Chẳng lẽ cứ vì mình bất hạnh mà đi giành giật hạnh phúc của người khác?
Tôi thấy mình không đồng tình với ý kiến của bài viết Tôi đau chung với nỗi đau của “mẹ mìn”, vì vậy, tôi muốn nói lên quan điểm của mình trong vụ việc trẻ sơ sinh 1 ngày tuổi bị bắt cóc tại BV quận 7 Tp.HCM
Người phụ nữ, vì lý do muốn bảo vệ hạnh phúc gia đình nên vào bệnh viện bắt con của người phụ nữa khác khi đứa trẻ chưa tròn một ngày tuổi. Lý do đưa ra khiến nhiều người cảm thông, thậm chí rơi lệ. Nhưng có thực sự nên tha thứ và thông cảm cho người phụ nữ suy nghĩ giản đơn và hành động nông nỗi mà chút nữa thôi đã cướp đi sinh mạng một đứa trẻ hay không?
Nếu bảo là nên thương vì hoàn cảnh ép buộc, vì sự yếu mềm của người đàn bà muốn giữ chồng, muốn được sống hạnh phúc thì cần phải hỏi lại. Nếu chẳng may hành động bắt cóc của người phụ nữ ấy trót lọt, vậy đứa trẻ kia thay vì được mẹ ủ ấm, cho uống dòng sữa thơm ngọt, được nâng niu trong bầu ngực ấm thì lại bị lôi đi khắp nơi bất chấp nguy hiểm; Còn người mẹ mang nặng đẻ đau, chịu khổ 9 tháng 10 ngày rức ruột đẻ con ra, chưa kịp trào dâng niềm hạnh phúc thiêng liêng đã phải cạn khô nước mắt, quằn quại trong đau đớn vì con đã không còn bên cạnh. Ai sẽ chịu trách nhiệm cho nỗi đau đớn tinh thần và thể xác của cả đứa trẻ và người mẹ đây?
Có lẽ đã có rất nhiều người cám cảnh của người phụ nữ này sẽ nên đồng cảm với cô. Phận đàn bà, lúc đứng trước nguy cơ tan vỡ hạnh phúc thường rơi vào trạng thái hoảng loạn, không kiềm chế được hành vi dẫn đến hành động sai trái. Nhưng không phải cứ có nguy cơ mất chồng thì lại đi làm chuyện trái đạo đức, trái pháp luật, xâm phạm đến sự yên bình của xã hội, cướp đi nụ cười của người khác. Tôi luôn tự đặt ra câu hỏi, nếu ở vào vị trí đó, tôi có đi đến nước phạm tội, làm một việc rồ dại, sẵn sàng tổn hại người khác chỉ vì biện minh cho cái khát khao hạnh phúc gia đình của một người đàn bà hay không? Đã hàng chục lần tự khẳng định rằng mình không thể làm điều đó, vì trước hết, tôi hiểu rằng, hạnh phúc chân chính chỉ có được khi mình vun xới, nuôi nấng bằng chính yêu thương và thành tâm. Không thể có cái hạnh phúc gọi là "ăn cướp" của người khác hay vay mượn tạm bợ được.
Ai sẽ chịu trách nhiệm cho nỗi đau đớn tinh thần và thể xác của người mẹ này?
Và hơn hết, người phụ nữ đi bắt cóc đứa trẻ đã từng nói do hư thai mà gia đình chồng không hề hay biết lại làm tôi phải suy nghĩ, liệu rằng nơi mà cô gọi là "gia đình", người mà cô gọi là chồng đó, có thật sự xem cô là người nhà hay không khi mấy tháng trời cô hư thai mà chẳng ai phát hiện bất thường. Vì họ sống với nhau quá ơ thờ, hay vì cô quá giỏi ngụy trang, gian dối? Đến lúc con người ta cần xem lại mình đã thật sự đối với nhau đủ tốt chưa, yêu thương, quan tâm nhau đủ chưa, và là một gia đình đúng nghĩa chưa hay chỉ "gá" đỡ vào đó rồi tự ảo tưởng để khi có chuyện lại hành động một các rồ dại, "tự làm tự chịu"?
Suy nghĩ nông cạn, hành động xuẩn ngốc, vi phạm pháp luật, đi ngược lề thói đạo đức, dù có đáng thương bao nhiêu đi nữa cũng đáng trách vạn lần. Người phụ nữ đã phạm tội trong câu chuyện này, trước khi nhận được sự cảm thông của xã hội, cần phải tự gánh lấy bản án cho sai lầm của mình. Đâu phải ai khát khao con cái, khao khát được làm mẹ cũng có quyền đi bắt con người khác về nuôi. Đâu phải làm sai, xin hối lỗi là có thể tha thứ!
Những ai đã và đang làm mẹ, đang phải trải qua thời gian đằng đẵng mang thai 9 tháng 10 ngày, trải qua nhiều đêm mất ăn mất ngủ thức trắng đêm chăm con nhỏ bị ốm, từng mất ăn mất ngủ cầu trời cho con được khỏe mạnh, từng rơi nước mắt khi thấy con bị thương dù chỉ một vết xước nhỏ sẽ hiểu nỗi đau của người mẹ vừa trải qua cơn khủng hoảng vì bị mất con vừa qua.
Hạnh phúc của người mẹ là được chính mình mang thai, sinh ra con bằng nỗi đau thể xác và hạnh phúc từ tâm hồn, xin đừng thêm một người nào muốn làm mẹ mà đi giành giật hạnh phúc của người khác như thế nữa!
Theo tâm sự của độc giả Nguyễn Hoài Thương (Quận 5, Tp.HCM)