Hồi con mới chào đời, Nh. lúng túng không biết ẵm con như thế nào vì quá bé. Sau mổ đẻ cô tìm mọi cách nhưng vẫn không có sữa cho con bú.
Trước ngày cưới không lâu, Nh. 27 tuổi ở Đắk Lắk phát hiện mình mắc "bệnh xã hội", kết hôn nhiều năm nhưng cô vẫn không thể mang thai do biến chứng của thuốc chữa bệnh gây ra. Thế nhưng sau tất cả cố gắng, cô đã được đền đáp xứng đáng khi biết tin mang thai vào đúng ngày sinh nhật của chồng.
Điều trị bệnh lậu, 9X mất khả năng có thai
Theo lời Nh., cô phát hiện dấu hiệu lạ và cảm thấy khó chịu trong người trước khi cưới. Nói chuyện với người yêu xong, Nh. được anh dẫn đi bệnh viện khám thì biết mình mang trong người căn bệnh xã hội (bệnh lậu).
“Bác sĩ kết luận mình mắc bệnh lậu do lây nhiễm qua đường tình dục từ bạn trai. Thế nhưng lúc đó mình vẫn không hiểu bệnh lậu là gì? nguy hiểm như thế nào? Hồi mới phát hiện có cảm giác tiểu buốt và ra máu nên xin bác sĩ kê đơn thuốc để điều trị” – 9X nhớ lại.
Thế nhưng, dùng hết liệu trình này đến phương thuốc khác, bạn trai của cô đã hết dấu hiệu bệnh nhưng cô vẫn liên tục bị tái phát. Cuối cùng ngày cưới cũng đến, đêm tân hôn cô vẫn đau âm ỉ “vùng kín”, biết vợ đau nên chồng cô đã sử dụng bao cao su để quan hệ. Vài ngày sau đó, cơn đau do bệnh lậu đem lại vẫn không chấm dứt, cô đi khám lại và được tiêm một mũi thuốc để trị dứt điểm bệnh, thế nhưng di chứng có thể để lại và “mất khả năng có thai”.
Gật đầu nghe theo lời động viện của chồng “dù em không có con nhưng anh vẫn sẽ nguyện bên em suốt đời”, cô đã đồng ý tiêm thuốc để chữa dứt điểm bệnh lậu. Rất may mắn cho cô, nhờ cơ địa hợp với thuốc nên chỉ vài tháng sau tiêm, các dấu hiệu bệnh biến mất. Sau khi chữa hết bệnh được một năm, cô bị áp lực nặng nề vì gia đình hai bên đều hối thúc chuyện con cái.
Cô bắt đầu tìm đến bác sĩ để được tư vấn, sau đó canh trứng, điều chỉnh kinh nguyệt đều trở lại. Mất hơn một năm để rong ruổi hành trình “tìm con” nhưng tất cả đều thất bại, cô vẫn chẳng thể mang bầu, bao nỗi u sầu, chán chường bủa vây cô gái ngày đó mới ngoài 20 tuổi.
Làm vợ hai năm, cô gặp không ít chuyện khiến bản thân phải suy nghĩ. Đó là những tháng ngày dài chồng bận đi công tác lại lẻ bóng ở nhà một mình đâm nghĩ ngợi. Việc chưa có con cũng khiến tình cảm vợ chồng không còn được mặn nồng như trước, lâu dần các mâu thuẫn xuất hiện, vợ chồng không còn tiếng nói chung. Cô xin phép gia đình nhà chồng được về bên bố mẹ đẻ với hy vọng có thể giải tỏa tâm lý.
Về nhà được một tháng, gần đến sinh nhật chồng, cô phát hiện có thai được 3 tháng. Lập tức đem tờ siêu âm cho chồng đúng ngày sinh nhật anh và cô bị chồng hỏi lại "Con anh à?". Câu nói khiến cô như ngàn nhát dao đâm vào tim, đau đớn, cay đắng khi chồng đã không còn tin tưởng mình.
Vì nghĩ cho đứa con trong bụng nên sau khi có bầu, cô về lại sống với chồng. Nhưng anh chồng thường xuyên đi vắng nhà thời gian dài, lâu dần cũng không còn quan tâm đến cô nữa, bầu bí suốt 9 tháng 10 ngày cô lủi thủi đi siêu âm thai một mình. Gần ngày sinh cô lại chủ động về bên nhà ngoại để được gần mẹ, thuận tiện cho việc sinh đẻ, mối quan hệ vợ chồng theo thời gian cũng dần kết thúc. Để có được kinh tế chuẩn bị cho đứa con sắp chào đời, Nh. đã cặm cụi bán đồ ăn trên mạng từ khi bầu đến tận ngày sinh.
Luống cuống không biết bế con thế nào vì quá nhỏ
Khi sinh con, Nh. đã bầu 9 tháng 12 ngày nhưng không có dấu hiệu chuyển dạ nên được khuyên mổ để bé không nuốt nước ối. Hạnh phúc và nước mắt vỡ òa khi bé gái P. C. nặng 2,7kg chào đời khỏe mạnh. Ngày đầu sau sinh mổ, Nh. một mình tự lần theo 2 dãy hành lang đến phòng rửa vết thương không có ai đỡ vì mẹ cô bận trông em bé.
Nói về việc chăm sóc con nhỏ, Nh. tiết lộ, em bé thời gian đầu rất hay quấy đêm, cô phải thức trắng để thay tã lót và cho con bú. Những lúc như vậy Nh. mệt đến lả người, cô tủi thân vừa ôm con vừa khóc.
“Thời gian đầu, mình luống cuống không biết bế ẵm bé như thế nào vì con nhỏ quá. Rất may bé khoẻ mạnh không phải nằm lồng kính. Có thể vì căng thẳng quá mà sau sinh mổ, mình không thể nào có sữa cho con ăn, mặc dù đã tìm đủ cách. Mọi việc chăm bé sơ sinh đều nhờ cả vào mẹ, mẹ chính là hậu thuẫn ở bên chăm sóc bồi bổ cho hai mẹ con mình” – mẹ 9X tâm sự.
Thú nhận về lần đầu làm mẹ, Nh. gặp không ít bỡ ngỡ và khó khăn. Để có đủ kiến thức trong lần đầu làm mẹ, cô đã chịu khó lên các trang mạng, đọc thật nhiều sách báo về kiến thức pha sữa, ăn dặm và rèn con ăn ngủ. Từ những điều đó cô cảm thấy an tâm hơn và tự tin hơn cho quá trình làm mẹ của mình.
Ngoài lo kiến thức chăm sóc con, cô còn lẫn lộn cảm xúc vui buồn vì sợ không thể làm chủ kinh tế để nuôi con. Sinh con được 1 tháng, Nh. bắt đầu trở lại công việc kinh doanh bán đồ ăn vặt từ trà sữa, bánh tráng trộn và trái cây… để có thêm tiền trang trải cho con nhỏ.
Khi quyết định làm mẹ đơn thân, điều khó khăn nhất mà Nh. phải đương đầu chính là áp lực dư luận và kinh tế. Ngày bé C. 2 tuổi, từ vùng đất Tây Nguyên cô xuống Bình Dương tìm việc làm, để lại em bé cho ông bà chăm sóc. Nhờ được giúp đỡ của người thân nên công việc của cô dần ổn định, thu nhập có được giúp cô cải thiện cuộc sống và gửi về quê ông bà bỉm sữa cho em bé.
Nh. chia sẻ: “Mình quan niệm rất rõ ràng về gia đình và công việc! Hai năm sau sinh là quãng thời gian mình đã toàn lực dành cho con và bây giờ thì con cũng cứng cáp hơn, cũng là lúc bản thân phải nỗ lực rất nhiều trong công việc, sự nỗ lực bây giờ là gấp đôi vì còn phải lo cho em bé! Việc không có thời gian bên em bé cũng là một khó khăn lớn cho hai mẹ con nhưng đó là điều bắt buộc”.
Chấp nhận cảnh mẹ con xa cách nhưng vẫn hoàn thành tốt thiên chức làm mẹ, Nh. cho rằng việc cân bằng được công việc hiện tại và thời gian để con vẫn được mẹ quan tâm ở bên là điều cực kỳ quan trọng. Cô phải sắp xếp công việc làm sao để vừa bán hàng có thu nhập vừa có thời gian để hàng tháng vẫn có thể vừa tranh thủ về quê thăm con và ông bà. Hoặc bà ngoại sẽ bắt xe đò đưa con xuống thành phố thăm mẹ để bé hiểu hơn về công việc của mẹ và tạo tình cảm gắn kết cho hai mẹ con.
Ông bà ngoại là chỗ dựa về tinh thần và đã hỗ trợ Nh. rất nhiều trong giai đoạn em bé đang còn rất nhỏ này, cô cho rằng đây cũng là động lực và may mắn mà không phải ai cũng có được. Bé rất ngoan, dường như bé hiểu được những khó khăn mà mẹ phải trải qua nên rất hợp tác, khi mẹ vắng nhà bé ngoan ngoãn ở với ông bà.
Nói về quan điểm dạy con, dù xa cách nhưng mẹ 9X luôn cân bằng quỹ thời gian để dạy dỗ con nên người. (Ảnh minh họa)
Bày tỏ quan điểm của mình về việc sau này sẽ giải thích cho con gái chuyện ba mẹ chia ly, mẹ 9X bộc bạch: “Mình nghĩ nếu sau này bé lớn và đủ nhận thức thì mình sẽ chia sẻ cho bé biết, mình muốn cho con mình nhìn nhận vấn đề theo hướng tích cực và tôn trọng ý kiến cá nhân của mỗi người. Chuyện mẹ đơn thân hay chuyện chia ly sẽ là một cách nhìn nhận hiện đại và thoáng chứ không quá khắt khe và cổ hủ”.
Cùng một lúc vừa làm bố vừa gánh thiên chức làm mẹ. Nh. ý thức được rằng vai trò nào thì cũng nên đặt tình yêu thương lên trên hết. Sự yêu thương sẽ làm cho chúng ta chu toàn được mọi việc để cuộc sống tốt và thoải mái hơn.
Mẹ Tây Nguyên cũng cho biết thêm, hiện tại cuộc sống của hai mẹ con dù không được ở gần nhau nhưng rất vui và hạnh phúc, hạnh phúc theo một cách rất riêng mà cô nghĩ ai làm mẹ sẽ cảm nhận được. Sau mỗi giờ làm việc mệt nhọc, cô lại nhấc điện thoại gọi về để hai mẹ con có cơ hội được nhìn thấy nhau.
Nói về những dự định kế hoạch sắp tới trong việc làm một người mẹ đơn thân nuôi con nhỏ, Nh. đang lên kế hoạch thời gian tới sẽ đi học thêm nghề trang điểm để ổn định hơn về công việc và sự nghiệp.
*Nhân vật xin được giấu tên