“Điều thú vị nhất ở phương pháp Montessori là cho ra một em bé hạnh phúc. Hai từ hạnh phúc là đủ kể cả người lớn hay trẻ nhỏ”, cô Lê Thanh Hải chia sẻ.
Phương pháp giáo dục Montessori mới du nhập vào Việt Nam khoảng chục năm trở lại đây nhưng ngày càng phát triển mạnh. Phương pháp này hiện được nhiều phụ huynh quan tâm khi chọn phương pháp giáo dục và chọn trường cho con. Montessori được đánh giá đem lại hiệu quả cao dành cho các bé trước độ tuổi tiểu học (dưới 6 tuổi). Vậy, phương pháp Montessori là gì, có gì mới, vượt trội hơn so với phương pháp giáo dục truyền thống và những phương pháp giáo dục khác? Cùng Làm mẹ tìm hiểu về phương pháp giáo dục sớm này. |
Kỳ trước: 7 câu "thần chú" giáo viên Montessori thường dạy trẻ, cha mẹ nên học hỏi
Với 20 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực mầm non, 3 năm giảng dạy Montessori và từng nhận bằng giáo viên Montessori Quốc tế của Học viện đào tạo giáo viên Montessori Canada, cô giáo Lê Thanh Hải sẽ có những chia sẻ giúp các mẹ trong việc hỗ trợ dạy con học tại nhà theo phương pháp Montessori.
Cô giáo Lê Thanh Hải hiện là hiệu trưởng trường Mầm non Ngôi Sao (Hà Nội).
Chào cô, cô có thể chia sẻ một chút về Montessori và phương pháp này hướng tới những lĩnh vực gì trong quá trình giáo dục?
Phương pháp giáo dục Montessori là phương pháp giáo dục do tiến sỹ người Ý Maria Montessori (1870 – 1952) sáng lập. Bản chất của phương pháp giáo dục Montessori là tôn trọng trẻ, cho trẻ có quyền tự do được làm việc như người lớn mặc dù là thông qua hoạt động vui chơi.
Đối với Montessori, cô giáo thường hướng dẫn và rời đi khi con bắt đầu có thể tự hoạt động được. Sau đó, cô quan sát, ghi chép tỉ mỉ, cụ thể mức độ hoàn thành công việc mà bé làm.
Người giáo viên Montessori đòi hỏi sự quan sát cực kỳ cao, không có thời khóa biểu cụ thể cho lớp học mà luôn ghi nhớ chi tiết, chính xác từng bé đang học đến bài nào và ra quyết định chuyển hoạt động cao hơn với bé tại thời điểm nào là hợp lý.
Còn với bé, mỗi bộ giáo cụ chỉ có một nên bé luôn phải chờ đợi, xếp hàng để đến lượt. Bé phải tôn trọng giáo cụ vì nếu hỏng, bé sẽ không được hoạt động nữa và việc bổ sung cũng không hề đơn giản. Từ đó, bé biết được rằng có những thứ làm mất không bao giờ có thể lấy lại được.
Montessori hướng tới đủ 5 lĩnh vực: Thực hành cuộc sống, cảm quan, toán học, ngôn ngữ, văn hóa khoa học. Ngoài ra bé còn được học phép lịch sự nhã nhặn, âm nhạc và chuyển động.
Trẻ sẽ học từ đơn giản đến phức tạp, từ cụ thể đến trừu tượng cùng với việc hỗ trợ rèn luyện 5 giác quan, dường như các bé học mà chơi, chơi mà học. Các bé tích cực làm việc như xã hội người lớn thu nhỏ.
Phương pháp Montessori giúp trẻ phát huy được sức sống nội tại để có thể phát triển một cách tự nhiên và tuân theo quy luật riêng, phải chăng điều này khá mới mẻ với nền giáo dục Việt Nam, ý kiến của cô về điều này như thế nào?
Hiện nay trẻ được người lớn đặt quá nhiều kỳ vọng, trong khi đó lại không có môi trường để phát huy khả năng tiềm ẩn trong sâu thẳm của mình. Tôi nghĩ muốn bé trải nghiệm phải có môi trường.
Nếu muốn trẻ thay đổi, chúng ta phải thay đổi trước. Sự tự do trong Montessori không giống như mẹ nghĩ, đặc biệt các mẹ giáo dục sớm. Chúng ta phải định hướng cho con nên và không nên. Con muốn làm, con phải chấp nhận hậu quả và tự nhận ra lỗi của con, người lớn không chỉ trích trẻ, hãy sửa sai ngay lúc đó mà kiên trì đợi chờ trẻ tìm cơ hội hướng dẫn trẻ làm theo cách đúng.
Montessori khiến cô và bé không bị áp lực. Trẻ có thể học đi học lại bộ giáo cụ nhiều lần thuần thục chỉ cần bố mẹ kiên trì.
Theo cô điều gì lý thú nhất ở phương pháp này?
Điều thú vị nhất ở Montessori là cho ra một em bé hạnh phúc. Hai từ hạnh phúc là đủ kể cả người lớn hay trẻ nhỏ. Trong Montessori rất linh động, hình ảnh, màu sắc không quá màu mè để trẻ tập trung.
Cô có gặp khó khăn gì khi đưa phương pháp này vào trường học của mình không?
Tôi may mắn vì có một đội ngũ tốt, không khó khăn về mặt tài chính, không phải đi thuê nhà. Đồng thời, tôi quá yêu, tâm huyết với Montessori và làm đúng theo tinh thần của bà Maria Montessori nên mọi thứ đều rất ổn.
Trẻ không gặp bất kỳ khó khăn gì miễn là cô giáo lắng nghe, kiên nhẫn, cho trẻ có thời gian để trẻ thể hiện bản thân. Đặc biệt những trẻ tăng động khi học theo phương pháp này cũng đã hòa nhập và thích thú đến lớp.
Giáo cụ khá đắt lại chỉ có ở nước ngoài, vậy phương pháp này có phải Việt hóa nhiều không để phù hợp với Việt Nam, thưa cô?
Ba năm trước đây học cụ Montessori rất đắt nhưng bây giờ khá hợp lý. Một phòng học chỉ cần đầu tư tầm 200-300 triệu với diện tích khoảng trên 70m2 .
Giáo cụ Montessori sử dụng rất logic, bằng gỗ tự nhiên rất nhiều, mặc dù đắt nhưng thực ra lại không đắt. Chỉ cần đầu tư 1 lần, dạy đúng phương pháp Montessori thì giáo cụ rất lâu hỏng vì các bé yêu và tôn trọng bộ giáo cụ, hỏng hóc không nhiều.
Với Montessori là các bé lấy ở đâu lại để đúng ở đó vì lời mời cô giáo ngay từ đầu là "Con có nhớ giáo cụ này cất ở đâu không?".
Môi trường lớp học Montessori luôn ngăn nắp, gọn gàng tạo điều kiện thuận lợi cho bất kỳ hoạt động nào mà trẻ muốn trải nghiệm.
Trẻ học Montessori rất nguyên tắc, chơi và vệ sinh đồ nên cô giáo không hề vất vả.
Theo cô, phương pháp này giúp trẻ học được những gì?
Bộ não của trẻ từ 0-6 tuổi phát triển 85% và trong đó có những giai đoạn nhạy cảm, bùng phát mạnh mẽ có sẵn trong trẻ nên trẻ rất dễ hấp thu các kiến thức và kinh nghiệm trong quá trình tham gia hoạt động với giáo cụ của tất cả các lĩnh vực.
Montessori giúp trẻ hoàn thiện bản thân, tạo cho con người cảm giác mong muốn học hỏi, biết tôn trọng mình, tôn trọng người khác, tôn trọng đồ vật, yêu thiên nhiên, yêu các bạn, yêu hòa bình.
Montessori rèn ý chí nghị lực cho trẻ rất cao, phải quyết tâm hoàn thành công việc, một bộ học cụ đó.
Trẻ thay đổi như thế nào sau khi học phương pháp này?
Sau khi học Montessori, trẻ có kỹ năng hơn và chưa một mẹ nào không cảm ơn cô giáo. Các mẹ hãy yên tâm sau 6 tuổi, trẻ đã hình thành 85% nên chỉ cần duy trì thói quen, hành vi tốt cho trẻ trong suốt quãng thời gian sau này chắc chắn trẻ sẽ là người có nhân cách tốt.
Các mẹ hãy hướng dẫn, lắng nghe con, để con chịu trách nhiệm với tất cả, với chính cơ thể con và kiên trì giải thích những điều sai của con, không nên chỉ trích.
Trẻ sẽ được học tất cả các lĩnh vực.
Phương pháp này cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường với gia đình. Vậy cô có thể "mách" các mẹ cách hỗ trợ con khi ở nhà?
Quan điểm của tôi là ở nhà bé chỉ cần chơi, đặc biệt quan tâm đến phát triển thể chất cho trẻ vì giáo cụ ở nhà thường không đầy đủ, mọi thứ cũng không vừa vặn với bé. Bên cạnh đó, mẹ cũng không phải là giáo viên Montessori để có thể dạy bé theo đúng phương pháp.
Bé ở lớp cả ngày đã có thói quen, hành vi tốt rồi nên ở nhà, phụ huynh chỉ cần tạo cho bé cơ hội làm việc. Tình yêu thiên nhiên, yêu lao động của trẻ có từ khi còn nhỏ nên tất cả mọi đồ trong gia đình hãy sắp đặt vừa tầm tay bé, để bé được làm vì bé rất thích được người lớn nhờ giúp đỡ và hạnh phúc khi giúp được người khác, bé tự hào vì mình là người có ích cho gia đình, cho xã hội.
Mẹ hãy tán dương con, hãy dành tình yêu thương và sự khâm phục nếu con làm được bất cứ công việc nào đó kịp thời, đúng lúc. Ngoài ra, mẹ hãy cho bé ra ngoài chơi, đọc sách, nói chuyện với con và cho con có thể tham dự những chuyện trong tầm kiểm soát của mình.
Bé được hoạt động theo những gì bé thích. Lời mời của cô giáo đưa con sang học lĩnh vực khác rất đơn giản "Hôm nay cô có một điều bất ngờ dành cho con".
Một số trò chơi hỗ trợ trẻ học phương pháp này cha mẹ có thể làm tại nhà là gì?
Ở nhà, bố mẹ hãy vui chơi hạnh phúc cùng với niềm vui của con và đồng hành trưởng thành cùng con thế là đủ.
Bố mẹ không cần dạy nhiều, chỉ cần đọc sách những tấm gương đạo đức tốt, đọc chuyện về những vĩ nhân trên thế giới để nâng cánh ước mơ của con có thể bay cao, bay xa, tới tương lai chân trời rộng mở nhìn ra thế giới và bố mẹ nên tìm những quyển sách tả văn, tả cảnh hay nếu con thực sự yêu ngôn ngữ.
Đồng thời, bố mẹ chơi, nói chuyện với con hay sưu tầm đồ chơi văn hóa các nước cho con để hình thành đam mê, mơ ước.
Hiện nay trường Montessori được mở ra khá nhiều, vậy làm thế nào để biết được trường Montessori chuẩn, thưa cô?
Các mẹ chỉ cần ở đó quan sát một ngày là có thể biết được trường đó dạy Montessori thực sự hay không như:
- Giáo cụ được sắp xếp đầy đủ các lĩnh vực, thẩm mỹ, ngăn nắp luôn hấp dẫn gọi mời trẻ tích cực tham gia các hoạt động.
- Trẻ được hoạt động cả ngày trong lớp học montessori.
- Trẻ được hoạt động theo những gì trẻ thích.
- Các hoạt động cá nhân phải được thực hiện nhiều, trẻ tự do đi lại và mỗi bé có một thảm làm việc riêng.
- Trẻ cuộn thảm, trải thảm đâu ra đó, bê cất học cụ gọn gàng hoặc hoạt động đi hoạt động lại một học cụ và có thể kéo dài hoạt động nhiều lần, nhiều ngày.
- Các cô đi lại trong lớp nhẹ nhàng, tôn trọng trẻ, luôn xuất hiện như bà tiên hỗ trẻ bất cứ khi nào trẻ cần và dành thời gian tâm sự riêng với trẻ như người bạn.
Xin cảm ơn cô về những chia sẻ!
Mời quý độc giả đón đọc Phần 5: Một số hoạt động cha mẹ có thể chơi cùng con ở nhà để học Montessori hiệu quả vào 00h06 ngày 21/12 trên chuyên mục Làm mẹ. |