Khi lựa chọn rau củ quả để nấu nước dashi, chị Thủy nhắc các mẹ nên cân đối giữa lượng nước và rau củ, loại nào nên cho vào trước và loại nào nên cho vào sau.
Nước dashi ăn dặm là một trong những loại nước dùng không thể thiếu với một số bà mẹ khi cho con ăn dặm kiểu Nhật. Có nhiều loại nước dùng dashi khác nhau như nấu từ rong biển, cá cơm, cá ngừ... tuy nhiên, nước dashi rau củ được ưu tiên lựa chọn vì nó có vị ngọt tự nhiên giúp bé cảm nhận được vị ngọt nguyên chất từ rau củ.
Theo chia sẻ từ bà mẹ Trần Thủy (Hà Nội) - người thường xuyên nấu nước dashi cho con gái Dưa Hấu (13 tháng tuổi) sử dụng thì nước dashi thường được chế biến và cấp đông, dùng cho bé ăn kèm với các món chính thay cho canh, súp hàng ngày hoặc dùng làm nước nấu cháo.
Chị Trần Thủy tham khảo cách nấu nước dashi ăn dặm từ mẹ Nhật để nấu cho con gái dùng.
Nếu muốn cho bé dùng rau củ quả luộc thì nên lấy rau củ tươi vì rau củ đã nấu dashi thì mất chất rồi.
Muốn nấu thành công nước dashi thì các mẹ cần tìm hiểu các nhóm rau củ quả nào phù hợp với nhau, nhiệt độ chín của mỗi loại như thế nào để biết cách cho lần lượt và theo thứ tự. "Thông thường khi nấu nước dashi nên dùng 5 loại rau củ quả. Tuy nhiên, mình muốn tăng thêm vị ngọt cho Dưa Hấu thưởng thức nên nhiều khi nấu hơn 5 loại".
Ngoài ra, khi nấu nước Dashi cũng cần phải cân đối lượng nước/ rau sao cho phù hợp. Loại nào cần cho vào trước, loại nào cần cho vào sau và ninh bao nhiêu phút là đạt chuẩn.
Chị Trần Thủy hướng dẫn các mẹ cách nấu nước dashi quen thuộc nhất từ rau củ quả:
- Bước 1: Rau củ quả mua về rửa sạch cắt khúc. Nên chọn rau theo mùa để tránh thuốc sâu và thuốc bảo quản (ví dụ: bí ngô, mướp, ngô nếp (nước sẽ thơm hơn, cà rốt, khoai tây, mía, su su…).
Một số loại rau củ quả được chị Thủy lựa chọn để nấu nước dashi.
- Bước 2: Cách nấu nước dashi:
Cho nguyên liệu vào nồi và đổ nước cách chừng 1 đốt ngón tay, tùy từng loại nguyên liệu mà cho vào trước hay sau (mía, củ đậu, ngô nếp cho vào trước sôi 15 phút - khoai tây, khoai lang, cà rốt, su su cho vào sau ....) tổng thời gian đun là 30- 40 phút.
- Bước 3: Sau khi nấu nước dashi thành công, mẹ gạn lấy phần nước để nguội và cho vào khay trữ đông 15 - 30 ml để mỗi lần dùng thì lấy ra dùng dần.
Lưu ý: Nước dashi sau mỗi lần nấu trữ đông có thể dùng được trong 1 tuần. Phần rau củ quả đã luộc người lớn có thể ăn nhưng nếu muốn cho bé ăn thì nên luộc phần mới.
Sau khi nấu thành công các nồi nước dùng dashi, chị Trần Thủy chia sẻ công thức với các mẹ bỉm sữa khác và nhận được nhiều lời khen ngợi. Thậm chí, ai ai cũng xin phép được ghi chép cách làm hay và dùng dần cho bé.
Trước nhiều băn khoăn của các mẹ cho rằng có nên nêm thêm gia vị vào nước dùng để đỡ nhạt không, bé đỡ ngán không? Bà mẹ Trần Thủy khẳng định là không. "Bé ti mẹ từ 0 - 6 tháng tuổi mới bắt đầu tập ăn dặm. Trong 6 tháng đó bé chỉ tiếp xúc mỗi vị của sữa mẹ nên cũng không biết "ngán" là gì.
Thật ra cảm giác "ngán" của người lớn là do chúng ta đã biết quá nhiều mùi vị, so sánh vị này vị kia, món này món kia mới thấy "ngán". Trẻ con từ 0 - 12 tháng ăn theo bản năng "đói - no", vị giác cũng chưa phát triển hoàn thiện nên phải tập bé ăn từng món một, từ vị thanh đến vị ngọt, vị chua và cuối cùng mới là vị mặn, vị cay. Càng giữ cho vị giác bé được ổn định càng lâu thì sau này giai đoạn 1 - 3 tuổi bé sẽ không bị chứng biếng ăn.
Bên cạnh đó, cần lưu ý trong giai đoạn trẻ dưới 12 tháng tuổi không nên sử dụng nước dashi quá đậm đặc để đảm bảo không gây hại cho bộ máy tiêu hóa của trẻ".
Dưới đây là một số nồi nước dùng dashi ăn dặm kiểu Nhật cho bé, mẹ có thể tham khảo: