'Cái gì con không biết thì tra Google, bố đang bận'

Ngày 16/07/2024 16:30 PM (GMT+7)

Con thắc mắc bài học, bạn tôi bảo: 'Biết dùng máy tính rồi thì con tự tra trên mạng, bố đang bận'.

Bạn tôi mua một thiết bị điện tử cũ qua mạng. Khi sử dụng, có một ký hiệu trên máy, bạn tôi không biết có chức năng gì, bèn đăng lên một hội nhóm trên Facebook để hỏi.

Những tưởng sẽ được giúp đỡ, bạn tôi nói: "Toàn là những bình luận kiểu 'cái này đơn giản mà, cứ Google là biết', 'cái này tự tra trên mạng được, có vậy cũng mất công đăng bài hỏi', và không quên bực tức: "Thời buổi bây giờ, hỏi cái gì ai cũng kêu tra Google à".

Một người bạn khác của tôi có đứa con và khen ngợi các cỗ máy tìm kiếm trên Internet vì khi học bài, con thắc mắc gì là bạn "Google" để trả lời. Đến nỗi, sau này bạn nói với con: "Biết dùng máy tính rồi thì cái gì con không biết có thể tự tra trên Google, bố đang bận".

Trong thời đại công nghệ số, internet và trí tuệ nhân tạo (AI) đóng vai trò ngày càng quan trọng trong đời sống con người. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ đó, việc "cái gì không biết thì tra Google, hỏi AI" trở nên phổ biến hơn bao giờ hết.

Tuy nhiên, theo tôi, bên cạnh những lợi ích, hiện tượng này cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ và không phải ai cũng biết cách tra cứu, tổng hợp giữa muôn vàn thông tin trên mạng,

Về mặt lợi ích, việc sử dụng Google và AI để tra cứu thông tin mang lại nhiều ưu điểm vượt trội. Google với kho dữ liệu khổng lồ và khả năng tìm kiếm thông tin nhanh chóng, giúp người dùng dễ dàng tiếp cận lượng kiến thức khổng lồ về mọi lĩnh vực, cập nhật liên tục.

Nhờ vậy, việc học tập và nghiên cứu trở nên thuận lợi và hiệu quả hơn, tiết kiệm thời gian và công sức đáng kể, tất nhiên là với người biết cách tra cứu và thẩm thấu thông tin có chọn lọc.

Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích to lớn, việc "cái gì không biết thì tra Google, hỏi AI" cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ cần được lưu ý.

Thứ nhất, thông tin trên mạng không phải lúc nào cũng chính xác và đáng tin cậy.

Thứ hai, việc lạm dụng Google và AI có thể dẫn đến giảm khả năng tư duy độc lập. Khi quá phụ thuộc vào kết quả tìm kiếm sẵn có, con người dần lười suy nghĩ, thiếu khả năng phân tích, đánh giá thông tin và đưa ra quyết định độc lập. Điều này ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển tư duy và khả năng sáng tạo của cá nhân.

Cuối cùng, việc giao tiếp qua mạng khiến con người ít tương tác trực tiếp, dẫn đến giảm kỹ năng giao tiếp và giải quyết vấn đề thực tế. Thiếu kỹ năng giao tiếp có thể ảnh hưởng đến các mối quan hệ xã hội và khả năng thích nghi với môi trường xung quanh.

Ví dụ trường hợp của bạn tôi, hy vọng nhiều người vào giải đáp, sẵn tiện bạn sẽ hỏi thêm các thông tin khác về chiếc máy này.

Hoặc đứa con sẽ nhận được thông tin đã "tiêu hóa" từ người bố, kiến thức sẽ được làm mềm đi, chứ không phải khô khan như những cái có sẵn trên Google.

Mẹ Việt ấm ức vì con làm toán 5 + 0  5 bị cô giáo gạch sai, lên mạng hỏi lý do thì xấu hổ khi biết lời giải
Sau khi nghe lời giải của bài toán, nhiều phụ huynh cũng phải thừa nhận cô giáo thật giỏi.

Dạy con

Minh Hoàng
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Dạy con