trong cách làm bánh Trung thu nướng này, Bếp Eva sẽ giới thiệu đến bạn 4 loại bột chính có thể dùng.
- Bột mì đa dụng
Đa số các chị em đều chọn loại bột này để làm bánh Trung thu. Một số lí do giúp bột mì đa dụng được ưu tiên:
+ Dễ kiếm: Bạn có thể mua được bột tại bất kỳ cửa hàng tạp hóa hay siêu thị nào.
+ Rẻ: Bột mì đa dụng cực kỳ rẻ, bạn chỉ cần bỏ ra 20.000đ - 30.000đ là đã có trong tay 1 túi bột mì với trọng lượng từ 500g - 1kg.
+ Dễ làm: Bánh Trung thu nướng làm từ bột mì cho phần vỏ cực kỳ mềm, xốp và bông tơi nhờ hàm lượng gluten trong bột thấp.
Tuy nhiên, vì không phải là bột chuyên dùng vì thế nên sau khi làm bánh bạn phải để cho bánh nghỉ từ 2 - 4 ngày mới có thể sử dụng.
Bột mì đa dụng hoặc bột pha sẵn luôn là lựa chọn hàng đầu của các chị em
- Bột bánh Trung thu pha sẵn
Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều sản phẩm bột bánh Trung thu được pha sẵn. Loại bột này đã được trộn đầy đủ bột với các chất phụ gia khác theo tỉ lệ hoàn hảo nên cực kỳ dễ làm.
+ Tiện dụng: Nhờ phần bột được pha sẵn, bạn có thể bắt tay vào làm bánh ngay mà không cần kỳ công chia tỷ lệ, trộn các loại bột.
+ Bánh ngon: Do được tính toán kỹ lưỡng về tỷ lệ bột vì thế mà bánh sẽ ngon, mềm và bông xốp hơn so với bột thường.
Mặc dù vậy, bạn sẽ rất khó điều chỉnh vị mặn ngọt trong bột sao cho đúng với sở thích của bản thân.
Bên cạnh 2 loại bột mà Bếp Eva vừa chia sẻ, cách làm bánh Trung thu nướng còn có thể sử dụng bột bánh ngọt và bột làm bánh mì. Tùy vào điều kiện thực tế của mỗi gia đình mà bạn lựa chọn một loại bột làm bánh phù hợp.
1. Cách làm bánh Trung thu nướng nhân đậu xanh
Với những người không thích ăn nhân thập cẩm vì sợ ngấy thì có thể tham khảo công thức nhân đậu xanh dưới đây. Các thao tác làm bánh cũng không quá khó, bạn chỉ cần nhào bột, sên nhân đậu rồi sau đó nặn bánh và đóng khuôn là hoàn thành.
Bánh nướng nhân đậu xanh thơm ngậy, dễ ăn
Món bánh nướng nhân đậu xanh này rất dễ ăn. Phần vỏ bánh thơm ngon, nhân bánh dẻo mịn, béo bùi đặc trưng từ đậu xanh nên hợp với đa số mọi người.
>> Cách làm bánh Trung thu nướng nhân đậu xanh
2. Cách làm bánh Trung thu nướng nhân thập cẩm
Dù có không ít cách làm bánh Trung thu nướng mới lạ và thơm ngon nhưng loại bánh nướng nhân thập cẩm vẫn chưa bao giờ hết hot. Phần nhân được làm kỳ công với “7749” các nguyên liệu khác nhau. Từ mứt bí, mứt sen cho tới lạp xưởng, mõ đường, rượu mai quế lộ cùng vô số các nguyên liệu khác. Tất cả hòa quyện tạo nên một phần nhân bánh thơm ngon không loại bánh nào có được.
Phần nhân thập cẩm đậm đà làm nên sức hấp dẫn cho món bánh Trung thu nướng này
Công thức làm bánh Trung thu nướng nhân thập cẩm không khó. Bạn chỉ cần làm theo quy trình mà Bếp Eva đã liệt kê là có thể hoàn thành ngay món bánh cho ngày Tết Đoàn viên thêm đủ đầy.
Bánh Trung thu nướng thập cẩm ăn rất ngon. Phần vỏ bánh mềm xốp thơm lừng, nhân bánh béo ngậy, thơm thơm kèm thêm chút mỡ sần sật, lạp xưởng đậm vị ăn cực kỳ thích.
>> Các bước làm bánh Trung thu nướng nhân thập cẩm
3. Cách làm bánh Trung thu nướng chay
Muốn ăn bánh Trung thu nướng nhân thập cẩm nhưng lại thuộc “hệ ăn chay” thì nhất định bạn đừng bỏ qua công thức sau đây nhé.
Cách làm bánh nướng chay rất đơn giản. Vẫn là những nguyên liệu làm bánh nhân thập cẩm thường thấy là: Bột mì đa dụng, các loại hạt (hạt bí, hạt điều, óc chó, vừng rang…) nhưng chỉ bằng 1 chút biến tấu nho nhỏ là bạn đã có ngay phần bánh chay ngon không kém thợ làm bánh chuyên nghiệp.
Bánh nướng chay thơm ngon không kém
Bánh chay tuy không có thịt nhưng vẫn giữ được nguyên hương vị truyền thống. Vỏ bánh mỏng, mềm, có màu cánh gián rất đẹp mắt. Nhân được làm từ các loại hạt nên giòn giòn, béo bùi ăn cực kỳ hợp miệng.
Tham khảo các bước làm bánh Trung thu nướng chay tại đây.
4. Cách làm bánh Trung thu nướng nhân đậu đỏ
Ngoài nhân đậu xanh thì đậu đỏ cũng là lựa chọn tuyệt vời cho bánh Trung thu nướng. Bằng các nguyên liệu quen thuộc như: Bột mì đa dụng, nước đường bánh nướng, nước tro tàu, đậu đỏ,... là bạn đã dễ dàng làm được một chiếc bánh nướng cho mâm cỗ Tết Trung thu thêm đủ đầy.
Đậu đỏ mềm thơm, béo ngậy khiến bạn mê đắm
Bánh Trung thu nướng nhân đậu đỏ cực kỳ thơm ngon. Phần vỏ bánh nâu vàng trông rất bắt mắt. Khi ăn bạn cảm nhận rõ được độ mềm thơm. Phần nhân đậu đỏ ngọt thanh, mướt mịn và không thiếu vị béo ngậy từ đậu.
Món bánh Trung thu nướng này dùng cùng 1 tách trà mạn, ngồi nhâm nhi trò chuyện và cùng người thân ngắm trăng thì còn gì tuyệt hơn.
>> Chi tiết cách làm bánh Trung thu nướng nhân đậu đỏ
5. Cách làm bánh Trung thu nướng nhân khoai lang
Có một cách làm bánh Trung thu nướng đơn giản được mọi người cực kỳ yêu thích là bánh nhân khoai lang. Vẫn cách làm cũ nhưng nhờ sự biến tấu ở phần nhân đã giúp bánh Trung thu trở nên ngon và hấp dẫn hơn.
Khoai lang tím được xay, lọc cho mịn rồi đem đi sên cho tới khi dẻo quánh lại có thể vo thành từng viên tròn là có thể tiến hành nặn bánh.
Bánh nướng nhân khoai lang cực ngon
Sau khi nướng lên, vỏ bánh Trung thu nướng thơm, mềm ăn rất đậm vị. Nhân khoai lang dẻo như “mochi” có vị bùi béo của khoai, ngọt thanh từ đường tạo nên một sự kết hợp hoàn mĩ, ai ăn cũng mê tơi.
>> Hướng dẫn làm bánh Trung thu nướng nhân khoai lang đơn giản
Bí quyết làm bánh Trung thu nướng ngon bất bại
Để làm nên một chiếc bánh Trung thu nướng ngon thì việc học cách làm là chưa đủ. Bạn nhất định phải biết 5 bí kíp siêu đơn giản sau để có bánh ngon “bá cháy”.
- Nấu nước đường
Yếu tố quan trọng đầu tiên cần quan tâm khi làm bánh Trung thu nướng là nước đường. Nếu bạn nấu nước đường quá lỏng sẽ khiến cho bánh bị nhão. Nước đường quá đặc lại khiến bánh bị khô.
Nước đường quyết định đến độ ngon của bánh nướng
Do đó, cần pha nước đường có độ sánh, loãng vừa phải. Bạn có thể sử dụng đường trắng hoặc đường nâu để nấu. Trong quá trình đun cần thêm nước cốt chanh hoặc dứa rồi nấu trong nhiều giờ, như thế nước đường sẽ có màu sắc bắt mắt hơn.
- Chọn đúng bột
Như đã chia sẻ, bột làm bánh Trung thu thường có 4 loại. Tuy nhiên, mỗi một loại lại có những ưu điểm và hạn chế riêng. Theo kinh nghiệm của các thợ làm bánh, để bánh ngon, vỏ xốp, mềm thơm thì bột bánh ngọt, bột mì đa dụng và bột trộn sẵn là lựa chọn hoàn hảo.
Ngoài ra, để bánh có độ ẩm hoàn hảo, đừng quên trộn thêm với lòng đỏ trứng gà, dầu ăn và bơ đậu phộng nhé.
- Nhân bánh
Trong quá trình sên nhân bánh, bạn cần phải đảm bảo tuân thủ đúng quy trình.
+ Với nhân ngọt
Hãy chắc chắn các phần nhân như: Khoai lang, đậu xanh hoặc hạt sen… đã được ninh mềm và xay nhuyễn nhất có thể.
Quá trình sên nhân, nên điều chỉnh lửa vừa như thế nhân của bạn không bị tách nước và khô. Một bí kíp mà bạn nên biết là khi sên hãy cho 1 chút dầu dừa vào, như thế nhân sẽ ngon hơn gấp bội.
Nhân bánh phải được sên khô để tránh chảy nước
+ Với nhân thập cẩm
Phần nhân thập cẩm có thịt mỡ thì bạn nên đem mỡ ngâm trước 1 ngày, như thế mỡ sẽ trong và giòn hơn. Các nguyên liệu sẽ được cắt nhỏ rồi đem trộn thật đều. Thay vì sử dụng đường, muối bạn có thể tham khảo dùng nước đường hoặc dầu hào để thay thế. Cách làm này sẽ giúp cho nhân đậm đà hơn rất nhiều.
- Nặn bánh
Trong cách làm bánh Trung thu nướng thì khâu nặn bánh rất quan trọng. Bạn nên nặn phần bánh vừa phải. Vỏ bánh không quá mỏng cũng không quá dày. Nếu vỏ dày sẽ khiến bạn cảm thấy ngấy còn quá mỏng rất dễ bị nứt, lộ nhân.
Ngay sau khi bạn bọc vỏ bánh vào nhân thì đem đi ép ngay vào khuôn. Như thế bánh sẽ không bị khô và nứt.
- Nướng bánh
Lưu ý nhiệt độ khi nướng bánh Trung thu
Khi nướng bánh Trung thu, bạn cần nhớ:
+ Xịt nước lên bánh rồi để nguội mới phết trứng.
+ Nước bánh 3 lần, mỗi lần từ 5 - 7 phút. Lần cuối cùng nướng tới khi bánh chín.
+ Nhiệt độ nướng bánh: Lần 1 từ 180 - 190 độ C; Lần 2 từ 190 - 200 độ C; Lần 3 từ 160 - 180 độ C.
+ Nên làm nóng lò nướng trước 15 phút ở nhiệt độ 175 độ C.
+ Phết trứng lên bánh khoảng 2 - 3 lần.
Một số thắc mắc khi làm bánh Trung thu nướng?
1. Bánh Trung thu nướng xong bao lâu ăn được?
Bánh Trung thu sau khi nướng xong bạn phải để từ 2 - 4 ngày để đường xuống màu, dầu từ nhân bánh thấm ra ngoài như thế bánh nướng sẽ có màu vàng sậm và bóng đẹp hơn. Thường thì các loại bánh nướng nhân đậu hoặc khoai lang sẽ mềm nhanh hơn so với bánh nhân thập cẩm.
2. Bánh Trung thu nướng xong bị nứt, cứng phải làm sao?
Nếu bánh Trung thu của bạn sau khi nướng bị mất nét, nứt hoặc phần thành bánh bị cong lên thì rất có thể là do nhiệt độ bạn cài đặt quá cao. Do bề mặt bánh tiếp xúc với nhiệt độ cao nên gây ra các hiện tượng trên.
Bên cạnh đó, bánh cứng, nứt còn do bạn đã dùng lượng bột áo khuôn quá nhiều hoặc quá trình bọc vỏ bánh không kỹ dẫn đến phần không khí lọt vào giữa vỏ khiến bánh sau khi nướng bị phồng lên.
Đối với trường hợp bánh quá cứng, ngoài yếu tố nhiệt độ, vỏ bánh dày thì việc bạn nướng bánh quá lâu cũng là nguyên nhân.
Bánh nướng ở nhiệt độ quá cao rất dễ bị nứt
3. Vì sao bánh Trung thu nướng bị mềm?
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng bánh mềm, chảy xệ trong đó phải nhắc tới phần nhân.
Theo thợ làm bánh lâu năm, việc bạn không chế biến nhân đúng cách, đủ khô thì sẽ khiến nhân chảy khi tiếp xúc với nhiệt độ cao. Một mẹo nhỏ để khắc phục tình trạng này là cho thêm bột lúc sên nhân.
Bên cạnh đó, bánh mềm, chảy xệ còn do bột quá nhão. Vỏ bánh không đủ khô làm cho hoa văn trên mặt mờ đi, bánh cũng vì thế mà không được cứng cáp.
Bánh mềm có thể do nhân còn quá ướt
4. Bánh Trung thu nướng để được bao lâu?
Bánh Trung thu tự làm tại nhà thường thời gian bảo quản sẽ không kéo dài. Nguyên nhân là do người làm không sử dụng các chất phụ gia bảo quản nên bánh nhanh hỏng.
Theo thợ làm bánh, bánh Trung thu nướng tự làm chỉ có thể để được tối đa là 7 ngày.
5. Cách bảo quản bánh Trung thu nướng
- Để bánh thật nguội sau đó mới đem đi đóng gói thật kín. Nếu muốn để lâu, bạn nên thêm gói chống ẩm vào bên trong.
- Nên cho bánh vào hộp đựng thực phẩm rồi cất vào trong tủ lạnh như thế vỏ bánh sẽ luôn mềm, không bị khô cứng.
- Bánh ngon nhất khi nướng xong khoảng 2 - 4 ngày. Không nên ăn bánh khi đã để quá 1 tuần.
Phần bánh nướng có thể để tối đa 7 ngày
Bánh Trung thu nướng bao nhiêu calo?
Dù áp dụng cách làm bánh Trung thu nướng nào thì hàm lượng calo trong bánh đều rất cao. Ước tính, cứ 100g bánh Trung thu có thể chứa tới 700 calo. Tùy vào phần nhân mà bạn sử dụng, lượng calo sẽ khác nhau.
Loại bánh Trung thu nướng | Hàm lượng calo |
Bánh Trung thu nướng nhân thập cẩm | 800 |
Bánh Trung thu nướng nhân đậu xanh | 648 |
Bánh Trung thu nướng nhân đậu đỏ | 690 |
Bánh Trung thu nướng nhân thập cẩm chay | 706 |
Bánh Trung thu nướng nhân đậu xanh trứng muối | 648 |
Bánh Trung thu nướng nhân hạt sen | 716 |
Vừa rồi là tổng hợp các cách làm bánh Trung thu nướng từ A - Z nhân đậu xanh, thập cẩm, đậu đỏ, chay… mà ai cũng có thể học theo. Tham khảo các công thức làm bánh ngon tại Bếp Eva để trổ tài chiêu đãi cả nhà trong dịp Tết Trung thu sắp tới nhé.