Cho bé ăn dặm kiểu Nhật giúp bé được làm quen với nhiều loại thức ăn và tập ăn thô sớm giúp bé phát triển vị giác và tính tự lập trong việc ăn uống.
Chế độ dinh dưỡng của bé luôn là vấn đề được mẹ quan tâm hàng đầu vì ăn uống đủ chất, đúng cách sẽ giúp bé thông minh và khỏe mạnh. Trong rất nhiều phương pháp ăn dặm hiện nay thì cho bé ăn dặm kiểu Nhật là một phương pháp tiến bộ nhận được nhiều lời khen của các mẹ bỉm sữa.
Ăn dặm kiểu Nhật chú trọng vào việc cho bé ăn theo nhu cầu vì vậy luôn đảm bảo cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho bé. Ngoài ra các mẹ ở Việt Nam có thể áp dụng phương pháp này một cách dễ dàng bởi vì các loại thực phẩm và cách nấu nướng của người Nhật có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam.
Để hiểu rõ hơn về phương pháp ăn dặm kiểu Nhật, mẹ hãy theo dõi bài viết sau đây nhé!
1. Ăn dặm kiểu Nhật là gì?
Ăn dặm kiểu Nhật là phương pháp phối hợp nhiều loại thực phẩm đa dạng khác nhau để tạo nên thực đơn phong phú, đầy đủ chất phù hợp với từng giai đoạn phát triển của bé. Khi cho bé ăn dặm kiểu Nhật mẹ sẽ cho bé bắt đầu ngay với cháo loãng nấu theo tỉ lệ 1 gạo 10 nước chứ không quấy bột. Độ thô của cháo sẽ tăng dần lên theo thời gian. Các loại thịt cá, rau củ cũng được chế biến riêng với độ thô phù hợp theo độ tuổi của bé.
Ăn dặm kiểu Nhật giúp bé làm quen với nhiều loại thức ăn khác nhau. (Ảnh minh họa)
Điểm quan trọng trong phương pháp ăn dặm kiểu Nhật là các loại thức ăn sẽ được nấu riêng để bé tập làm quen với các loại mùi vị khác nhau. Một bữa ăn dặm kiểu Nhật luôn đảm bảo đủ ba nhóm thực phẩm: tinh bột, chất đạm và vitamin.
Ngoài ra, trong phương pháp ăn dặm kiểu Nhật bé sẽ được ngồi ghế để ăn chứ không đi rong. Đồng thời bé được học cách tự cầm thìa, muỗng để xúc thức ăn. Khi bé không muốn ăn nữa thì mẹ tuyệt đối không ép bé ăn.
2. Các giai đoạn khi cho bé ăn dặm kiểu Nhật
Ăn dặm kiểu Nhật được chia theo các giai đoạn sau đây:
- Giai đoạn 1(từ 5-6 tháng tuổi): Đây là giai đoạn bé bắt đầu tập ăn dặm. Thức ăn của bé được nấu theo dạng bột và sánh để bé dễ nuốt.
- Giai đoạn 2 (từ 7-8 tháng tuổi): Giai đoạn này bé bắt đầu tập dùng lưỡi để lấy thức ăn và tập nhai. Thức ăn của bé mẹ nên ninh nhừ, nghiền sơ.
- Giai đoạn 3 (từ 9-11 tháng tuổi): Giai đoạn này bé đã thể nhai trệu trạo. Vì vậy mẹ có thể tăng dần độ cứng của thức ăn để bé có thể nhai bằng lợi.
- Giai đoạn 4 (từ 12-18 tháng): Giai đoạn này bé đã có nhiều răng hơn nên có thể nhai thức ăn. Thức ăn của bé nên được nấu mềm vừa phải.
3. Nguyên tắc khi cho bé ăn dặm
Khi bé ăn dặm kiểu Nhật, mẹ cần chú ý các nguyên tắc sau đây:
- Bữa ăn của bé phải đủ 3 nhóm thực phẩm: tinh bột, chất đạm và vitamin. Các món ăn được thay đổi đa dạng để bé làm quen với các loại thực phẩm khác nhau.
- Tập cho bé ăn đúng giờ.
- Cho bé ngồi ghế ăn chứ không đưa bé đi rong khắp nơi.
- Không thúc ép bé ăn.
- Khi giới thiệu món mới nên chờ 3 -5 ngày để xem bé có bị dị ứng thực phẩm không.
- Thức ăn được nấu thô phù hợp với từng giai đoạn phát triển của bé.
- Nấu riêng từng loại thức ăn để đảm bảo mùi vị.
4. Lợi ích, điểm hạn chế của phương pháp ăn dặm kiểu Nhật
Ăn dặm kiểu Nhật được nhiều mẹ lựa chọn vì có nhiều ưu điểm, tiến bộ hơn so với các phương pháp ăn dặm khác.
- Bé làm quen được với nhiều loại thức ăn từ nhỏ nên khi lớn lên sẽ không kén chọn.
- Bé có khả năng ăn thô sớm hơn so với các bé ăn dặm theo phương pháp truyền thống.
- Bé không bị tâm lí sợ hãi khi ăn uống vì không bị ép ăn.
- Thực đơn ăn dặm đa dạng, phong phú giúp cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết cho bé.
- Bé tự lập trong ăn uống, không phải dỗ dành nhiều.
Bên cạnh các ưu điểm thì ăn dặm kiểu Nhật vẫn còn một số hạn chế sau:
- Thời gian đầu mẹ sẽ mất nhiều thời gian, công sức chuẩn bị, nấu nướng đồ ăn cho bé.
- Bé ăn theo nhu cầu nên sẽ không tăng cân mạnh như theo phương pháp ăn dặm truyền thống.
- Không phải gia đình nào cũng ủng hộ mẹ theo phương pháp này.
5. Cách nấu một số món ăn dặm kiểu Nhật
Mẹ hãy cùng tìm hiểu công thức nấu các món cháo cho bé ăn dặm kiểu Nhật ngon miệng cho bé:
Cháo cà rốt
Cháo cà rốt thơm ngon. (Ảnh minh họa)
Nguyên liệu: 2 muỗng cháo, 2 muỗng nhỏ cà rốt nấu chín nghiền nhuyễn.
Cách làm:
- Mẹ nấu cháo theo tỉ lệ 1 gạo 10 nước. Sau đó đem cháo nghiền nhuyễn.
- Mẹ cho cháo lên bếp bật lửa nhỏ, cho cà rốt đã nghiền vào trộn đều.
- Múc ra bát cho bé dùng khi còn nóng.
Khoai tây sữa
Khoai tây sữa ngon miệng. (Ảnh minh họa)
Nguyên liệu: 1/8 của khoai tây, 100ml sữa.
Cách làm:
- Khoai tây rửa sạch, gọt vỏ, thái nhỏ.
- Cho sữa và khoai tây vào nồi. Bật lửa to cho sữa sôi rồi để lửa nhỏ nấu đến khi khoai tây chín mềm.
- Tắt bếp, cho khoai tây và sữa vào máy xay nghiền nhuyễn rồi rây qua lưới.
- Múc ra bát cho bé thưởng thức.
Súp thịt gà khoai môn
Súp thịt gà khoai môn cho bé yêu. (Ảnh minh họa)
Nguyên liệu: 70g khoai môn, 2 thìa thịt gà bằm, bột gạo, 100ml nước dashi (100ml), hành lá.
Cách làm:
- Khoai môn rửa sạch, gọt vỏ, thái nhỏ. Sau đó mẹ đem hấp chín rồi nghiền nhuyễn.
- Cho chảo lên bếp, cho nước dashi và thịt gà bằm vào chảo khuấy đều. Cho thêm nước tương và hành lá thái nhỏ nấu cho đến khi thịt gà chín mềm.
- Cho khoai môn đã nghiền vào nồi nấu khoảng 2 phút.
- Cho bột gạo đã hòa tan vào đun sôi để tạo độ sánh.