Theo TS. BS Lê Minh Trác, Giám đốc Trung tâm chăm sóc và điều trị sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản Trung Ương, massage vô cùng tốt cho trẻ sinh non tháng nhẹ cân, giúp trẻ phát triển đa cơ quan.
Tác giả bài viết: TS. BS Lê Minh Trác, Giám đốc Trung tâm chăm sóc và điều trị sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản Trung Ương. |
Mới đây Trung tâm chăm sóc và điều trị sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản Trung Ương đã cứu sống thành công bé gái nặng 500g chào đời ở tuần thai 25, toàn thân tím tái, không có phản xạ gì. Sau hơn 4 tháng chăm sóc, cân nặng của bé gái đạt 2700g, có khả năng ăn bú tốt và được về với gia đình.
Hình ảnh bé gái nặng 500g được cứu sống thành công và được ra viện. (Ảnh: Lê Phương)
Đây chỉ là một trong những thành tựu của bệnh viện về chăm sóc và điều trị trẻ sơ sinh. Vào năm 2010, một bé nặng 500g đầu tiên đã được cứu sống thành công và ra viện.
Năm 2014 - 2015, 2 bé sinh đôi nặng 500g cũng đã được ra viện. 6 tháng đầu năm 2018, 3 bé nặng 500g, trong đó 2 bé sinh đôi sinh đôi nặng 500g đã được ra viện. Hai bé nặng 600g và 20 bé từ 600-700g cũng đều được ra viện.
Tất cả những thành công trên đều nhờ vào sự tận tâm của bác sĩ cùng với những tiến bộ y học mang lại. Tuy nhiên, sau khi trẻ ra viện, bố mẹ cũng cần chăm sóc trẻ cẩn thận bởi trẻ sinh non dễ bị nhiễm trùng và gặp nhiều bệnh khác.
Dưới đây, TS. BS Lê Minh Trác sẽ chia sẻ rõ hơn về những khó khăn trong việc cứu sống trẻ nhẹ cân, non tháng và hướng dẫn bố mẹ cách chăm sóc trẻ sau khi được ra viện.
TS.BS Lê Minh Trác. |
1. Những khó khăn cho trẻ sinh non sau chào đời
Khó khăn trong việc cứu sống trẻ nhẹ cân non tháng chính là từ nguy cơ, hậu quả của trẻ non tháng gây ra.
Thứ nhất, trẻ dễ bị ngạt, suy hô hấp, hạ thân nhiệt. Đặc biệt suy hô hấp rất nhanh chóng có thể khiến trẻ tử vong hoặc di chứng tàn tật vĩnh viễn chỉ trong vòng 1-2 phút.
Ngoài ra, thời gian rất gấp gáp, đứa trẻ rất dễ nhiễm trùng.
Về khó khăn dinh dưỡng: Đứa trẻ rất dễ bị viêm ruột hoại tử, vàng da, tan máu, xuất huyết, đặc biệt nguy hiểm là xuất huyết não, phổi. Về lâu dài, trẻ có thể bị bại não hoặc di chứng tàn tật về vận động.
Một số trẻ có thể bị tăng động, giảm chú ý hoặc không có khả năng học tập, bị bệnh sơ phổi mãn tính, bệnh lý võng mạc gây mù lòa, bệnh điếc, dễ nhiễm trùng, dễ đột tử hay những bệnh về béo phì, còi xương, suy dinh dưỡng, tăng huyết áp, đái đường… sau này.
Trẻ sinh non đối mặt với nhiều nguy cơ, hậu quả. (Ảnh minh họa)
2. Nguyên nhân khiến trẻ sinh non
Về sơ sinh, chúng tôi thấy có một số nguyên nhân gây ra sinh non như tình trạng nhiễm trùng của người mẹ, hoặc người mẹ lao động nặng nhọc, thấp cân hay có cân nặng vừa thấp vừa lùn.
Ngoài ra, người mẹ bị tiền sản giật và sản giật cũng là một yếu tố gây đẻ non. Tuy nhiên, đa số trường hợp đẻ non là không rõ nguyên nhân, thậm chí đến ngày người phụ nữ chuyển dạ cũng không rõ nguyên nhân là gì.
3. Làm thế nào để hạn chế sinh non?
Để hạn chế khả năng sinh non, cách tốt nhất đến bây giờ là các bà mẹ hãy đi khám bác sĩ sản theo đúng định kỳ, đều đặn. Đồng thời, ăn ngủ nghỉ tư tưởng thoải mái. Đó là những điều cần thiết.
Các bà mẹ cũng không nên hiểu phiến diện đi siêu âm là đi khám thai. Siêu âm chỉ là một trong những phương tiện hỗ trợ cho một lần khám thai chứ không phải tính theo lần khám thai.
Các bà mẹ hãy đi khám bác sĩ sản theo đúng định kỳ, đều đặn là cách tốt nhất để phòng tránh nguy cơ sinh non. (Ảnh minh họa)
4. Kỹ thuật điều trị, chăm sóc trẻ sinh non
Hiện nay, các kỹ thuật, biện pháp ứng dụng trong điều trị, chăm sóc để hạn chế nguy cơ cho trẻ sinh cực non là hồi sức sơ sinh ngay từ phòng đẻ, chống suy hô hấp, thở máy, bơm sunfantan, thở CPAP, oxy, chống tắc nghẽn đường thở; lồng ấp, cách ly môi trường, giữ ấm; chống nhiễm trùng nhiều tầng; nuôi dưỡng tĩnh mạch sớm; áp dụng Kangaro; kỹ thuật vô trùng; cân bằng nước điện giải, đường máu, chiếu đèn điều trị vàng da,…
Chính nhờ áp dụng đồng bộ các kỹ thuật tiên tiến, cơ sở hạ tầng đổi mới với lòng tận tâm của các bác sĩ mà tỷ lệ sống của trẻ nhẹ cân non tháng từ 1kg-1,5kg là 90%, tỷ lệ sống của trẻ dưới 1kg là 30%.
5. Cách chăm sóc trẻ sinh non ở nhà
Mục tiêu chăm sóc trẻ sinh non tháng, nhẹ cân là để trẻ sống khỏe mạnh như những bé đủ tháng. Vì vậy để đảm bảo cho các bé ngoài phát triển về thể chất còn phải phát triển về thần kinh, tinh thần cho đứa trẻ.
Về vấn đề phát triển thể chất, cha mẹ phải đảm bảo đứa trẻ được dinh dưỡng tốt nhất bằng sữa mẹ. Nếu không có sữa mẹ, trẻ phải dùng sữa thay thế sữa mẹ do bác sĩ tư vấn.
Để tránh bệnh tật cho trẻ, gia đình phải tắm vệ sinh hàng ngày cho cả mẹ lẫn con, vệ sinh sạch sẽ môi trường sống xung quanh, hạn chế thăm nom trẻ. Đặc biệt, cha mẹ nên cho trẻ tiêm chủng đầy đủ đúng lịch khuyến cáo, khám định kỳ của bác sĩ.
Massage phát triển về đa cơ quan cho trẻ sinh non. (Ảnh minh họa)
Về vấn đề phát triển thần kinh, để não bộ phát triển về thần kinh đòi hỏi con người ta phải có 6 giác quan cùng phát triển: thị giác, khứu giác, thính giác, vị giác, xúc giác và cảm giác thăng bằng. Trong đó, để tất cả 6 giác quan của trẻ cùng phát triển đòi hỏi người mẹ phải thường xuyên ôm ấp, massage, nói chuyện với con và cho con tiếp xúc ngửi, nếm những thứ xung quanh.
Điều quan trọng nhất vẫn là massage cho trẻ bởi trong massage, người mẹ làm phát triển về xúc giác. Trẻ có thể thông qua massage ngửi được hơi của dầu và của người mẹ phát triển khứu giác. Trong massage, mẹ có thể cho trẻ bú nhẹ nhàng hoặc ngậm vú giả nằm yên tĩnh để phát triển vị giác.
Bên cạnh đó, người mẹ hãy hát, kể chuyện, nói với con khi massage để phát triển thính giác. Vì vậy, massage phát triển về đa cơ quan.
Những cách đơn giản mẹ có thể làm là sự ôm ấp, vỗ về, nụ hôn dành cho con hay việc tắm rửa cho con hàng ngày, đó cũng được gọi là massage.
Ngoài ra, lưu ý trong thời tiết nắng nóng như hiện nay, bố mẹ cho trẻ sinh non nằm điều hòa cần quan tâm đến nhiệt độ phù hợp vì trẻ có hệ hô hấp kém. Điều hòa nên đặt từ 27-29 độ C, quần áo ít, mát mẻ.