Cô bé khá hài hước, hóm hỉnh kể về chuyện thi trượt, chứng tỏ bé không hề chịu áp lực từ phía gia đình hay bố mẹ về chuyện điểm số trong học tập.
Câu chuyện của một gia đình ở Tứ Xuyên (Trung Quốc) đã phá vỡ những định kiến về việc nuôi dạy một đứa trẻ “không được giỏi” cho lắm. Cả mẹ và con đều đã được dân mạng khen ngợi rất nhiều.
Theo đó, sau giờ học, cô con gái vui vẻ chạy đến bên mẹ và nói:
- Mẹ, con có một tin xấu và một tin tốt, mẹ muốn nghe tin nào trước?
- Con nói đi.
Cô con gái, một tay cầm kẹo mút, và bắt đầu nói trong sự tự mãn kiêm một chút ngượng ngùng khi tiết lộ tin tốt:
- Con đã chiếm được vị trí áp chót, không bị đứng bét lớp nữa mẹ ạ.
- Đó là tin tốt, thế còn tin xấu thì sao?
Gương mặt tươi roi rói của cô bé khi kể về thành tích học tập chưa tốt của mình khiến dân mạng rất thích thú.
- Tin xấu là con đã thi trượt mẹ ạ.
Thật bất ngờ, cô bé đã nói bằng thái độ đầy dí dỏm, không hề sợ hãi còn người mẹ thì mỉm cười tiếp nhận đầy thú vị.
Cư dân mạng đã rất bất ngờ với đoạn hội thoại được ghi lại bằng clip này. Đa phần mọi người đều dành cho cả mẹ và con lời khen ngợi bởi lẽ cả hai đều đã có tâm lý tốt và điều quan trọng chính là cảm xúc hạnh phúc chứ không phải điểm số. Sức khỏe thể chất và tinh thần quan trọng hơn nhiều so với điểm số.
Qua quan sát, có thể thấy biểu cảm của cô bé khá hài hước, hóm hỉnh và đầy sức sống, chứng tỏ, cô bé không hề chịu áp lực từ phía gia đình hay bố mẹ về chuyện điểm số trong học tập. Điều này rõ ràng, không phải phụ huynh nào cũng làm được.
Trước đó, đã có rất nhiều câu chuyện đau lòng xảy ra chỉ vì áp lực học hành mà bố mẹ đặt vào các con. Ví dụ như một cô bé 15 tuổi ở Cáp Nhĩ Tân đã "rơi" từ top 3 xuống vị trí thứ 20 sau một kỳ thi. Ngay sau đó, bố mẹ cô bé đã không ngừng chỉ trích con. Quá khổ tâm, bé đã uống 350 viên thuốc ngủ dẫn đến bất tỉnh, đồng tử giãn nhưng may mắn được cấp cứu kịp thời nên thoát khỏi nguy kịch.
Bố mẹ hiện đại cần hiểu rằng, một đứa trẻ trong giai đoạn hiện nay chịu áp lực rất lớn về việc học nhưng tâm lý của trẻ chưa được phát triển đầy đủ. Do đó, thái độ của bố mẹ là cực kỳ quan trọng. Bố mẹ càng lo lắng, càng tạo áp lực thì trẻ càng cảm thấy sợ hãi và trái tim dễ bị tuyệt vọng.
Chỉ khi cha mẹ có một tâm trí bình tĩnh thì con mới có thể bình tĩnh đối diện với thất bại. Trạng thái tâm lí của bố mẹ quyết định trạng thái tâm lí của con.
Tâm lý của bố mẹ càng tốt, trẻ càng hạnh phúc
Một cậu bé ở tỉnh Giang Tô, Trung Quốc chỉ đạt được 7 điểm trong một kì thi. Bố của cậu bé đã không hề mắng mỏ con mình mà thậm chí còn bỏ tiền ra để tổ chức một buổi bắn pháo hoa nho nhỏ, chúc mừng thành tích đạt được của con.
Mọi người cảm thấy rất kinh ngạc vì đó là một điểm số rất tệ. Thế nhưng, bố đứa trẻ giải thích rằng: Trước đó, con tôi đã từng chỉ được 0 điểm, lần này được 7 điểm, nghĩa là con tôi đã nghiêm túc hơn, cố gắng hơn, nỗ lực hơn nên tôi cần phải khích lệ con.
Câu chuyện này cho thấy, sự tiến bộ của một đứa trẻ cũng nằm trong mắt người đánh giá, sự khuyến khích kịp thời được đưa ra sẽ khiến đứa trẻ thấy tự tin và muốn phấn đấu thêm nữa. Điều đó đã đúng trong trường hợp này, ở kỳ thi tiếp theo, cậu bé đã đạt được 57 điểm, cao hơn điểm số lần trước rất nhiều. Và với sự nỗ lực đó, chuyện đạt được 97 điểm chắc cũng không còn quá xa.
Bố mẹ càng lo lắng, càng tạo áp lực thì trẻ càng cảm thấy sợ hãi và trái tim dễ bị tuyệt vọng. (Ảnh minh họa)
Rõ ràng, không nhiều bậc cha mẹ làm được như vậy, họ luôn cảm thấy con mình như thế là thấp kém hơn bạn bè. Tại sao bạn không thử nhớ lại khi mình còn nhỏ, đừng nói là đạt điểm 0, ngay cả khi đạt tới 60 điểm – quá bán đi chăng nữa thì chúng ta cũng lo sợ bị bố mẹ quở mắng. Vậy tại sao giờ đây chúng ta lại tiếp tục một lần nữa để con mình phải gánh nỗi sợ hãi không đáng có này. Hãy nhớ, bài kiểm tra bị điểm kém, đứa trẻ còn buồn hơn chúng ta.
Đừng chỉ trích, hãy khuyến khích kịp thời hoặc hỗ trợ con khắc phục điểm yếu
Có một cậu bé ở Thái Lan thích chơi bóng đá, người mẹ đã đưa con mình đến gặp huấn luyện viên để đánh giá về khả năng của con. Sau khi quan sát, vị huấn luyện viên này nói rằng, cậu bé có nền tảng không tốt lắm, kỹ thuật đá bóng về cơ bản là con số 0, cần phải rèn luyện thêm để xem như thế nào chứ hiện tại cậu bé hoàn toàn không có năng khiếu.
Mặc dù người mẹ có đôi chút lo lắng nhưng cô vẫn khuyến khích con: “Huấn luyện viên nói rằng con là một cậu bé nghiêm túc, chăm chỉ. Tuy nhiên, con chưa thử đánh bóng bằng đầu, con có thể làm điều đó trong thời gian tới, nó có thể tạo ra nhiều bước tiến hơn cho con đấy”.
Biết con trai mình có thể lực kém, không thể chạy đuổi kịp người khác và hay bị ngã khi chạy, người mẹ khuyến khích: “Không sao đâu, cứ tiếp tục và vượt qua người trước mặt con là được”.
Và rồi, một phép màu đã xuất hiện!
Đứa trẻ ban đầu có nguồn lực hạn chế được mẹ tin tưởng, động viên đã trở nên tự tin và nhiệt tình để theo đuổi đam mê. Trong trận chung kết, cậu bé đã làm rất tốt. Sau khi bị ngã, cậu bé nhanh chóng đứng dậy và đặt ra mục tiêu chỉ cần vượt qua người đứng phía trước mình. Cậu bé đã giành được 1 điểm với cú đánh đầu đẹp mắt và đảo ngược được tình thế cho đội nhà.
Chỉ khi cha mẹ có một tâm trí bình tĩnh thì con mới có thể bình tĩnh đối diện với thất bại. Trạng thái tâm lí của bố mẹ quyết định trạng thái tâm lí của con. (Ảnh minh họa)
Người mẹ cuối cùng kết luận: “Tôi có thể không phải là người mẹ tốt nhất bởi vì tôi không muốn con tôi có được vị trí đầu tiên. Tôi chỉ hy vọng, nó có thể vượt qua chính mình, mỗi ngày, từng chút, từng chút một”.
Trong một cuốn sách từng có câu: “Mỗi đứa trẻ là hạt giống của một loài hoa, nhưng thời kỳ ra hoa của mỗi người là khác nhau. Một số hoa nở rất rực rỡ vào lúc đầu, một số hoa cần phải chờ đợi thật lâu”.
Điều thực sự quyết định tương lai của một đứa trẻ không phải là điểm số mà chính là sự tự tin, kỷ luật, tự giác, sức mạnh tinh thần, sự kiên trì và tâm lý vững vàng.
Cha mẹ càng lo lắng, áp lực, con cái càng dễ bị tổn thương
Có một bà mẹ là giáo viên trường tiểu học trọng điểm ở Hàng Châu nên về nhà, cô cũng đặt lên vai con mình những tiêu chí về điểm số vô cùng khắt khe. Cô đề nghị con phải “mãi mãi đạt được 100 điểm”.
Có một lần, con cô chỉ được 98 điểm, mẹ của bé đã tức giận: “Một nửa số trẻ trong lớp của mẹ đều đạt được 100 điểm, tại sao con lại không thể làm được”.
Một lần khác, con của cô lại chỉ được 72 điểm và cô ấy thậm chí còn tức giận hơn thế nữa.
Và rồi, điều tồi tệ cũng xảy đến. Đứa trẻ cảm thấy quá áp lực nên đã uống nửa chai thuốc ngủ để tự tử. May mắn là cậu bé đã được cấp cứu kịp thời.
Nhưng chính bản thân người mẹ cũng có bệnh. Chẩn đoán y khoa cho thấy rằng người mẹ này bị trầm cảm nặng. Bậc thầy về tâm lý đã từng nói: “Tác động tồi tệ nhất của cha mẹ đối với trẻ em chính là khiến trẻ em cảm thấy rằng chúng đã sống không đủ tốt”.
Trong tương lai, chắc chắn, đứa trẻ trên sẽ không ghi nhớ tình huống khi anh ta được 98 điểm hay 100 điểm nhưng mãi mãi sẽ ghi nhớ cái ngày được 72 điểm tồi tệ, ngày mà mẹ đã khiến cậu phải tìm đến cái chết. Cảm giác tội lỗi có thể khiến một đứa trẻ vô thức làm điều gì đó trái với ý muốn của mình.
Cha mẹ lo lắng, chán nản, đứa trẻ ắt bất hạnh
Mẹ của Qiao Yingzi là một người mẹ đơn thân, chính vì thế, cô mang rất nhiều kỳ vọng của mình đặt vào con. Cô bị ám ảnh bởi việc đã từng ly hôn và có sự nghiệp không thành công. Do đó, cô yêu cầu con phải thi đỗ Đại học Thanh Hoa. Trong tất cả các kỳ thi của con, cô luôn đặt ra tiêu chuẩn rất cao.
Một lần, Qiao Yingzi chỉ chiếm vị trí thứ hai và mẹ của cô bé nói rằng “Chỉ đứng thứ 2 thì có cái gì vui vẻ không? Lần tới con cũng chỉ đứng thứ 2 thôi sao? Thế còn kỳ thi tuyển sinh đại học, làm sao con có thể đỗ được”.
Kết quả là dưới sự khắc nghiệt của mẹ, Qiao Yingzi từ một cô bé sôi nổi, hay mỉm cười đã bị trầm cảm và đau đớn đến mức muốn nhảy xuống biển tự tử. Đứa trẻ là người tiếp nhận cảm xúc của cha mẹ. Khi cha mẹ buồn bã, trẻ sẽ ngay lập tức cảnh giác, sợ hãi. Khi cha mẹ vui vẻ, thoải mái, trẻ sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn rất nhiều.
Cha mẹ không hạnh phúc, không thể nuôi dạy con hạnh phúc
Blogger làm cha mẹ Wang Renping từng nói: "Mọi người đều có tài năng, lợi thế và trí thông minh khác nhau, nhịp điệu và trật tự tăng trưởng khác nhau. Quá trình và thái độ làm việc quan trọng hơn kết quả cuối cùng và thành tựu của việc làm một việc. Mỗi đứa trẻ đều có những ưu điểm riêng và điểm sáng hơn là "thành tích".
Đứa trẻ là người tiếp nhận cảm xúc của cha mẹ. khi cha mẹ buồn bã, trẻ sẽ ngay lập tức cảnh giác, sợ hãi. Khi cha mẹ vui vẻ, thoải mái, trẻ sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn rất nhiều. (Ảnh minh họa)
Có một bộ phim ngắn đầy giá trị nhân văn của Singapore đã khiến chúng ta phải suy nghĩ rất nhiều.
Bộ phim kể về câu chuyện sau một kỳ thi, người anh trai đã có kết quả xuất sắc và về báo cáo với bố mẹ. Trong khi đó, người em chỉ được 60 điểm. Cậu bé cầm tờ giấy kiểm tra trong sự xấu hổ, cúi đầu và không dám nói chuyện. Mặc dù người mẹ có hơi buồn một chút khi con chỉ được 60 điểm nhưng côn vẫn cố gắng kìm nén cảm xúc tiêu cực đó.
Cô nhớ rằng, con trai mình đã học tập rất chăm chỉ, siêng năng. Ngay cả khi cậu bé buồn ngủ cũng vẫn vỗ vào mặt để tự tỉnh và học bài tiếp. Với một đứa trẻ đã nỗ lực tới như vậy, ngay cả khi con đã không vượt qua kỳ thi một cách xuất sắc thì cũng đâu có gì để trách cứ con thêm nữa?
Cô mỉm cười và đưa cho con trai mấy quả trứng cút – món mà con thích ăn và động viên: “Sam, con đã làm rất tốt rồi”. Cậu bé ban đầu cảm thấy xấu hổ, sau đó bồn chồn và cuối cùng cũng đã nở một nụ cười trên gương mặt.
Nhà tâm lý học người Mỹ Carol Dweck nhận thấy rằng sự khen ngợi của quá trình này giúp hình thành khả năng phục hồi của trẻ.
Lời khen ngợi cho những nỗ lực của trẻ có giá trị thúc đẩy trẻ hơn là chỉ nhìn vào thành tích (ảnh minh họa)
Đại học Stanford đã khảo sát hàng trăm sinh viên và nhận thấy rằng những đứa trẻ được khen ngợi vì những nỗ lực của chúng can đảm hơn trong việc hoàn thành các thử thách.
Điểm số rất quan trọng nhưng những nỗ lực của trẻ cũng đáng phải trân trọng. Nếu bạn yêu một đứa trẻ, bạn chỉ nên xem qua những điểm số mà tập trung vào việc khám phá nhiều hơn khả năng của con.
Mọi đứa trẻ không thể bị đóng khung bởi điểm số cho cả cuộc đời
Điều quan trọng nhất đối với một đứa trẻ là gì: Là chúng được cho một môi trường lý tưởng để sống, để trở thành chính mình thay vì trở thành người mà bố mẹ chúng mong muốn. Mỗi đứa trẻ là một ngôi sao độc nhất trên bầu trời và có mặt lấp lánh riêng. Chỉ hy vọng rằng, mỗi phụ huynh sẽ mang một đôi “mắt thần” và một trái tim bao dung để bỏ qua những sự hào nhoáng bởi điểm số để khai thác tài năng và cá tính riêng của con, biến con trở thành một ngôi sao lấp lánh.