Khi bé Thỏ được 5 tháng tuổi, chị Phượng Lê bắt đầu cho con ăn dặm với vài thìa cháo loãng, 1 lần/ ngày.
Sinh ra và lớn lên tại Việt Nam nhưng công việc đã giúp chị Phượng Lê (tên hay gọi là mẹ Thỏ) nảy nở tình yêu và quyết định lấy chồng, sinh sống tại xứ sở loài hoa anh đào, Nhật Bản.
Lấy chồng xa nhà nhưng chưa một giây phút nào chị cảm thấy buồn tủi vì luôn nhận được sự yêu mến từ chồng, tận tình chỉ dạy của bố mẹ. Đến nay, chị đã có 2 nhóc tì đáng yêu là bé Thỏ (19 tháng tuổi) và bé Sóc (hơn 3 tháng tuổi).
Bé Thỏ hiện giờ đã được 19 tháng tuổi. Ảnh NVCC
Em Sóc 3 tháng tuổi. Ảnh NVCC
“Thỏ và Sóc rất tự giác. Bé Thỏ đã lớn, là chị nên rất biết yêu thương em, biết tự đánh răng rửa mặt, khi mẹ mang cơm ra sẽ tự động lên ghế ngồi, tự xúc ăn từ đầu đến cuối. Khi mẹ nói đi ngủ nào, sẽ chạy vào phòng ngủ nằm chờ, luôn miệng nó đi ngủ nào. Mẹ hô đi tắm sẽ tự vào nhà tắm.
Còn em Sóc ăn, chơi, ngủ cũng đúng giờ. Ngủ xuyên đêm, cân nặng, chiều cao đều đạt chuẩn”, mẹ Thỏ vui mừng chia sẻ.
Chị cho biết, hai chị em Thỏ hầu như chưa ốm bao giờ, chỉ duy nhất một lần đưa Thỏ về Việt Nam (5 tháng tuổi) thăm quê ngoại. Do thay đổi thời tiết, khí hậu, Thỏ bị viêm tai giữa. Tuy nhiên rút kinh nghiệm, trong lần thứ hai về Việt Nam, mẹ Thỏ mang nước muối sinh lý tự chế về để vệ sinh kỹ càng cho con nên bé không còn ốm.
“Một mình mình chăm hai đứa nhưng không vất vả gì cả. Cũng là nhờ bà nội hỗ trợ nấu ăn, làm các công việc nhà giúp mình”, mẹ Thỏ kể.
Khi hỏi chị về chế độ ăn dặm của bé bên Nhật có khác so với Việt Nam nhiều không, chị cho rằng về cơ bản không khác là mấy. Theo bác sỹ dinh dưỡng, giai đoạn thích hợp nhất để cho bé ăn dặm là từ 5 hoặc 6 tháng tuổi. Lúc này hệ tiêu hoá của bé đã có thể thích nghi với các đồ ăn dặm không phải là sữa mẹ hoặc sữa công thức.
Chính vì thế, khi Thỏ 5 tháng tuổi, chị bắt đầu cho con tập ăn dặm, ngày 1 lần.
Mẹ Thỏ nhấn mạnh, với trẻ trong độ tuổi ăn dặm, nguồn dinh dưỡng chủ yếu vẫn là sữa mẹ. Thực đơn vàng cho độ tuổi bắt đầu tập ăn dặm ngoài cháo loãng ra thì chính là các củ thuộc họ khoai. Khoai rất lành tính và tốt cho hệ tiêu hoá non nớt của trẻ.
Mẹ Thỏ chia sẻ thực đơn ăn dặm của người Nhật mà chị áp dụng cho bé. Ảnh NVCC
Theo tiêu chuẩn chung ăn dặm kiểu Nhật, các thực phẩm tương ứng theo từng thời kỳ nên cho bé ăn như sau:
Trong tuần đầu tiên chị cho bé ăn chỉ 1 vài thìa cháo loãng. Sang tuần thứ hai ngoài cháo loãng, có thể cho ăn các loại khoai nghiền nhuyễn. Sang tuần thứ ba, ngoài cháo, khoai, cho bé ăn thêm các loại rau xanh xay nhỏ, đảm bảo cháo 30g, khoai và rau xanh chừng 1,2 thìa.
Bé Thỏ hồi 3 tháng tuổi. Ảnh NVCC
6 tháng tuổi: cho bé ăn dặm ngày 2 lần, sáng và chiều.
Ngoài các thực phẩm trên, có thể bổ sung thêm trứng vào thực đơn (nên ăn 1/2 quả).
Lượng ăn mỗi ngày khoảng 40g cháo loãng và 1,2 thìa rau xanh, khoai (rau cải xoăn, cà rốt, cà chua, hành tây, bắp cải, súp lơ xanh) và trứng.
7 tháng tuổi: có thể bổ sung cho bé ở giai đoạn này cá và thịt phần ức của gà, và các loại rau củ.
Ngoài ra, giai đoạn này mẹ có thể bổ sung thêm các loại hoa quả có vị nhạt vào thực đơn cho bé. Vì hệ tiêu hoá của trẻ vẫn còn non nớt nên mẹ nên xay nhuyễn, nấu chín các loại hoa quả này.
Tuỳ cơ địa từng bé mà việc thích nghi với các loại quả cũng khác nhau. Mẹ có thể nhìn phân của bé để điều chỉnh. Ví dụ các quả có xu hướng đi phân cứng: táo, cà rốt, chuối… Các quả có xu hướng đi phân mềm: lê, đào…
Giai đoạn này mẹ nên chọn các loại quả có vị thanh, nhạt cho bé. Tuy nhiên chỉ nên cho bé ăn 1 lần hoa quả trong ngày (khoảng 5 thìa).
Thỏ khi tròn 9 tháng tuổi được mẹ cho về Việt Nam và không còn ốm như lần đầu về nữa. Ảnh NVCC
Từ 8 tháng tuổi: mẹ tăng dần độ thô của cháo, cho bé tập ăn thêm các thực phẩm từ ngũ cốc khác như mỳ ống, bánh mỳ nhạt, bánh ngũ cốc ăn dặm... Ngoài ra, lúc này mẹ nên bắt đầu cho bé ăn các loại thịt bò, lợn, gà...
Giai đoạn từ 12 tháng trở đi: Bắt đầu bổ sung các thực phẩm từ sữa tươi (sữa tươi uống, yogurt, phô mai…), tăng cường lượng hoa quả tươi cho trẻ, nước uống cho trẻ.
Trong giai đoạn cuối của quá trình ăn dặm, khoảng 12 - 19 tháng tuổi:
Khi này mẹ đảm bảo 3 bữa chính, 2 bữa phụ, dinh dưỡng với tinh bột, rau củ, thịt cá.
Bữa chính cho bé ăn cơm và thức ăn được chế biến cứng hơn. 2 bữa phụ với các loại bánh dành cho trẻ nhỏ, các loại bánh ngũ cốc, súp ngô, súp đậu phụ... và hoa quả sấy, 2 lần/ ngày.
Ngoài ra, giai đoạn này các mẹ nên nhớ vẫn đảm bảo lượng sữa từ 200ml tới 400ml.
Mẹ Thỏ cho rằng chính nhờ chế độ ăn dặm quy củ chị đề ra mà hiện tại bé rất thích ăn uống, tự giác và tăng cân đều đều. Chị cũng dự định đến tuổi sẽ cho Sóc ăn dặm theo phương pháp đó để đảm bảo dinh dưỡng, chuẩn cân nặng và chiều cao cho con.