Nấu cháo khoai tây cho bé trong thời kỳ ăn dặm là cách giúp bổ sung và cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết trong giai đoạn phát triển của bé. Vì thế, thực đơn ăn dặm của bé từ 7 tháng tuổi, mẹ không nên thiếu món cháo này nhé.
Khoai tây từ lâu vốn là một loại rau củ khá đơn giản, rất dễ tiêu hóa và bổ sung thêm nhiều năng lượng cho các hoạt động của cơ thể. Hàm lượng Calories trong khoai tây cũng khá cao nên mẹ có thể cho bé ăn ngay từ khi bé từ 7 tháng tuổi.
Nấu cháo khoai tây với gì cho bé?
Trong khoai tây ngoài calories thì còn có khá nhiều tinh bột và carbohydrate nên khi bổ sung món cháo khoai tây cho bé, mẹ nên kết hợp thêm những loại thực phẩm khác để vừa cân bằng vừa đảm bảo dinh dưỡng cho bé. Hầu như bất kỳ loại thực phẩm nào cũng có thể kết hợp với khoai tây như cá hồi, lươn, tôm, thịt bò, thịt heo (thịt lợn), hành tây, cà rốt, các loại rau xanh...tùy theo sở thích của bé.
Trong khoai tây ngoài calories thì còn có khá nhiều tinh bột và carbohydrate rất giàu dinh dưỡng. (Ảnh minh họa)
Dưới đây là một số cách nấu cháo khoa tây cho bé mà mẹ có thể tham khảo để giúp bé thêm phần ngon miệng hơn:
3 cách nấu cháo khoai tây cho bé ăn dặm khiến bé thích mê
Cách nấu cháo lươn khoai tây
Nguyên liệu:
Lươn: 200g
Gạo: 100g
Khoai tây đã gọt vỏ thái nhỏ: 100g
Hành tím: 1 thìa cà phê
Hạt nêm, dầu ăn, rau mùi, hành lá, nước mắm, hạt tiêu
Lưu ý là mẹ nên chọn loại lươn to và dài vừa phải, bụng vàng ánh, lưng đen. Tốt nhất là nên chọn lươn đồng với thịt thơm, lươn nuôi thường có thịt bỏ và tanh. Không nên ham những con lươn to vì thịt sẽ bị tanh và bở, không ngon.
Cách làm:
- Vo gạo thật sạch và cho khoai tây cùng gạo vào nấu chín cho nhừ.
- Bóp lươn thật sạch với muối để giúp hết nhớt rồi cho vào nồi hấp chín. Sau khi lươn đã chín thì vớt ra, lọc bỏ lấy mình thịt, bỏ ruột và xương, ướp khoảng 1 thìa cà phê hạt nêm.
- Đập dập hành tím phi thơm cùng 1 thìa dầu ăn, cho thịt lươn vào xào cùng cho đến khi thơm và săn lại.
- Thịt lươn cho vào nồi cháo, trộn đều lên, thêm một thìa hạt nêm và khoảng 2 thìa cà phê nước mắm cho vừa đủ.
- Đổ cháo ra bát rồi rắc thêm chút hành lá để món cháo thêm hấp dẫn. (Tùy theo độ ăn thô của bé mà mẹ có thể xay cháo cho nhuyễn).
Cách nấu cháo cá hồi khoai tây, cà rốt và đậu Hà Lan
Nguyên liệu:
Gạo: 100g
Cá hồi: 20g
Khoai tây, cà rốt, đậu Hà Lan, hành lá: Mỗi thứ khoảng 30-50g, vài nhánh hành lá
Cách làm:
- Vo sạch gạo, đổ nước vào và nấu nhừ thành cháo
- Cá hồi làm sạch, hấp chín và dằm nhỏ.
- Khoai tây, cà rốt, đậu Hà Lan luộc hoặc hấp chín và xay nhỏ.
- Khi cháo chín nhừ thì cho cá hồi, khoai tây, đậu Hà Lan, cà rốt đã xay vào nồi.
- Đợi cháo sôi thì nêm thêm chút hạt nêm cho bé, rửa sạch hành lá và thái nhỏ cho vào, tắt bếp.
- Múc cháo ra bát, đợi cháo nguội thì cho thêm 1 thìa dầu ăn vào trộn đều, cho bé dùng.
Cách nấu cháo thịt gà khoai tây
Nguyên liệu:
20g thịt ức gà
1 củ khoai tây
Nước hầm xương gà
25g bột gạo hoặc 100g gạo
Dầu ăn cho bé
Cách làm:
- Gạo vo rửa sạch và bắc lên bếp ninh cùng nước hầm xương gà, nấu cháo cho chín nhuyễn.
- Khoai tây nạo vỏ, rửa sạch rồi cắt nhỏ mang hấp đến khi khoai chín mềm.
- Thịt ức gà mang cắt thành miếng nhỏ rồi xay nhuyễn, cho vào nồi cháo đang đun.
- Khoai tây sau khi chín thì mang đi dằm thật nhỏ hoặc xay nhuyễn và cho vào cháo.
- Đun lại tất cả những nguyên liệu này khoảng 5 phút rồi tắt bếp. Mẹ có thể thêm 1 thìa dầu ăn vào món cháo thịt gà khoai tây để mùi vị thêm hấp dẫn.
- Kiểm tra nhiệt độ của cháo trước khi cho bé ăn để giúp bé không bị bỏng nhiệt.
Ngoài những cách nấu cháo khoai tây cho bé trên, mẹ có thể áp dụng bước làm tương tự đối với các món cháo khác như cháo khoai tây thịt bò, cháo khoai tây thịt heo, cháo khoai tây nấu trứng...
Lưu ý khi chọn khoai tây nấu cháo cho bé
Theo kinh nghiệm dân gian, khi chọn khoai tây để nấu cháo khoai tây cho bé hoặc nấu các món ăn khác, mẹ nên chọn những củ trơn láng, không gồ ghề, lồi lõm. Không nên mua loại khoai tây có phần củ bị trầy xước, có chấm hoặc nốt, bị sâu, mắt màu đen hoặc bị thối, chảy nước.
Quan trọng là mẹ cần phải xem khoai có bị mọc mầm không. Tuyệt đối không nên chọn những củ đã mọc mầm vì chúng có chứa độc tố làm ảnh hưởng đến sức khỏe. Những củ khoai tây da bắt đầu chuyển sang màu xanh cũng rất độc do có chứa lượng solanine đạt mức nguy cơ làm nguy hiểm đến sức khỏe.
Tiếp theo, mẹ hãy cầm củ khoai tây trên tay và ấn thử xem củ có bị mềm không. Nếu củ khoai tây đó cứng chắc là những củ tươi ngon, thường sẽ bảo quản được lâu hơn và hàm lượng dinh dưỡng cũng tốt hơn.